Tài sản ông Trịnh Văn Quyết 'bốc hơi' bao nhiêu sau phiên giao dịch đáng quên của nhóm FLC?

29/03/2022 06:48

Ông Trịnh Văn Quyết đang sở hữu lượng lớn cổ phần tại các doanh nghiệp "họ FLC", bao gồm trên 215 triệu cổ phiếu FLC, gần 24 triệu cổ phiếu ROS, hơn 7,6 triệu cổ phiếu GAB và xấp xỉ 3,1 triệu cổ phiếu ART.

Tài sản ông Trịnh Văn Quyết 'bốc hơi' bao nhiêu sau phiên giao dịch đáng quên của nhóm FLC?

Tài sản ông Trịnh Văn Quyết 'bốc hơi' bao nhiêu sau phiên giao dịch đáng quên của nhóm FLC?

Chỉ ít lâu sau khi mở cửa phiên giao dịch 28/3, hàng loạt cổ phiếu thuộc họ FLC của doanh nhân Trịnh Văn Quyết đã đua nhau "nằm sàn" với trạng thái "trắng bên mua", cùng khối lượng dư bán sàn của cả nhóm lên đến hơn hai trăm triệu đơn vị, tính đến cuối phiên.

Đồng thuận với sự ồ ạt bán tháo của cổ phiếu nhà FLC, thị trường chứng khoán phiên hôm nay cũng gặp áp lực bán ra không nhỏ, chủ yếu từ nhóm cổ phiếu bất động sản và đầu cơ trên cả 3 sàn chứng khoán. Chốt phiên, chỉ số VN-Index giảm hơn 15 điểm (1,02%) xuống 1.483,18 điểm. VN30-Index giảm hơn 14 điểm (0,95%) xuống 1.484,16 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index mất gần 1,5% còn UPCOM-Index giảm gần 1%.

Trước đó, tối 27/3 chứng kiến từ khóa "Trịnh Văn Quyết" trở thành tâm điểm phủ sóng trên mạng xã hội và cả Google. Theo nguồn tin của báo Tuổi trẻ, đến nay Cơ quan điều tra Bộ Công an chỉ mới ban hành quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Quyết và chưa có bất cứ quyết định tố tụng nào liên quan đến ông.

"Lùm xùm" này xảy ra ngay sau khi Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt gần 500 triệu đồng vào cuối tuần trước, do vi phạm quy định công bố thông tin về các giao dịch với bên liên quan, đồng thời chậm công bố thông tin về báo cáo tài chính hợp nhất và giải trình chênh lệch kết quả sản xuất kinh doanh các năm 2019, bán niên 2020. FLC cũng bị "thổi phạt" vì công bố thông tin sai lệch trong báo cáo tài chính kiểm toán 2022 và bán niên 2021 soát xét...

Đáng nói, hồi tháng 1/2022, ông Trịnh Văn Quyết còn bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử nặng vì có hành vi "bán chui" cổ phiếu, gây rúng động dư luận và làm chao đảo thị trường chứng khoán.

Cụ thể, ngày 10/1, sau giai đoạn tăng "phi mã" lên gấp rưỡi chỉ trong một tháng, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn FLC đã bất ngờ bán ra gần 75 triệu cổ phiếu FLC trong phiên 10/1 nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch.

Phiên giao dịch này cũng chứng kiến thanh khoản của cổ phiếu FLC tăng đột biến, bất thường với gần 135 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, cao hơn mức trung bình trước đó gần chục lần.

Ngay khi sự việc người đứng đầu Tập đoàn FLC "bán chui" cổ phiếu bị phát lộ, thị trường chứng khoán đã chao đảo, nhà đầu tư liên tục bán tháo cổ phiếu FLC và các cổ phiếu liên quan đến ông Quyết, thậm chí hàng chục mã cổ phiếu khác cũng bị vạ lây trước trạng thái mất niềm tin của nhà đầu tư.

