'Phốt' cho vay ngang hàng, công bố lãi 18,25% nhưng thu 84%/tháng

12/04/2022 06:38

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định Quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Fintech), trong đó sẽ cấp phép thử nghiệm cho một số lĩnh vực như chấm điểm tín dụng, cho vay ngang hàng...

Quảng cáo gian dối, sai sự thật

Theo Ngân hàng Nhà nước, số lượng các công ty có hoạt động hoặc tham gia cung ứng dịch vụ, giải pháp Fintech tại VN đã tăng nhanh chóng từ khoảng 40 công ty vào cuối năm 2016 lên đến khoảng 200 công ty ở thời điểm hiện tại với nhiều mảng, lĩnh vực hoạt động khác nhau như thanh toán, cho vay ngang hàng, chấm điểm tín dụng, quản lý tài chính cá nhân... Trong số đó, lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P Lending) có khoảng 100 công ty với nhiều đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài.

Các tổ chức, cá nhân cho vay nặng lãi lợi dụng hình thức này để cho vay LS cao ngất ngưởng thông qua các loại phí cũng như cách tính rối rắm, khó hiểu khiến người vay chỉ vài triệu đồng ban đầu mà trả hoài không hết nợ.

Ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn tài chính Trường đại học Kinh tế TP.HCM

Thời gian qua, đã có một số công ty lợi dụng sự thiếu kiến thức, hiểu biết của người dân để lừa bịp, gian dối, quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất (LS) cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền vốn của người dân bỏ tiền đầu tư mô hình cho vay này hoặc lừa dối người vay về LS “thấp”, điều kiện vay ưu đãi trong khi tính và áp dụng mức LS thực tế cao “cắt cổ”, tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân...

'Phốt' cho vay ngang hàng, công bố lãi 18,25% nhưng thu 84%/tháng - ảnh 1

Hoạt động cho vay ngang hàng sẽ được cấp phép thử nghiệm để quản lý. Ảnh - KHẢ HÒA

Thực tế mà Báo Thanh Niên đã nhiều lần phản ánh cũng cho thấy hàng loạt người dân đã gặp nhiều rủi ro với dịch vụ cho vay ngang hàng thời gian qua. Các dịch vụ cho vay này sử dụng chiêu trò công bố lãi cho vay thấp nhưng cộng thêm rất nhiều loại phí khiến khách hàng phải trả lãi nhiều hơn gốc. Nếu người vay chưa kịp trả tiền thì sẽ bị các dịch vụ đòi nợ mang tính khủng bố, đe dọa. Chẳng hạn, trang Moneyveo công bố LS cho vay là 18,25%/năm.

Nhưng khi thử chọn số tiền vay 5 triệu đồng trong thời gian 10 ngày thì khách hàng phải trả phí tư vấn và LS là 1,4 triệu đồng, tương đương 28%. Như vậy, nếu vay lâu hơn thì cả phí lẫn lãi sẽ phải lên đến 84%/tháng. Hay trang robocash.vn công bố LS chỉ 18,3%/năm nhưng đưa ra ví dụ nếu vay 6 triệu đồng trong 180 ngày (6 tháng) thì tổng số tiền khách phải trả là 8,5 triệu đồng. Trong đó LS là 540.000 đồng, phí tư vấn 600.000 đồng và phí dịch vụ là 1,36 triệu đồng. Như vậy cả phí và lãi tương đương cũng gần 84%/năm...

Chính vì quá nhiều rủi ro cho khách hàng nên Dự thảo Nghị định mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra đã dành riêng một mục (gồm 5 điều) đưa ra các quy định cho hoạt động này như điều kiện để được cấp phép thử nghiệm, các dịch vụ không được phép thực hiện hay cần có phương án và triển khai các biện pháp phòng ngừa, xử lý rủi ro.

Đặc biệt, dự thảo nêu rõ các doanh nghiệp cho vay ngang hàng phải công bố về thông tin của công ty, các dịch vụ được triển khai; mức phí, LS, điều kiện trả gốc, lãi; quyền và trách nhiệm của khách hàng trong quá trình thử nghiệm (trong đó, khách hàng là người cho vay phải cam kết sử dụng nguồn tiền tự có hợp pháp để cho vay, tự chịu trách nhiệm đối với các tổn thất nếu không thu hồi được gốc, lãi, có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật; khách hàng là người đi vay phải cam kết cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về nhân thân, mục đích sử dụng vốn vay, cam kết sử dụng vốn vay hợp pháp, không đi vay để cho vay); quy định về việc bảo đảm an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu khách hàng…

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, nhận định thời gian qua, những biến tướng của hình thức cho vay như công ty P2P lừa đảo, áp dụng LS và phí cao ngất ngưởng bất chấp khả năng trả nợ của bên vay; hoặc bên vay trốn tránh trả nợ dẫn đến bên cho vay hoặc công ty P2P dùng mọi biện pháp kể cả thuê xã hội đen đòi nợ; nhà đầu tư không hiểu rõ mô hình hoạt động và khi mất vốn kéo đến cơ quan quản lý để đòi tiền... kéo theo nhiều hệ lụy kinh tế và xã hội khó lường.

