Thời tiền mặt là vua: Tiết lộ của tay to 'buôn tiền'

16/12/2022 06:54

=Với thâm niên hơn 30 năm trong nghề kinh doanh tiền tệ, bà Tư Kỳ, chủ một công ty thương mại ở quận Tân Bình, đang hưởng lợi khi lãi suất ngân hàng liên tục tăng, cộng với việc siết chặt cho vay, khiến khách hàng tìm đến bà nhiều hơn, lãi suất cũng tăng cao hơn.

Tiền đẻ ra tiền cách nào?

Bà Tư Kỳ cho biết, vốn lưu động của cả nhà hiện chỉ còn hơn 150 tỷ đồng, khoảng 100 tỷ đồng còn lại đang bị khách hàng cấn trừ cho một số căn hộ do không có tiền trả. Với nhu cầu vay vốn của các tiểu thương, hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ tăng mạnh vào dịp cuối năm, bà Tư Kỳ đang rao bán các căn hộ để thu vốn, nhưng vẫn chưa có khách mua.

Bà Kỳ chia sẻ: “Lúc này tiền mặt là vua, ôm cả đống nhà, thu từ cho thuê lắt nhắt mỗi tháng một chút chả bõ bèn, tài sản không đẻ ra lãi nhanh như tiền mặt.”

Ngân hàng liên tục tăng lãi suất huy động và cho vay, thì những chủ chuyên cho vay tiền nóng như bà Tư Kỳ cũng nhanh chóng điều chỉnh lãi tăng theo. Hiện bà Tư Kỳ đã tăng lãi cho vay đảo nợ ngân hàng từ 2% lên 3%; vay kinh doanh thời vụ trong 1 tháng tính lãi cuối kỳ từ 3% lên 5%; và vay sản xuất, thương mại, dịch vụ từ 3-6 tháng lãi tăng từ 2% lên 3%/tháng. Những khách quen đã từng vay và trả uy tín luôn được tính lãi cuối kỳ ưu đãi so với mức chung, khách mới sẽ tính lãi ngay đầu kỳ.

Hiện bà Tư Kỳ cũng như một số người trong giới chỉ cho vay nhanh dưới 3 tháng, hạn hữu lắm mới cho các khách quen vay đến 6 tháng. Còn lại tất cả các trường hợp cần vốn kinh doanh vay 12-24 tháng thì không cho vay.

“Mấy năm trước, nhiều người vay tiền mua nhà, mua đất, xong họ bán ngay trong vài tháng là trả nợ liền. Từ đầu năm trở lại đây, nhà hay đất đều khó bán, nên nhiều người vay phải ôm nợ. Giờ chẳng ai cho vay mua bất động sản nữa, chỉ cho vay làm ăn thôi”, bà Tư Kỳ nói.

Khác với dịch vụ vay online, vay nóng không cần thế chấp, thậm chí không cần căn cước công dân, thì những người chuyên kinh doanh tiền như bà Tư Kỳ khi cho vay buộc khách hàng phải thế chấp. Hình thức đơn giản nhất là làm giấy ủy quyền tài sản tương ứng với khoản vay. Ví dụ, khi cần vay vài chục hay vài trăm triệu đồng, có thể ủy quyền xe hơi, xe tải; vay mức tiền tỷ thì phải ủy quyền căn hộ, nhà, đất.

Bà Tư Kỳ cũng chọn lựa khách rất kỹ theo cách truyền thống: Quen biết, có kinh nghiệm trong kinh doanh, có nhu cầu cần tiền làm ăn thực sự, có tài sản để ủy quyền… Người vay nhận tiền ngay lập tức sau khi ký giấy ủy quyền tài sản.

