Ông chủ Tập đoàn Hưng Thịnh: Từ bàn tay trắng trở thành “chủ soái”

27/12/2017 10:12

Những ngày cuối cùng của năm 2017, tin vui cho toàn thể CBCNV khi ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hung Thinh Corp, vinh dự được xướng tên trong top 10 doanh nhân trẻ xuất sắc nhận Giải thưởng Sao Đỏ 2017. 

Đây là giải thưởng dành cho những doanh nhân có quá trình lập thân, lập nghiệp, đạt thành tích ấn tượng, năng động, sáng tạo, nhiệt huyết, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Từ bàn tay trắng trở thành “chủ soái”
Đi lên từ khó khăn, nhưng bằng khát vọng mãnh liệt làm giàu cho bản thân và xã hội, đã thôi thúc doanh nhân Nguyễn Đình Trung phấn đấu không ngừng cho sự nghiệp. Ít ai biết rằng người định hướng, chèo lái một tập đoàn bất động sản sở hữu 18 công ty thành viên, hơn 2.000 nhân viên, mỗi năm cung cấp cho thị trường 5.000-7.000 sản phẩm nhà ở lại là một doanh nhân sinh năm 1971.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình công chức nghèo của vùng đất võ Bình Định, năm 1990, ông Trung vào Sài Gòn theo học chuyên ngành kế toán. Từ hai bàn tay trắng và trải qua nhiều công việc mưu sinh ở Sài Gòn, nhưng khiếu kinh doanh bộc lộ từ sớm, năm 2002, ông Nguyễn Đình Trung thành lập Công ty Hưng Thịnh, hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn – môi giới – cho thuê bất động sản.
Suốt hơn 15 năm trong sự nghiệp, ông đã viết lên từng câu chuyện thành công vang dội của Hưng Thịnh, đưa một công ty xuất phát điểm đơn thuần từ môi giới trở thành một trong ít những tập đoàn bất động sản uy tín hàng đầu Việt Nam, nắm giữ vai trò dẫn dắt thị trường.
Sau cơn sốt điên cuồng 2007, thị trường bất động sản trải qua thời gian dài hơn 6 năm “đóng băng”. Chính trong lúc thị trường diễn biến bất lợi nhất, khi nhiều người nhìn thấy “cửa tử”, thì ngược lại vị “thuyền trưởng” Hưng Thịnh lại nhìn thấy “cửa sinh”, nhìn thấy được cơ hội trong khó khăn và tia sáng phía cuối đường hầm. Ông đã thực hiện rất nhiều cái “bắt tay” qua các thương vụ M&A với các doanh nghiệp địa ốc, thậm chí cả những “ông lớn” bị ngấm đòn khủng hoảng để “hồi sinh” dự án bằng cách bơm vốn, cấu trúc lại sản phẩm và giá thành phù hợp với nhu cầu thực của thị trường.
Biết nắm bắt cơ hội
Muốn đầu tư – kinh doanh bất động sản thành công, theo ông Nguyễn Đình Trung phải am hiểu thị trường, tỉnh táo nắm bắt cơ hội và xu thế phát triển. Ngay từ những ngày đầu dấn thân, ông xác định sản phẩm nhà ở chủ lực mà Hưng Thịnh theo đuổi là phân khúc nhà ở “vừa túi tiền”. Bởi theo ông, trong số hơn 10 triệu dân của TPHCM thì hàng triệu người thuộc tầng lớp trí thức, cán bộ công chức, người lao động chưa đủ khả năng hiện thực hóa giấc mơ an cư.
Trong bối cảnh thị trường bội thực nguồn cung nhà ở hạng sang và cao cấp, ông Trung xem đây là cơ hội tốt cho Hưng Thịnh hiện thực hóa chiến lược kinh doanh, đồng thời san sẻ gánh nặng cũng như trách nhiệm xã hội của mình. Trước hết, những dự án của Hưng Thịnh phát triển luôn có vị trí đẹp, giá thành hợp lý và nhiều tiện ích để phục vụ cư dân… Tiếp đó, việc Hưng Thịnh tiến hành hợp tác, mua lại dự án không chỉ góp phần giải quyết nợ xấu, giải quyết khó khăn tài chính cho đối tác, mà còn giải quyết công ăn việc làm cho xã hội và thúc đẩy các lĩnh vực khác.
Quan điểm của doanh nhân Nguyễn Đình Trung là rất sợ thị trường xảy ra “bong bóng” như những năm 2007. Bởi cơn sốt đi qua đem lại lợi nhuận chóng vánh cho nhà đầu tư, nhưng hệ lụy nó để lại rất nặng nề, có khi mất cả hàng chục năm để trở lại trạng thái cân bằng. “Trong kinh doanh, tôi không vội vàng kiếm lợi bằng mọi giá. Sở dĩ Hưng Thịnh lớn mạnh và thành công như hôm nay là vì chúng tôi biết đồng hành và chia sẻ lợi ích cùng khách hàng. Trước khi bắt tay làm dự án, tôi cân nhắc và được tham vấn kỹ càng các yếu tố từ vị trí, pháp lý, giá thành, tình hình thị trường, cơ hội – thách thức, thuận lợi – bất lợi, khả năng đầu ra của sản phẩm…” – ông Trung chia sẻ.

