Quỹ đầu tư khổng lồ 1.000 tỷ USD cũng chật vật vì chiến tranh thương mại

25/08/2018 10:46

Quỹ tài sản quy mô 1.000 tỷ USD của Na Uy có lợi nhuận 20 tỷ USD trong quý 2 nhờ các cổ phiếu dầu khí và công nghệ, qua đó bù lại những khoản lỗ mà quỹ này phải chịu hồi đầu năm nay. Tuy nhiên mô hình đầu tư toàn cầu của quỹ này đang đối mặt với ngày càng nhiều thách thức do căng thẳng thương mại leo thang.

Được hỗ trợ bởi sự hồi phụ của thị trường chứng khoán Mỹ cũng như việc giá dầu mỏ và khí đột tăng lên, quỹ tài sản lớn nhất thế giới có tỷ suất sinh lợi 1,8% trong quý II, tương ứng với mức lợi nhuận 20 tỷ USD. Tính chung cho cả 6 tháng, suất sinh lợi của quỹ này đạt 0,24%.

Cụ thể trong tài sản của quỹ này, danh mục cổ phiếu tăng 2,7% giá trị, danh mục trái phiếu không đổi và các khoản đầu tư vào bất động sản có suất sinh lợi 1,9%.

Cơ cấu tài sản của quỹ này thời điểm cuối quý II bao gồm 66,8% cổ phiếu, 30,6% trái phiếu và 2,6% bất động sản. Suất sinh lợi của toàn quỹ thấp hơn so với chỉ số tham chiếu 0,2%.

Trong thông báo của mình, quỹ này cho biết: “Quý 2 vừa qua, suất sinh lợi của quỹ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nguy cơ chiến tranh thương mại và dự báo tăng trưởng chậm lại tại Châu Âu, Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi. Bất ổn chính trị ở Italy đã tác động xấu tới các thị trường tài chính tại Châu Âu”.

quy dau tu khong lo 1000 ty usd cung chat vat vi chien tranh thuong mai
Tỷ suất sinh lợi của quỹ đầu tư Norges Bank Investment qua các năm, nửa đầu năm 2018 đạt 0,24%. Nguồn: Bloomberg.

Bằng việc đầu tư tiền dầu mỏ của Na Uy vào các tài sản ở nước ngoài, quỹ này được lập ra nhằm mục đích hái "quả ngọt" của quá trình toàn cầu hóa và sự tăng trưởng mà quá trình này tạo ra. Tuy nhiên chiến lược đầu tư này gần đây đang bị đe dọa bởi chính sách thuế quan mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt lên các đối tác thương mại lớn của Mỹ trên khắp thế giới.

Quỹ này sở hữu khoảng 1,4% giá trị cổ phiếu toàn cầu cũng phải mô phỏng sát sao các chỉ số chứng khoán chính, và do vậy khó có thể tránh được những bất ổn toàn cầu.

Ông Trond Grande, Phó Tổng Giám đốc quỹ này nhận xét: “Nguy cơ gia tăng các rào cản thương mại là mối lo ngại hàng đầu của nhiều nhà đầu tư, trong đó tất nhiên có quỹ đầu tư toàn cầu dài hạn như chúng tôi”.

Quỹ này thua lỗ 5,7% khi đầu tư vào danh mục cổ phiếu ở thị trường mới nổi và 4% khi đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc. Động lực tăng trưởng mạnh mẽ nhất của quỹ là các cổ phiếu dầu mỏ và khí đốt, tuy nhiên quỹ đang có kế hoạch thoái vốn khỏi nhóm ngành này. Cổ phiếu tài chính biến động tiêu cực nhất, đặc biệt là ngân hàng Banco Santander.

quy dau tu khong lo 1000 ty usd cung chat vat vi chien tranh thuong mai

Các thị trường cổ phiếu nhìn chung lấy lại đà tăng trưởng trong quý II sau khi lao dốc trong quý I giữa bối cảnh bất ổn lên cao. Quỹ này lại tập trung đầu tư vào thị trường Châu Âu và do vậy để lỡ khoản lợi nhuận béo bở tại thị trường chứng khoán Mỹ do doanh nghiệp ở đây được cắt giảm thuế.

Tuy vậy, quỹ này vẫn là một cổ đông lớn của các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ. Cụ thể, những cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của quỹ này thời điểm cuối quý 2 là Apple, Amazon và Microsoft. Danh mục trái phiếu của quỹ bao gồm nhiều nhất là trái phiếu chính phủ Mỹ, theo sau là trái phiếu chính phủ Nhật Bản và Đức.

Quỹ này cũng đang trong giai đoạn nâng tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu lên 70%, phần tài sản còn lại sẽ được đầu tư vào trái phiếu. Quỹ này cũng được phép đầu tư tối đa 7% tài sản của mình vào bất động sản.

Do tình hình lãi suất thấp trong mấy năm qua, chính phủ Na Uy đã hạ tỷ lệ lợi nhuận kỳ vọng từ 4% xuống còn 3%. Việc giá dầu thô giảm sâu đã buộc chính phủ phải lần đầu tiên rút một phần tiền ra khỏi quỹ vào năm 2016. Tuy nhiên tình hình hiện nay đã thay đổi, giá dầu hồi phục giúp làm tăng nguồn thu từ xăng dầu và do vậy tháng 6 vừa qua, chính phủ đã bơm thêm tiền vào quỹ lần đầu tiên trong gần 3 năm.

Kiên Dương

Theo Kinh tế & Tiêu dùng