Tâm sự của nhà đầu tư chứng khoán Việt 18 năm chưa một ngày rời bỏ thị trường

18/02/2018 11:18

Thị trường chứng khoán Việt đã bước sang tuổi thứ 18 với không ít thăng trầm, đã có nhiều lớp nhà đầu tư đến và đi, nhưng vẫn có một nhà đầu tư "bám sàn" từ ngày đầu tiên, không ngừng nghỉ cho đến nay và coi đó như một nghề nghiêm túc.

Gặp anh Trần Tiến Dũng vào một ngày cận Tết Mậu Tuất 2018 khi thị trường chứng khoán Việt chỉ còn 2 phiên nữa là nghỉ giao dịch. Tham gia từ những ngày đầu thị trường mở cửa năm 2000, đến nay anh Dũng (46 tuổi) - một nhà đầu tư cá nhân - đã trải qua 18 năm "bám sàn" như cách anh nói "có lẽ thị trường chỉ còn tôi là nhà đầu tư không ngắt quãng, chưa bỏ thị trường một ngày nào".

tran tien dung

 Đầu tư chứng khoán trở thành một nghề mà anh Trần Tiến Dũng theo đuổi một cách nghiêm túc 18 năm qua.

Tốt nghiệp khoa kinh tế của Đại học Bách Khoa, nhưng anh Dũng lại thích chủ động các công việc, không thích làm cho ai.

Một nghề nghiêm túc

"Trong quá trình đi học, tôi đã để ý tới thị trường chứng khoán. Trước khi mở cửa năm 2000 thì thị trường chứng khoán đã rập rình ra đời 5-7 năm, đã mấy lần định mở nhưng không được. Năm 2000 mới chốt. Trước ngày mở cửa thị trường, nhìn thấy bản tin thời sự trên truyền hình có tin cắt băng khánh thành sàn giao dịch đầu tiên của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thì hôm sau tôi đến và sau đó mở tài khoản luôn. Lúc đầu chỉ nạp 2 triệu đồng và trên sàn chỉ có hai mã là REE và SAM. Từ đó đến nay, tôi chưa nghỉ giao dịch một ngày nào, không ngắt quãng một đoạn này", anh Dũng kể và cho biết, anh Nguyễn Quang Vinh (nguyên Tổng giám đốc BVSC) lúc đó là trưởng phòng có lẽ "sẽ không bao giờ quên tên số tài khoản của tôi bởi tôi là một trong những nhà đầu tư cá nhân có tỷ suất lợi nhuận cao nhất".

Anh Dũng cũng tâm sự, có người nói với anh rằng, "chứng khoán chỉ chơi để biết thôi vì rất khó đoán định, không biết ngày mai" nhưng đối với anh thì đó là một nghề, một nghề nghiêm túc.

"Không có nghề nào mà khiến người ta phải liên tục vận hành, liên tục hoàn thiện bản thân mình như nghề này. Tham gia vào thị trường chứng khoán như ngồi trên ghế điện. Nơi này cũng là đỉnh cao của kinh tế, tri thức, nơi hội tụ những người giàu nhất, giỏi nhất và những người nào giỏi hơn, thông minh hơn, may mắn hơn sẽ là những người thành công", anh Dũng nói.

Tự học, tự đọc

Sau 18 năm với 4 đời Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho đến nay, anh Dũng nhận định thị trường đã đáp ứng được một phần kỳ vọng của nhà đầu tư. Nhiệm kỳ Thủ tướng lần này, theo anh, đã nhận thức được tầm quan trọng của thị trường chứng khoán, trong khi trước đó thị trường chứng khoán chưa được xem trọng hoặc chưa được đánh giá đúng tầm quan trọng. "Thị trường chứng khoán quan trọng ngang với hệ thống ngân hàng, nó là hai trụ cột của nền kinh tế, song song, bổ trợ vốn cho nền kinh tế".

