Lên giá cao nhất lịch sử, ông lớn lãi 1 tỷ USD vô đối Việt Nam

15/07/2019 14:03

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiếp tục ghi dấu ấn nửa đầu 2019 và đang hướng tới mốc lợi nhuận tỷ USD đầu tiên trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (VCB) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 với kỷ lục mới được ghi nhận trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Theo đó, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên ghi nhận lợi trước thuế nửa đầu năm 2019 đạt hơn 11.000 tỷ đồng, tăng hơn 43% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận hợp nhất đạt gần 11,3 ngàn tỷ đồng, tăng gần 41%.

Hàng loạt ngân hàng khác cũng ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh, qua đó giá cổ phiếu tăng khá ấn tượng bất chấp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế tín dụng để đảm bảo một hệ thống tài chính phát triển ổn định.

Trong năm 2018, Vietcombank ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục, đạt gần 18,4 ngàn tỷ đồng, tăng 62% so với 2017. Và nếu 2019 giữ được tốc độ tăng trưởng trên 60% như năm 2018, Vietcombank sẽ đạt quy mô lợi nhuận tỷ USD ngay trong năm 2019. Đây là một khả năng khá cao bởi hoạt động của các ngân hàng thường tốt hơn vào 6 tháng cuối năm.

Lên giá cao nhất lịch sử, ông lớn lãi 1 tỷ USD vô đối Việt Nam
Ngân hàng đồng loạt báo lợi nhuận 6 tháng 2019 tăng vọt.

Trong tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng nổi sóng. Riêng cổ phiếu Vietcombank đạt mức giá cao nhất trong lịch sử, 74.000 đồng/cp (giá đã điều chỉnh).

Nhiều ngân hàng khác cũng ghi nhận lợi nhuận ấn tượng như Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) ghi nhuận lợi nhuận trước thuế tăng 58% lên 1.820 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) tăng 50% lên 1.620 tỷ đồng; ACB tăng hơn 14% lên 3,6 ngàn tỷ đồng...

Thị trường chứng khoán (TTCK) trở nên sôi động hơn với nhóm cổ phiếu ngân hàng bứt phá và thêm thông tin chứng khoán thế giới khởi sắc sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu khá rõ ràng về khả năng sẽ lần đầu tiên trong khoảng 1 thập kỷ qua giảm lãi suất, đảo chiều chính sách tiền tệ của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong 6 tháng đầu năm, giá cổ phiếu ngân hàng phần lớn giảm do chịu tác động của xu hướng giảm chung trên TTCK. Tuy nhiên, gần đây nhóm cổ phiếu này có dấu hiệu tăng tích cực trở lại và là nhóm góp phần rất lớn cho sự hồi phục của thị trường chung. Những kết quả ấn tượng trong quý 2 cũng có thể là yếu tố hỗ trợ cho các cổ phiếu này.

Trên TTCK, giao dịch vẫn khá khiêm tốn. Áp lực chốt lời khiến thị trường đảo chiều giảm trong phiên cuối tuần. Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng giảm đôi chút sau vài phiên tăng mạnh.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu dầu khí bắt đầu phân hóa sau một đợt tăng mạnh. Trong khi các mã lớn quay đầu giảm điểm như GAS, PVD, PVS thì một số mã khác lại tăng điểm mạnh như PXS và PVC...

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo CTCK Rồng Việt, áp lực chốt lời là tương đối lớn, nhất là ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Các cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn duy trì được phong độ với nhiều cổ phiếu tăng mạnh. Xu hướng này đã kéo dài khá lâu và chưa có dấu hiệu kết thúc.

Chứng khoán BSC cho rằng, KQKD quý II vẫn là động lực chính cho thị trường trong tuần mới. Dù vậy các chỉ số có thể bị gây nhiễu từ hoạt động cơ cấu theo VN30 mới cũng như toan tính trading khi HĐTL 1907 đáo hạn.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/7, VN-Index giảm 3,23 điểm xuống 975,4 điểm; HNX-Index giảm 0,16 điểm xuống 105,86 điểm và Upcom-Index giảm 0,17 điểm xuống 56,61 điểm. Thanh khoản đạt 190 triệu đơn vị, trị giá 4,2 ngàn tỷ đồng.

V. Minh

Theo Vietnamnet