Nữ tướng của Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga ứng cử vào HĐQT Hapro

25/06/2018 10:43

ĐHĐCĐ lần đầu của Hapro sẽ thông qua bầu HĐQT, BKS nhiệm kỳ mới, trong đó bà Nguyễn Thị Nga, hiện là Phó Chủ tịch SeABank, Chủ tịch Tập đoàn BRG, Chủ tịch Intimex Việt Nam ứng cử vào HĐQT.
Sáng ngày 24/6, Công ty mẹ Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2018 thông qua kế hoạch kinh doanh sau cổ phần hóa và bầu HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2018-2023.

Danh sách ứng của vào HĐQT Hapro có 5 ứng viên, trong đó có bà Nguyễn Thị Nga, hiện là Phó Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Chủ tịch Tập đoàn BRG, Chủ tịch CTCP Intimex Việt Nam.

Bên cạnh đó là các ứng viên đến từ các công ty liên quan mật thiết đến bà Nga như: ông Trần Tuấn Anh (thành viên HĐQT Intimex Việt Nam), bà Trần Thị Tuyết Nhung (Chủ tịch Vinamotor), bà Nguyễn Thị Thu Hằng (Phó TGĐ BRG), duy nhất ông Vũ Thanh Sơn là "người cũ" của Hapro với vai trò hiện tại là Tổng giám đốc.

Tương tự, BKS gồm có 3 ứng viên bà Nguyễn Hồng Hải (hiện là Chủ tịch Chứng khoán Asean), bà Vũ Thị Quỳnh Trang (Trưởng Ban kiểm soát nội bộ Motor N.A Việt Nam), ông Nguyễn Trọng Hiện (Kế toán trưởng Intimex Việt Nam).

Theo công bố tại đại hội, ngoài ông Sơn còn nắm 3.000 cổ phần Hapro thì cá nhân bà Nga và các ứng viên khác đều không nắm cổ phần nào tại Hapro.

Trước đó, HĐQT của Hapro trình lên kế hoạch của công ty sau cổ phần hóa. Về cơ cấu cổ đông, nhà đầu tư chiến lược Vinamco nắm 65% vốn, người lao động giữ 0,45% vốn và cổ đông khác (chào bán qua IPO) nắm 34,55%. Căn cứ theo mức giá khởi điểm của phiên đấu giá, số tiền thấp nhất mà Vinamco bỏ ra để trở thành cổ đông chiến lược của Hapro vào khoảng 1.830 tỷ đồng.

Không phải cái tên quá xa lạ, Vinamco là công ty thành viên thuộc Tập đoàn BRG, tập đoàn đầu tư đa ngành sở hữu nhiều công ty con trong 4 mảng hoạt động chính là BRG Golf, BRG Khách sạn - Dịch vụ nghỉ dưỡng, BRG Homes và BRG Thương mại - dịch vụ. Tập đoàn này do bà Nguyễn Thị Nga giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị, bà Nga cũng được biết đến với một số vị trí khác như Chủ tịch của Seabank và Intimex Việt Nam.

Tuy là doanh nghiệp lâu năm, song hoạt động kinh doanh của tổng công ty này phản ánh rõ đặc thù của doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại và xuất nhập khẩu với mức biên lợi nhuận khá khiêm tốn. Trong những năm gần đây doanh thu của Hapro thường duy trì ở mức 3.000 - 3.400 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận hiếm năm nào vượt quá 40 tỷ đồng.

Theo đại diện tổng công ty, bản chất hoạt động dưới vai trò trung gian phân phối, xuất khẩu hàng hóa nên biên lợi nhuận gộp với từng mảng hoạt động của công ty thường khá thấp, dẫn đến đặc điểm doanh thu cao, song lợi nhuận hàng năm chỉ ở mức vài chục tỷ đồng.

Dù lợi nhuận không thực sự nổi bật, Hapro còn được biết đến là đơn vị đang quản lý, sử dụng và đầu tư danh mục đất đai lớn, vào nhiều dự án bất động sản có vị trí đắc địa tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác.

Theo ban công bố thông tin của Hapro, trước cổ phần hóa tổng công ty quản lý và sử dụng 183 cơ sở nhà, đất. Sau cổ phần hóa, cơ sở đất giao cho Công ty mẹ Hapro tiếp tục quản lý sử dụng là 114 địa điểm, gồm 96 địa điểm tại Hà Nội và 18 địa điểm tại các tỉnh, thành phố khác.

Một số dự án lớn tại các vị trí "đất vàng" như dự án trung tâm thương mại, văn phòng số 5 Lê Duẩn; khu đất 38+40 Lê Thái Tổ, Hà Nội với diện tích 572 m2 đang chờ quyết định nhận chuyển nhượng của Thành phố; khu đất 362 Phố Huế với diện tích 618 m2 hay tổ hợp thương mại văn phòng 15 tầng với diện tích đất hơn 2.900 m2 tại số 11B Cát Linh.

Các địa điểm còn lại, phần lớn có quy mô dưới 100m2, chủ yếu là hệ thống của HaproMart - HaproFood, cửa hàng chuyên doanh thời trang, chuyên doanh hàng lưu niệm và Dịch vụ ăn uống.

Theo Thu Hà/ANTT