"Thị trường 18 năm nhưng đến bây giờ mới có 2 triệu tài khoản. Mọi người cần phải tham gia sâu hơn vào thị trường chứng khoán. Đầu tư vào chứng khoán mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và nền kinh tế. Lợi nhuận đầu tư chứng khoán lớn hơn nhiều đầu tư bất động sản. Rất nhiều người ở các nước phát triển, mặc dù đi thuê nhà ở nhưng luôn luôn có tiền để đầu tư chứng khoán", anh Dũng chia sẻ.

Trong hai phiên kinh hoàng của thị trường chứng khoán Việt vào ngày 5-6/2/2018 vừa qua, một động thái được cho là hiếm thấy của cơ quan quản lý thị trường là Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng đã lên tiếng nhận định về nguyên nhân và đánh giá về xu hướng thị trường. Động thái này, theo anh Dũng, đã cho thấy vai trò của Ủy ban Chứng khoán được nhìn nhận tốt

Theo nhà đầu tư này, đợt giảm vừa rồi là thị trường đến ngưỡng phải giảm và "cái giảm đó là giảm rất tốt". Thị trường điều chỉnh là điều tất yếu và nếu không điều chỉnh sẽ sụt rất mạnh. Trong nhịp điều chỉnh vừa qua, không phải cổ phiếu nào cũng xuống hoặc xuống không nhiều và khi đã bật lên thì bật rất nhanh và đó là cơ hội.

Theo nhìn nhận của anh Trần Tiến Dũng, kịch bản thị trường chứng khoán năm nay lên khoảng 1.300 đã là "quá đỉnh" còn ngưỡng 2.000 điểm là "điều không tưởng". Năm nay, cũng theo đánh giá của anh Dũng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và sản xuất cơ bản (như vật liệu xây dựng) sẽ là những cổ phiếu có triển vọng.

"Cuộc chơi nào cũng vậy, tham gia thì phải chấp nhận rủi ro, phải biết rút kinh nghiệm. Quan trọng nhất là phải vận hành liên tục, tự học, tự đọc, tự trang bị kiến thức, không nên quá trông chờ vào các nhận định, nhận xét. Phải có kiến thức phân tích được doanh nghiệp, phải lập được cho mình một danh mục đầu tư hiệu quả và kiên trì theo danh mục đó. Khi thị trường có cơ hội, sẵn sàng đầu cơ, nếu không thì vẫn phải vừa là nhà đầu tư, vừa nhà đầu cơ".

Đối với nhà đầu tư 18 năm theo tham gia sâu sát với thị trường, thị trường chứng khoán Việt Nam đi sau nhưng sẽ có nhiều cơ hội học hỏi và còn rất nhiều tiềm năng. Cơ hội kiếm tiền trên thị trường chứng khoán hiện nay là vô cùng lớn vì thị trường rộng và nhiều lựa chọn, nhiều doanh nghiệp tốt để đầu tư. "Quy mô của thị trường chứng khoán tương đương 70% GDP (GDP 220 tỷ USD, tương đương khoảng 5 triệu tỷ đồng). 70% GDP tương đương khoảng 3,5 triệu tỷ đồng. Một ngày giao dịch bình quân khoảng 6.000 - 7.000 tỷ đồng. Làm gì và kinh doanh gì trên thị trường với lượng tiền lớn như vậy? Mặc dù thị trường còn nhiều vấn đề như minh bạch nhưng chúng ta nên chấp nhận nó, không nên vì thế mà sợ nó", anh nói.

Với anh, chỉ cần hiểu đơn giản, thị trường một là lên hai là xuống, không nên quá hoảng loạn. Thị trường xuống cơ hội kiếm tiền nhiều hơn khi thị trường lên. Khi thị trường xuống, nhà đầu tư có bề dày kiến thức và hiểu được doanh nghiệp sẽ mua được những cổ phiếu tốt.

"Với các con của tôi, tôi vẫn muốn chúng cũng sẽ đầu tư chứng khoán như tôi. Chúng thích đi làm gì cũng được nhưng vẫn nên tham gia vào thị trường", nhà đầu tư 46 tuổi nói và nói vui rằng "chỉ đến khi nào đậy nắp quan tài mới bỏ cái nghề này".

Theo Hồ Mai/NĐT