Nhức nhối luận án tiến sĩ: Trách nhiệm thuộc về ai?

10/05/2022 07:25

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT thông tin với báo chí về những luận án tiến sĩ được giới chuyên môn đánh giá kém chất lượng, không xứng tầm gần đây, nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT 'đổ trách nhiệm cho người hướng dẫn và hội đồng'.

 

dad2-8-5-2022-1read-only-1651975496312747477171-1652111951106153283592-1652142158.jpg
Vấn đề về đào tạo tiến sĩ trên Báo Tuổi Trẻ được bạn đọc quan tâm, góp ý

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ ngày 9-5, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) - cho biết: 

Trách nhiệm của Bộ GD-ĐT là hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, tăng sự minh bạch, gia tăng vai trò giám sát của các bên liên quan trong quá trình đào tạo tiến sĩ trên tinh thần tự chủ đại học và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo, đặc biệt là đội ngũ giảng viên, nhà khoa học theo Luật giáo dục đại học và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học.

Với các quy định chặt chẽ trong đào tạo tiến sĩ, nếu thực hiện nghiêm túc sẽ đảm bảo đánh giá thực chất bằng các kênh: hội đồng chuyên môn, người hướng dẫn, người phản biện luận án, kênh giám sát của cơ quan quản lý nhà nước và sự giám sát, phản biện của cộng đồng khoa học.

* Như vậy theo bà, để xảy ra tình trạng đề tài tiến sĩ không xứng tầm, chất lượng luận án không đảm bảo chất lượng là trách nhiệm của người hướng dẫn, người phản biện và hội đồng đánh giá đúng theo quy định ba bước?

- Trong các trường hợp cụ thể như báo chí nêu những ngày qua, trước hết đó là trách nhiệm của cơ sở đào tạo, người hướng dẫn, của đơn vị chuyên môn và các nhà khoa học tham gia vào các bước đánh giá luận án. Trong đó trách nhiệm lớn nhất đối với một luận án cụ thể là người hướng dẫn.

Bộ GD-ĐT có trách nhiệm ban hành quy chế và giám sát thực hiện quy chế. Trong các trường hợp cụ thể, khi phải kiểm tra, thẩm định một luận án cụ thể, Bộ GD-ĐT cũng sẽ mời các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực phù hợp tham gia thẩm định chứ bộ không trực tiếp đánh giá sâu về chuyên môn các luận án ở tất cả các lĩnh vực được. 

Uy tín của các nhà khoa học, chuyên gia gắn liền với trách nhiệm của họ khi tham gia đánh giá, phản biện hay thẩm định.

* Những phản ánh về chất lượng luận án tiến sĩ trong nhiều ngày qua cho thấy đó không phải trường hợp hy hữu mà có thể nảy sinh ở nhiều lĩnh vực, nhiều cơ sở đào tạo. Vậy theo bà, điều cần rút ra trong việc này là gì để chấn chỉnh tình trạng này?

- Đào tạo tiến sĩ là bậc học cao nhất trong hệ thống cũng là đào tạo nhân lực có trình độ cao. Vì vậy các cơ sở đào tạo phải tập trung cho chất lượng, không chạy theo số lượng. 

Trên thực tế, việc đánh giá luận án không chỉ ở tên đề tài mà còn ở nội dung và giá trị khoa học và giá trị thực tiễn của luận án được cộng đồng khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu đó chấp nhận. 

Vì thế, các hội đồng xét duyệt, người hướng dẫn cần cân nhắc, không duyệt những đề tài có phạm vi quá hẹp, không đủ tầm luận án tiến sĩ, đặc biệt là những đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, quản lý.

Bên cạnh đó, cần phải nâng cao tính tự chủ và trách nhiệm giải trình trong chuyên môn học thuật, tăng cường sự minh bạch thông tin về quy trình đào tạo để tiếp nhận, tổng hợp các phản biện xã hội, phản biện của các bên liên quan về chất lượng đào tạo tiến sĩ. 

Trong bối cảnh hiện nay, các cơ sở đào tạo có thể khai thác triệt để lợi thế của công nghệ thông tin vào việc rà soát, phát hiện việc sao chép luận văn, luận án, thực hiện tốt hơn liêm chính khoa học.

Kênh giám sát, phản biện của cộng đồng khoa học trong đánh giá luận án tiến sĩ rất quan trọng. Nó giúp cho việc nể nang, dễ dãi, vi phạm đạo đức khoa học được hạn chế, phát hiện kịp thời và giải quyết. 

Việc này góp phần bảo đảm giá trị khoa học thực sự của các luận án tiến sĩ, gia tăng tri thức khoa học của lĩnh vực nghiên cứu hoặc đề xuất ý tưởng, giải pháp mới giải quyết các vấn đề đang đặt ra ở mọi lĩnh vực.

Thẩm định ngẫu nhiên để giám sát

* Trên thực tế, Bộ GD-ĐT đã thực hiện việc thẩm định các luận án có ý kiến nghi ngờ về chất lượng chưa?

- Theo quy chế, Bộ GD-ĐT sẽ thẩm định ngẫu nhiên để giám sát việc thực hiện. Việc này đã được làm rồi. Tuy nhiên, với những luận án cụ thể có ý kiến phản ánh về vấn đề chất lượng hay dấu hiệu không minh bạch, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành thẩm định.

Trường hợp này, bây giờ mới có phản ánh chính thức với Bộ GD-ĐT nên trong thời gian tới bộ sẽ tiến hành thẩm định.

- PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng (trưởng khoa công nghệ hóa học và thực phẩm Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM):

Phải có quy trình bảo vệ luận án nghiêm ngặt

Một yêu cầu bắt buộc là đề tài luận án tiến sĩ phải có tính mới, nét mới, phát hiện ra những vấn đề mới đóng góp cho khoa học. Những tính mới, nét mới, phát hiện ra những vấn đề mới này cần được công bố quốc tế trên các tạp chí uy tín WoS/Scopus để chia sẻ với cộng đồng khoa học thế giới, vì sự phát triển khoa học không chỉ dành riêng cho ai mà cho toàn nhân loại.

Theo tôi, chuẩn đào tạo tiến sĩ mà Bộ GD-ĐT hiện nay hạ thấp so với 2017, đáng ra phải tăng mới tiệm cận đào tạo tiến sĩ ở quốc tế. Cần phải rà soát lại toàn bộ từng chuyên ngành, xem chuyên ngành đó có thể công bố công trình nghiên cứu trên tạp chí WoS/Scopus nào.

Trường hợp đặc thù thì có danh mục tạp chí trong nước uy tín để đăng. Đồng thời, bộ cũng cần rà soát lại các lĩnh vực đặc thù và quy định rõ trong quy chế.

Nên chăng Bộ GD-ĐT bổ sung thêm vào quy chế, nghiên cứu sinh muốn tốt nghiệp tiến sĩ thì phải có công bố quốc tế nằm trong danh mục WoS/Scopus, tối thiểu là hai bài (trừ chuyên ngành đặc thù).

Trường hợp một số lĩnh vực đặc thù không có nơi để đăng trên các tạp chí WoS/Scopus thì phải có quy trình bảo vệ luận án tiến sĩ nghiêm ngặt. Chẳng hạn cần có tổ thẩm định luận án tiến sĩ của Bộ GD-ĐT trước khi bảo vệ để tránh trường hợp luận án không có đóng góp gì cho khoa học.

Làm được vậy mới có thể nâng chất lượng đào tạo tiến sĩ của Việt Nam, tiệm cận với đào tạo tiến sĩ quốc tế. Đây là tiêu chuẩn khách quan duy nhất để có "tiến sĩ thật".

1017hoi-dong-tien-si-1read-only-1652112131085536391937-1652142210.jpg
Hội đồng chấm luận án tiến sĩ bằng tiếng Anh tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM có chuyên gia nước ngoài tham gia - Ảnh: UEH

- TS Lê Thị Thanh Xuân (khoa quản lý công nghiệp Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM):

Khâu quản lý còn lỏng lẻo

Theo tôi, với thực tế hiện nay, ở cấp quản lý vĩ mô thì Bộ GD-ĐT không sai, nhưng khâu quản lý thì lỏng lẻo. Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý nhà nước, không thể đi sâu vào từng chuyên môn. Vấn đề xảy ra trong đào tạo tiến sĩ là do lỗi của cơ sở giáo dục, gồm thầy hướng dẫn và hội đồng (do cơ sở đào tạo lập).

Cá nhân tôi cho rằng vai trò của cơ sở đào tạo là chính, vì nơi đây quyết định hội đồng đánh giá, phản biện... Nếu so sánh với quy trình, với phương thức đào tạo tiến sĩ của các nước thì cách đào tạo của ta hiện nay hơi dễ dãi, và nó thể hiện ngay vào chất lượng của sản phẩm.

Muốn đào tạo một tiến sĩ có chất lượng, nhất thiết cơ sở đào tạo phải tuân theo quy trình chặt chẽ, từ khi nghiên cứu sinh trúng tuyển đầu vào cho đến vòng bảo vệ cuối cùng. Thực tế, có tình trạng các thầy hướng dẫn đồng thời ở nhiều cơ sở đào tạo. Hiện nay cũng chưa quản lý được số lượng nghiên cứu sinh các thầy hướng dẫn.

Đánh giá việc đào tạo tiến sĩ phải dựa trên nền tảng của sự kiểm soát (vai trò quản lý của Nhà nước), bằng uy tín - chất lượng - thương hiệu (của cơ sở đào tạo).

- PGS.TS Vũ Phan Tú (phó viện trưởng Viện Môi trường và tài nguyên, ĐH Quốc gia TP.HCM):

Điều chỉnh theo chuẩn mực chung của thế giới

Nếu cho rằng đánh giá chất lượng luận án chỉ là việc của cơ sở đào tạo, của người hướng dẫn, của đơn vị chuyên môn... vậy trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong quản lý chất lượng giáo dục, đào tạo tiến sĩ thế nào?

Tôi cho rằng với vai trò quản lý nhà nước của mình, Bộ GD-ĐT không chỉ giám sát việc thực hiện quy chế của các cơ sở đào tạo mà còn có định hướng, dẫn dắt và bảo đảm giá trị.

Trong vấn đề này, vai trò và trách nhiệm của bộ là rất lớn: xây dựng chiến lược và chất lượng giáo dục của một quốc gia; xây dựng quy chế xứng tầm chất lượng đó; thẩm định ngẫu nhiên; thanh tra độc lập. Tuy nhiên cái khó là bộ chưa có thước đo để đánh giá luận án mà thường thanh tra chỉ giám sát quy trình.

Chỉ khi phát hiện làm sai quy trình thì thanh tra mới xử lý. Trên thực tế, các cơ sở đào tạo thường luôn khẳng định "làm đúng quy trình". Như vậy, rõ ràng quy trình đang có vấn đề, nên cần xem xét lại để điều chỉnh theo chuẩn mực chung của thế giới trong đào tạo tiến sĩ.

TRẦN HUỲNH ghi

Theo Vĩnh Hà/Tuổi trẻ
Bạn đang đọc bài viết "Nhức nhối luận án tiến sĩ: Trách nhiệm thuộc về ai?" tại chuyên mục Tài chính.