Nhìn lại 9 gương mặt kiếm tiền nhanh nhất thế giới trong 2021 nhờ startup, cổ phiếu và tiền ảo

10/01/2022 10:09

Tổng số tài sản của những tỷ phú này không phải cao nhất nhưng tỷ lệ phần trăm tài sản ròng thì tăng nhiều nhất.

Những ông trùm và nhà đầu tư nằm trong danh sách này của Forbes có thể không tự hào về khối tài sản trị giá hơn 100 tỷ USD như Elon Musk hay Jeff Bezos, nhưng mỗi người trong số họ đã kiếm được nhiều hơn gấp 3 lần giá trị tài sản ròng của mình trong 12 tháng ngắn ngủi. 

Một số là người sáng lập các startup đã tăng giá trị ròng nhờ vào các vòng tài trợ mới, trong khi những tỷ phú khác kiếm được nhiều tiền nhờ đầu tư cổ phiếu thành công hoặc đầu tư tiền ảo.

Dưới đây là danh sách những tỷ phú kiếm tiền nhanh nhất 2021 do Forbes bình chọn:

1. Tatyana Bakalchuk

Tỷ phú người Nga Tatyana Bakalchuk đã tăng giá trị tài sản của mình tới 1.075%. Bà Bakalchuk là người sáng lập hãng bán lẻ thương mại điện tử Nga Wildberries, có giá trị ròng ước tính 12,9 tỷ USD - tăng từ 1,1 tỷ USD hồi đầu năm 2021. 

Nguyên nhân được cho là nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng vọt trong thời kỳ đại dịch và định giá công khai của Wildberries đã giúp Bakalchuk kiếm được lợi nhuận khủng. 

Tatyana Bakalchuk là tỷ phú có tỷ lệ tăng trưởng tài sản ròng cao nhất 2021. (Nguồn: Forbes)  

Tatyana Bakalchuk là tỷ phú có tỷ lệ tăng trưởng tài sản ròng cao nhất 2021. (Nguồn: Forbes)  

Bà cũng đã trở thành nữ tỷ phú giàu nhất nước Nga, hiện đang theo đuổi kế hoạch mở rộng ra thị trường toàn cầu, bao gồm cả Mỹ. Công ty cũng đã tăng gấp đôi doanh thu vào năm 2020 lên ước tính 5,7 tỷ USD.

Là một giáo viên tiếng Anh và là mẹ của 4 đứa con, Bakalchuk 46 tuổi đã thành lập Wildberries vào năm 2004 từ căn hộ ở Moscow khi đang nghỉ sinh. Trong những năm đầu thành lập, bà bán lại quần áo từ nhà bán lẻ Otto của Đức. Ngày nay, Wildberries cung cấp hơn 31.000 nhãn hiệu trên trang web của mình.

2. Nik Storonsky

Nik Storonsky đã tăng giá trị tài sản ròng của mình lên tới 547% trong năm 2021. Ông là CEO và đồng sáng lập của ngân hàng fintech Revolut đã từng sở hữu 1,1 tỷ USD và sở hữu tổng khối tài sản ròng 7,1 tỷ USD khi kết thúc năm 2021. 

Vào tháng 7, Revolut đã hoàn thành vòng kêu gọi tài trợ 800 triệu USD, định giá công ty là 33 tỷ USD, trở thành công ty khởi nghiệp fintech giá trị nhất của Vương quốc Anh. Storonsky sở hữu hơn 20% cổ phần của công ty. Tỷ phú Storonsky sống ở London và mang hai quốc tịch Anh-Nga, bắt đầu với tư cách là một nhà giao dịch phái sinh tại Lehman Brothers và Credit Suisse.

3. Leo Koguan

Leo Koguan, một doanh nhân và nhà đầu tư người Mỹ đang xây dựng sự nghiệp tại Singapore đã chứng kiến tài sản ròng của mình tăng tới 481% vào năm 2021 với một chiến lược đầu tư táo bạo: Đặt cược vào các quyền chọn mua của Tesla. 

Khi cổ phiếu Tesla tăng mạnh vào năm ngoái, giá trị tài sản ròng của Koguan tăng cực nhanh và hiện được ước tính ở mức khoảng 8,1 tỷ USD tính đến ngày 31/12/2021.

