TP.HCM: Văn phòng Thành ủy khó rút vốn khỏi 2 ngân hàng

16/10/2018 15:51

Nếu tính theo thị giá trên thị trường OTC, lượng cổ phiếu mà Văn phòng Thành ủy TP.HCM đầu tư vào 2 ngân hàng DongA Bank và Saigonbank hầu như không sinh lời, thậm chí còn... kẹt vốn.

Nếu tính theo thị giá trên thị trường OTC, lượng cổ phiếu mà Văn phòng Thành ủy TP.HCM đầu tư vào 2 ngân hàng DongA Bank và Saigonbank hầu như không sinh lời, thậm chí còn... kẹt vốn.

Văn phòng Thành ủy TP.HCM đang "sa lầy" với khoản đầu tư vào DongA Bank (Ảnh: IT)

Tại Hội nghị lần thứ 18 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa 10 diễn ra hôm qua 15.10, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, sắp tới Văn phòng Thành ủy TP.HCM sẽ tính toán rút vốn đầu tư vào các ngân hàng. Tuy nhiên, việc thoái vốn này theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế là rất khó khăn.

“Sa lầy” vào 2 ngân hàng yếu kém

Theo tìm hiểu, hiện Văn phòng Thành ủy TP.HCM đang là cổ đông lớn tại 2 ngân hàng gồm: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank). Trong đó, tại Saigonbank, Văn phòng Thành ủy TP.HCM là cổ đông lớn nhất khi sở hữu 18,18% vốn ngân hàng. Điều đó có nghĩa, tại thời điểm quyết định đầu tư, nếu mua vào cổ phiếu Saigonbank theo mệnh giá (10.000 đồng/CP) thì đơn vị này đã phải chi khoảng 560 tỷ đồng để sở hữu 18,18% vốn của Saigonbank.

Điều đáng nói, theo Luật các Tổ chức tín dụng 2010 đã quy định, các tổ chức chỉ được sở hữu tối đa 15% vốn ngân hàng. Tuy nhiên, tại Saigonbank, có tới 3 đơn vị vượt quy định này gồm: Văn phòng Thành ủy TP.HCM (18,18%); Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận (16,64%); Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa (16,35%).

Tương tự, tại DongA Bank, Văn phòng Thành ủy TP.HCM cũng là cổ đông lớn thứ 3 khi sở hữu 6,87% vốn ngân hàng, chỉ đứng sau Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 và Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận.

Tuy nhiên, chưa rõ thời điểm mà Văn phòng Thành ủy TP.HCM chi tiền để mua cổ phiếu DongA Bank nên chưa tính được số vốn mà đơn vị này chi ra để trở thành cổ đông lớn, song nếu mua vào cổ phiếu của DongA Bank theo mệnh giá, Văn phòng Thành ủy sẽ phải chi ra 343,5 tỷ đồng. Còn nếu mua theo giá thị trường ở thời điểm cổ phiếu ngân hàng đang “sốt” thì số vốn của đơn vị này có thể phải đội lên cao gấp hai, ba lần.

Cơ cấu cổ đông đầu tư vào Saigonbank

Đáng nói, hiện cả 2 ngân hàng này đều đang xếp vào loại yếu kém trong hệ thống các tổ chức tín dụng. Nếu tại DongA Bank, cổ phiếu của ngân hàng này bị đưa vào diện hạn chế giao dịch và ngân hàng này cũng đang bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt (các chỉ số tài chính không được công bố); thì tình hình kinh doanh tại Saigonbank cũng khá... làng nhàng.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh mới được công bố gần đây nhất, tính đến cuối tháng 6.2018, tổng tài sản của Saigonbank là 20.725 tỷ đồng, tăng 5,35% so với cùng kỳ năm trước. Huy động vốn đạt gần 17.000 tỷ đồng, tăng 7,63% so với cùng kỳ trong đó tiền gửi khách hàng là hơn 14.223 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đạt 13.852 tỷ, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên so với đầu năm thì cả huy động vốn lẫn tăng trưởng tín dụng đều giảm, trong đó tín dụng âm 1,79%. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng còn gần 112 tỷ đồng, giảm 30,2% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên vẫn hoàn thành xấp xỉ 75% so với kế hoạch năm.

Đáng chú ý, nợ xấu của Saigonbank trong 6 tháng qua chiếm tới 6,48% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng với con số tuyệt đối là 897 tỷ đồng.

Trên sàn OTC, hiện cổ phiếu Saigonbank được chào bán ở mức giá 9.500 - 10.000 đồng/CP. Riêng cổ phiếu DongA Bank thì đang bị hạn chế giao dịch.

Khó thoái vốn?

Theo các chuyên gia kinh tế, việc thoái vốn tại các ngân hàng để giảm sở hữu chéo đối với một số ngân hàng nhỏ rất khó khăn.

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã tổ chức phiên bán đấu giá thoái vốn 53,4 triệu cổ phần (tương đương 534 tỷ đồng theo mệnh giá) cổ phần của Ngân hàng TMCP Quân đội (mã MBB) với mức giá khởi điểm 19.641 đồng/CP. Tuy nhiên, kết quả là Vietcombank chỉ bán được 10.000 cổ phần (tương đương 0,018% số cổ phần đưa ra đấu giá), dù MBB được đánh giá là mã cổ phiếu ngân hàng có nền tảng khá tốt trong nhóm các cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết.

Trở lại câu chuyện của Saigonbank, đây là ngân hàng đang nằm ở... “chiếu dưới” trong hệ thống các tổ chức tín dụng với vốn điều lệ chỉ 3.080 tỷ đồng. Trong những năm gần đây, lợi nhuận Saigonbank cũng trồi sụt thất thường khi con số lợi nhuận sau thuế các năm 2014, 2015, 2016, 2017 lần lượt đạt 181 tỷ đồng, 43 tỷ đồng, 139 tỷ đồng và 55 tỷ đồng. Chưa kể, nợ xấu còn lên tới 6,48% (tính tới tháng 6.2018), nên việc thoái vốn sẽ rất khó khăn.

Còn nhớ, tháng 11.2017, Vietcombank đã bán toàn bộ 13,2 triệu cổ phần sở hữu Saigonbank với giá đấu thành công bình quân là 20.100 đồng/CP. Nếu trong đợt thoái vốn sắp tới, Văn phòng Thành ủy TP.HCM bán 18,18% cổ phần tại Saigonbank đạt mức giá xấp xỉ như Vietcombank thì kỳ vọng sẽ thu được lợi nhuận. Còn nếu thoái vốn dựa theo giá giao dịch cổ phiếu của ngân hàng này trên thị trường OTC hiện tại thì có thể chỉ... hòa vốn.

Còn với lượng cổ phiếu nắm giữ tại DongA Bank, do cổ phiếu này đang bị hạn chế chuyển nhượng nên có khả năng thời gian qua Văn phòng Thành ủy TP.HCM cũng khá... chật vật. Nên nhớ, tại thời điểm 31.3.2018, một cổ đông lớn của DongA Bank là Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng phải trích lập dự phòng rủi ro giảm giá đầu tư vào cổ phiếu DongA Bank với khoản tiền 395 tỷ đồng.

Quốc Hải

Theo Dân Việt

Bạn đang đọc bài viết "TP.HCM: Văn phòng Thành ủy khó rút vốn khỏi 2 ngân hàng" tại chuyên mục Tài chính.