Một khách hàng thường xuyên vay tiền của bà Tư Kỳ cho rằng, vay bên ngoài nếu so sánh lãi suất với ngân hàng thì đúng là đắt hơn khá nhiều. Nhưng nếu đã có mục đích vay tiền để làm ăn rõ ràng, thì việc vay tiền sẽ được giải quyết nhanh và không phải “biết điều” với nhân viên hay mất thêm chi phí thủ tục nào. Trong bối cảnh gần như có rất ít ngân hàng cho vay ngắn hạn trong 1-3 tháng, mà người vay không có dự án, không thể chứng minh phương án kinh doanh một cách rõ ràng, thì các cá nhân cho vay tiền tự do là nơi bấu víu cho cá nhân, hộ kinh doanh cá thể.

Ngân hàng siết chặt, kinh doanh tiền mặt gặp thời

Vợ chồng bà Lê Thiện ở quận 10, TP. HCM khá nổi tiếng trong giới doanh nghiệp với cơ nghiệp là công ty sản xuất, chuỗi cửa hàng bán lẻ, các bất động sản cho thuê làm nhà hàng, trường học, quán cà phê… ở cả Việt Nam lẫn nước ngoài.

Từ đầu tháng 11/2022, khi lãi suất ngân hàng và tỷ giá tăng khá mạnh thì hoạt động cho vay của nhà bà Lê Thiện cũng tăng tốc. Hiện các ngân hàng tính lãi suất cho vay theo công thức lãi suất huy động cơ sở cộng thêm biên độ 3-4%. Do vậy, mức lãi suất cho vay thời gian tới sẽ khó ở dưới 12%/năm.

Bà Lê Thiện kể: “Đối tác xin vay quá nhiều nhưng phải kiểm tra trực tiếp kỹ lưỡng, chứ không thể cho vay theo niềm tin hay các mối quan hệ như trước nữa”. Chỉ trong tuần đầu tháng 11/2022, bà đã giải ngân cho người quen biết khoảng 50 tỷ đồng để nhập nguyên liệu kinh doanh, mở cửa hàng, mở nhà thuốc…

Không tiết lộ tổng mức vốn lưu động để cho vay từ nay đến tết dự kiến khoảng bao nhiêu, nhưng bà chủ này cho biết: “Sẵn sàng giúp đỡ người làm ăn kẹt vốn”.

Hiện mức lãi suất cho các doanh nghiệp vay của vợ chồng bà Lê Thiện được tính theo lãi suất cho vay cao nhất của ngân hàng, cộng thêm 0,5-1%/tháng tùy hạn mức và thời gian vay.

Ưu đãi duy nhất mà bà Lê Thiện có là chỉ dành cho những người bạn trong giới kinh doanh từng bị tổn thương quá nhiều trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19. Cụ thể, trong giai đoạn đó vợ chồng bà đã cho bạn bè vay gần 100 tỷ đồng với lãi suất bằng với lãi suất ngân hàng cuối năm 2021. Thậm chí, những người chỉ cần vốn ngắn hạn nhập nguyên liệu trong vòng dưới 7 ngày thì không tính lãi mà khách có thể tuỳ tâm theo lợi nhuận kiếm được.

Hiện nay, các chủ hộ kinh doanh chợ đầu mối, các khu chợ bán sỉ, các doanh nghiệp tư nhân có thói quen đi vay nóng làm ăn cuối năm từ các chủ cho vay. Theo quan điểm của họ, thời vụ theo mùa chỉ kéo dài 1-2 tháng, trả lãi kiểu vay nóng 5%/tháng là vẫn chấp nhận được.

Chủ sạp chuyên bán sỉ quần áo trẻ em ở chợ Tân Bình phân tích: “Mối từ chợ Đồng Xuân gọi có lô hàng 500 triệu, giá hời, muốn xoay vốn nhanh thì lập tức vay của các chủ kinh doanh tiền. Đặt mua - hàng về - bán giá rẻ thu hồi vốn nhanh trả nợ trong một vài tuần. Trong những lúc như vậy, không có ngân hàng nào đáp ứng nhanh xuống tiền kịp trong vài tiếng đồng hồ, và những người cho vay như nhà ông bà Lê Thiện vẫn là nơi trông cậy.
 

Theo Bích Thủy/Vietnamfinance