Vì vậy, việc cấp phép thử nghiệm cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng sẽ hạn chế được tình trạng lợi dụng mô hình này để cho vay LS cao, lừa đảo quá nhiều trong thời gian qua. Trong quá trình cấp phép thử nghiệm, cần xem xét bổ sung thêm một số quy định như vốn điều lệ, giới hạn vốn huy động, yêu cầu các công ty P2P lập quỹ dự phòng rủi ro.

Đồng thời nghiên cứu quy định, biện pháp quản lý rủi ro hệ thống, rủi ro lan truyền trên thị trường tài chính - tiền tệ (giữa thị trường cho vay ngang hàng với thị trường ngân hàng và chứng khoán nhằm ngăn chặn những rủi ro hệ thống, lan truyền có thể xảy ra…) để hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động này… TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng cần nâng cao trách nhiệm và hiệu quả của việc phối hợp của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, hiệp hội, giới truyền thông và tổ chức dân sự khác mới có thể đảm bảo quản lý thông suốt, hiệu quả những sản phẩm, dịch vụ tài chính mới nói chung và cho vay ngang hàng nói riêng.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn tài chính Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng các tổ chức, cá nhân cho vay nặng lãi lợi dụng hình thức này để cho vay LS cao ngất ngưởng thông qua các loại phí cũng như cách tính rối rắm, khó hiểu khiến người vay chỉ vài triệu đồng ban đầu mà trả hoài không hết nợ. Thực trạng việc thu hồi nợ của các P2P núp bóng cho vay nặng lãi thời gian qua có sự xuất hiện của những công ty có vốn từ Trung Quốc, Đông Âu thông qua app gây mất trật tự an ninh, phương thức đòi nợ vô cùng phức tạp. Ông kỳ vọng khi đã triển khai cơ chế thử nghiệm cho vay P2P thì các doanh nghiệp không được cấp phép sẽ bị “siết” lại và đẩy lùi được nhiều dịch vụ núp bóng trên thị trường. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm một số quy định chặt chẽ cho hoạt động này như vốn pháp định, LS cho vay, đặc biệt phần thu hồi nợ phải theo quy định của nhà nước.

Còn theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, hoạt động cho vay ngang hàng đã xuất hiện tại VN từ nhiều năm nay và trở thành xu thế, nhu cầu tất yếu của cuộc sống. Do đó, cần sớm ban hành quy định thử nghiệm, quản lý. Các doanh nghiệp tham gia xin giấy phép thực hiện cơ chế thử nghiệm nhằm quản lý, chứ không có nghĩa các đơn vị không được cấp phép sẽ không được hoạt động. Nếu cấm thì phải sửa luật Đầu tư quy định rõ ngành nghề này bị cấm đầu tư, kinh doanh và phải đưa ra cảnh báo nhà đầu tư, người vay khi tham gia mô hình này. Đặc biệt, LS cần được công khai rõ ràng, minh bạch, tránh gây nhầm lẫn. Hiện nay, các công ty tài chính cho vay tiêu dùng đưa ra lãi suất từ 50 - 70%/năm. Trong khi đó, theo luật Dân sự thì LS cho vay trên 20% là một trong những yếu tố xác định cho vay nặng lãi. Chính vì vậy, khi thử nghiệm P2P trong hoạt động thì LS cho vay cũng cần cao hơn mức quy định trong luật mới có thể thực hiện được...

Ngân hàng Nhà nước cho biết ngay cả khi áp dụng các chính sách, biện pháp trên, việc kiểm soát, triệt tiêu hoàn toàn các rủi ro xảy ra trong quá trình thử nghiệm là điều không thể. Do đó, trong quá trình tham gia thử nghiệm, các tổ chức thử nghiệm sẽ phải được theo dõi, giám sát, đánh giá một cách chặt chẽ bởi cơ quan quản lý nhà nước, qua đó kiểm soát được rủi ro phát sinh (nếu có), bảo vệ lợi ích của khách hàng tốt hơn, đồng thời tránh được tác động tiêu cực so với việc triển khai trên quy mô rộng, thời gian dài.

Theo Thanh niên