Startup mảng mỹ phẩm của Việt Nam gọi vốn thành công 2 triệu USD

19/04/2022 06:27

Aemi, nền tảng bán sỉ mỹ phẩm được thành lập bởi cựu nhân viên Grab và Bain & Company, vừa huy động thành công 2 triệu USD để hỗ trợ các tiêu thương giải quyết vấn đề về nguồn cung ứng và năng suất bán hàng.

Mới đây, nền tảng bán sỉ mỹ phẩm Aemi công bố đã huy động được 2 triệu USD từ các quỹ đầu tư Alpha JWC Ventures và January Capital, Venturra Discovery, FEBE Ventures và các nhà đầu tư thiên thần khác.

Nguồn vốn mới được huy động này được dùng để tuyển dụng nhân sự, đặc biệt là nhân sự kỹ thuật nhằm xây dựng phần mềm bán hàng cho tiểu thương của Aemi.

Startup Aemi được thành lập vào tháng 11/2021, nhà sáng lập là Vũ Kim Ngân và Nguyễn Quí Hiếu với mục tiêu trở thành sàn thương mại điện tử chuyên bán sỉ các mặt hàng mỹ phẩm tại Việt Nam.

Trước khi thành lập Aemi, CTO của Aemi Nguyễn Quí Hiếu đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thương mại điện tử. Anh từng là kỹ sư quản lý cấp cao tại Grab và One Mount Group.

Trong khi đó, CEO của Aemi, Vũ Kim Ngân lại có kinh nghiệm sáu năm làm cố vấn quản lý cho Bain & Company trong mảng bán lẻ. Trong quá trình làm việc, vị CEO này nhận thấy các thương hiệu vẫn tiếp cận khách hàng và phân phối sản phẩm theo cách truyền thống trong bối cảnh thương mại xã hội đang ngày càng phổ biến.

Hai nhà đồng sáng lập Aemi: Nguyễn Quí Hiếu (trái) và Vũ Kim Ngân (phải). Hai nhà đồng sáng lập Aemi: Nguyễn Quí Hiếu (trái) và Vũ Kim Ngân (phải).

Social Commerce (thương mại xã hội) là một loại hình quảng cáo và mua bán sản phẩm thông qua các trang mạng xã hội. Những năm gần đây, phương thức này đang ngày càng phát triển trong thị trường thương mại điện tử.

Hiểu đơn giản, đây là phương thức một người bán sản phẩm cho nhóm người theo dõi mình trên nền tảng truyền thông xã hội như Instagram hoặc Facebook. Những tiểu thương này thường không mở cửa hàng, người mua sẽ nhắn tin cho người bán để đặt hàng và thanh toán.

Cách bán hàng này không giúp tiêu thụ được lượng sản phẩm lớn. Tuy nhiên hình thức này đang phát triển ngày càng lớn ở thị trường Đông Nam Á. Báo cáo gần đây của Bain cho thấy, trong năm qua, thương mại điện tử chiếm 65% trong nền kinh tế bán lẻ trực tuyến trị giá 22 tỷ USD của Việt Nam.

Vũ Kim Ngân, người đồng sáng lập kiêm CEO Aemi cho biết: "Các thương hiệu hiện tập trung nhiều vào cửa hàng truyền thống để gia tăng mức độ nhận diện. Thế nhưng, kinh doanh hiện nay là cuộc chiến của mạng xã hội, mua hàng trực tuyến và dịch vụ tận nhà."

Kim Ngân chia sẻ bản thân là người thích mua hàng qua mạng nhưng đôi khi thắc mắc về tính xác thực và nguồn gốc sản phẩm. Vị CEO trẻ cho rằng, vì lượng hàng tiêu thụ không nhiều nên người bán không thể nhập hàng trực tiếp với số lượng lớn từ thương hiệu. Thay vào đó, họ lấy hàng từ công ty bán buôn và khó truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Start-up Việt huy động thành công 2,5 triệu USD nhờ ứng dụng giúp tiểu thương bán hàng online

Vậy nên, người bán hàng qua mạng vừa không có chuỗi cung ứng uy tín, vừa không có phần mềm hỗ trợ quảng cáo để xây dựng kênh bán hàng chuyên nghiệp. 

Và Aemi được thành lập để giải quyết vấn đề này. Đối tác nhập hàng của Aemi thường là người có tầm ảnh hưởng nhỏ trên mạng xã hội với khoảng 10.000 - 30.000 lượt theo dõi. Với hàng trăm đối tác sẽ giúp sức mua của Aemi tăng cao, qua đó có thể nhập hàng từ thương hiệu đảm bảo xuất xứ, với số lượng lớn và giá thành thấp hơn so với tiểu thương lẻ.

Aemi cũng hỗ trợ quảng cáo sản phẩm cho người bán bằng cách cung cấp thư viện hình ảnh sản phẩm chuyên nghiệp, mô tả và thông tin chi tiết về sản phẩm và thương hiệu. Bên cạnh đó, công ty cũng lên kế hoạch xây dựng phần mềm giúp tiểu thương quản lý doanh số bán hàng và hàng tồn kho trên nền tảng truyền thông xã hội.

Theo Kim Dung/Doanh nhân và Pháp luật