Tấm lòng vì cộng đồng

Nhắc đến Nguyễn Đình Trung, nhiều người gắn “mác” cho ông là “đại gia”, “ông trùm” bất động sản. Nhưng nếu có dịp trò chuyện với ông sẽ thấy ở ông bóng dáng của một con người dung dị, sống nặng tình cảm và cháy bỏng khát vọng với nghiệp điền địa. Cách đây khoảng 6 năm, khi đọc đâu đó trên mạng xã hội về câu chuyện một em sinh viên nghèo hiếu thảo, có khát vọng đổi đời nhưng xấu số bị tử nạn khi tham gia giao thông. Trong chuyến công tác của mình, doanh nhân trẻ Nguyễn Đình Trung đã âm thầm ghé thăm động viên và chia sẻ mất mát cùng gia đình nạn nhân. Dù biết Hưng Thịnh mỗi năm chi ra hàng chục tỷ đồng cho hoạt động thiện nguyện, nhưng đọc xong mẩu tin này, tôi thật sự xúc động trước tấm lòng thương người rất đỗi chân thành, giản dị của ông.
“Tôi thường suy nghĩ rất đơn giản, đó là mình làm cho doanh nghiệp tốt lên chắc chắn sẽ có lợi nhuận tốt, khi đó đừng bao giờ mình lấy hết mà hãy chia những lợi nhuận đó cho nhân viên, đóng góp ngân sách nhà nước và sau đó có tiền lo cho quê hương để mình thấy ấm lòng phần nào. Quan điểm của tôi là làm cho xung quanh mình tốt lên thì xã hội ai cũng tốt. Cá nhân chúng ta làm tốt bổn phận của mình, làm cho doanh nghiệp ngày một đi lên và xây dựng quê hương mình phát triển là đã làm tròn vai trò của một người doanh nhân” – ông Trung nói.
Có lẽ chính bởi suy nghĩ như vậy mà suốt 15 năm qua, ông đã xây dựng Hưng Thịnh mang đậm nét văn hóa của sự sẻ chia. Bình quân mỗi năm, Hưng Thịnh dành hàng chục tỷ đồng cho các hoạt động thiện nguyện. Chỉ tính riêng năm 2017, tập đoàn đã dành gần 20 tỷ đồng để ủng hộ cho các hoạt động vì cộng đồng như xây cầu, xây trường học hay ủng hộ bà con ở những vùng chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ…
Ông Trung thổ lộ, thành công hôm nay khiến ông càng phải cố gắng nhiều hơn nữa vì sự phát triển của tập đoàn, vì những thế hệ lãnh đạo đã gắn bó từ thuở hàn vi và vì sứ mệnh chăm lo cho hàng ngàn nhân viên đang gắn bó cống hiến. Hơn ai hết, bản thân từng sống những ngày khốn khó, thiếu thốn nên ông cảm nhận sâu sắc cảm giác những người xung quanh mình khao khát muốn tìm một chốn an cư lạc nghiệp. Là lãnh đạo, nhà quản trị doanh nghiệp, theo ông phải biết chắp cánh ước mơ cho nhân viên, biết trăn trở và chia sẻ khó khăn cùng họ. Do vậy chính sách của Hưng Thịnh là hàng năm đều trích một phần lợi nhuận và tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ nhân viên mua nhà.
Không tự nhận là nhà phát triển bất động sản tốt nhất, song doanh nhân Nguyễn Đình Trung cho biết luôn cố gắng chăm chút cho các sản phẩm của mình nhằm đem lại sự hài lòng và chất lượng cuộc sống cao nhất cho khách hàng. Bởi trách nhiệm xã hội của doanh nhân không đơn thuần là chi tiền ra làm từ thiện thật nhiều, mà còn thể hiện ở chỗ chúng ta có phát kiến hay tạo ra giá trị gì cho xã hội trong lĩnh vực mình hoạt động.
Trò chuyện với doanh nhân Nguyễn Đình Trung:

Cảm xúc của ông khi nhận Giải thưởng Sao Đỏ năm 2017?

Giải thưởng này không chỉ của riêng tôi mà còn dành cho tập thể hơn 2.000 người của Tập đoàn Hưng Thịnh với những nỗ lực trong suốt 15 năm qua. Chúng tôi đã cùng nhau trải qua nhiều khó khăn, thách thức để tạo dựng vị trí vững chắc trên thị trường. Đó là điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất.

Ông nghĩ sao về trách nhiệm cộng đồng của mỗi doanh nhân?

Tôi cho rằng, việc chung tay chăm lo đời sống người dân và thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp phát triển bền vững, qua đó góp phần xây dựng xã hội nhân văn và tốt đẹp hơn. Bởi vậy, Hưng Thịnh thường xuyên chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn; những địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt; tài trợ cho các chương trình, hoạt động xã hội ý nghĩa.

Đối với công việc, ông gặt hái nhiều thành công, còn đối với gia đình thì sao?

Là một doanh nhân, để cân bằng giữa công việc và gia đình là điều không đơn giản, nhưng tôi đã cố gắng chu toàn. Gia đình luôn là hậu phương vững chắc, giúp tôi tập trung và thành công trong kinh doanh.

Thu Trang (t/h)