Ngay sau đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có quyết định phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, nhằm ngăn ngừa, ngăn chặn các hành vi tiếp theo không đúng quy định này. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng có văn bản chỉ đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) hủy bỏ giao dịch bán gần 75 triệu cổ phiếu FLC ngày 10/1 của ông Trịnh Văn Quyết, vì thế nhiều nhà đầu tư đã được hoàn lại tiền đã mua.

Đến ngày 18/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định xử phạt hành chính ông Trịnh Văn Quyết 1,5 tỷ đồng, mức cao nhất theo quy định, đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng đối với doanh nhân này.

Trở lại với phiên giao dịch hôm nay, thị giá cổ phiếu của nhóm FLC giảm kịch biên độ với khối lượng dư bán sàn và dư bán chồng chất, chẳng hạn mã FLC của Tập đoàn FLC chốt phiên 28/3 ở mức 13.600 đồng/cổ phiếu, giảm sàn 6,85%, với khối lượng dư bán sàn gần 59 triệu đơn vị.

Tương tự, cổ phiếu ROS (Xây dựng FLC Faros) giảm 7% về 8.770 đồng/cổ phiếu; HAI (Nông dược H.A.I) cũng giảm sàn về 6.320 đồng/cổ phiếu; AMD (Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone) giảm sàn 6,9% về 6.650 đồng/cổ phiếu; KLF (Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS) giảm sàn 9,85% về 6.400 đồng/cổ phiếu; ART (Chứng khoán BOS) giảm sàn 9,65% về 10.300 đồng/cổ phiếu. Tổng lượng dư bán sàn của các cổ phiếu này lên đến hơn 143 triệu cổ phiếu.

Không chỉ là người chèo lái, ông Trịnh Văn Quyết cũng là một cổ đông rất lớn tại các doanh nghiệp này. Cụ thể, ước tính ông Quyết đang nắm giữ trên 215 triệu cổ phiếu FLC, gần 24 triệu cổ phiếu ROS, hơn 7,6 triệu cổ phiếu GAB và 3,1 triệu cổ phiếu ART.

Như vậy, khối tài sản công khai có thể ước định trên sàn chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết rơi vào khoảng 4.875 tỷ đồng trước phiên hôm nay và đã giảm hơn 230 tỷ đồng xuống còn 4.645 tỷ đồng chỉ sau 1 phiên.

Về tài sản phi niêm yết, hiện vị chủ tịch này còn đang sở hữu lượng lớn cổ phần tại các đơn vị nghìn tỷ khác thuộc hệ sinh thái FLC.

Ví dụ, ông Trịnh Văn Quyết cũng là chủ tịch của hãng hàng không Bamboo Airways, đơn vị có vốn điều lệ 16.000 tỷ đồng tính đến tháng 6/2021, trong đó, ông Quyết sở hữu 56,5% cổ phần, tương ứng 9.040 tỷ đồng theo mệnh giá. Cập nhật tháng 9/2021, Bamboo Airways đã tăng vốn lên 18.500 tỷ đồng.

Được biết, hãng hàng không này đang dự định đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM với giá không thấp hơn 60.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với vốn hóa 111.000 tỷ đồng. Tạm tính, phần vốn góp của ông Quyết sẽ có trị giá khoảng 60.000 tỷ đồng.

Tại Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes, doanh nghiệp có vốn điều lệ 4.160 tỷ đồng, ông Quyết cũng là cổ đông lớn nhất sở hữu 52,49% vốn, tương đương 218,3 triệu cổ phần với giá trị khoảng 2.180 tỷ đồng tính theo mệnh giá.

Trước đó ngày 27/11/2019, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) bắt đầu nhận lưu ký và cấp mã chứng khoán FHH cho 416 triệu cổ phiếu này của FLCHomes. Hiện FLCHomes có kế hoạch đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM với giá ban đầu 35.000 đồng/cổ phiếu, tức là phần vốn góp của ông Quyết có thể có giá trị tương đương khoảng 7.600 tỷ đồng.

Theo Vân Oanh/VietnamFinance