Tỷ phú Koguan đã xây dựng cơ nghiệp của mình trong ngành công nghệ thông tin. Tốt nghiệp Trường Luật Đại học New York, Koguan đồng sáng lập công ty cung cấp dịch vụ CNTT SHI International vào năm 1989 cùng với người vợ khi đó là Thai Lee.

4. Luo Liguo

Tỷ phú Trung Quốc Luo Liguo đã ghi nhận giá trị tài sản ròng của mình đạt 16,6 tỷ USD, tăng 472% nhờ thời gian hoạt động cực hiệu quả của Silicon Industry - nhà cung cấp kim loại silicon được sử dụng trong thiết bị điện tử, tấm pin mặt trời và các sản phẩm hóa học mà Luo làm Chủ tịch. 

Cổ phiếu của công ty được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải, đã tăng từ 5,20 USD/cp (33 nhân dân tệ) lên gần 21 USD/cp (132 nhân dân tệ) trong suốt năm 2021.

Các thành viên gia đình của Luo giúp điều hành công ty Silicon Industry ở Hoshine. Vợ ông là Wang Baodi giữ vai trò giám đốc, con gái Luo Yi là phó chủ tịch và con trai ông Luo Yedong là trợ lý. Tuy nhiên, từ hồi tháng 6, chính phủ Mỹ đã cấm nhập khẩu các sản phẩm do công ty của Luo sản xuất.

5. Cameron Winklevoss & Tyler Winklevoss

Cameron và Tyler Winklevoss là 2 anh em sinh đôi và đồng thời là những nhà đầu tư tiền điện tử kiếm được tới 4,4 tỷ USD vào cuối năm 2021, tăng giá trị tài sản ròng lên tới hơn 440% so với một năm trước đó. 

Bitcoin đã kết thúc năm 2021 với mức tăng ấn tượng 56% nhờ vào mức độ phổ biến tăng và sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư doanh nghiệp. Trong khi đó, ethereum – đồng tiền điện tử lớn thứ hai cũng kết thúc năm 2021 với mức tăng trưởng 400%.

Hai nhà đầu tư tỷ phú này cũng đang điều hành sàn giao dịch tiền điện tử Gemini được thành lập vào năm 2014 và đến tháng 11 năm nay đã kêu gọi được khoản đầu tư 400 triệu USD.

Hai anh em nhà Winklevoss, một người là sinh viên tốt nghiệp đại Harvard, và một người là cựu vận động viên chèo thuyền Olympic, đã bắt đầu đầu tư bitcoin từ năm 2012 khi bitcoin chỉ khoảng 100 USD/ đơn vị.

6. Bom Kim

Tỷ phú Hàn Quốc Bom Kim. (Nguồn: Forbes)  

Tỷ phú Hàn Quốc Bom Kim. (Nguồn: Forbes)  

Bom Kim (43 tuổi) là tỷ phú trẻ của Hàn Quốc, người đã sáng lập sàn thương mại điện tử Coupang cũng có một năm 2021 thành công khi nâng tổng giá trị tài sản của mình lên 5,2 tỷ USD nhờ vào đợt chào bán công khai của công ty trên Sàn giao dịch Chứng khoán New York vào tháng 3/2021. 

Với tư cách là cổ đông 10% của Coupang, ông Kim đã trở thành một trong những tỷ phú tự thân giàu nhất Hàn Quốc và hoàn toàn trái ngược với các tập đoàn chaebol của đất nước. Tuy nhiên, cổ phiếu của Coupang đã giảm 40% kể từ khi IPO do nhà bán lẻ trực tuyến này đã vướng vào một số tranh cãi liên quan tới vụ hỏa hoạn gây chết người hồi tháng 6.

7. Pavel Durov

Khi Big Tech ở Mỹ hay Trung Quốc đều phải đối mặt với nhiều khó khăn về chính sách trong năm 2021, tỷ phú Pavel Durov là một trong số ít những người được hưởng lợi. Ông là người sáng lập và chủ sở hữu của ứng dụng nhắn tin tập trung vào quyền riêng tư Telegram. 

Ông trùm công nghệ (cũng là người đã tạo ra trang web truyền thông xã hội nổi tiếng của Nga Vkontakte) có giá trị ròng ước tính đạt 17,2 tỷ USD (tăng từ 3,4 tỷ USD) vào đầu năm 2021. Telegram là ứng dụng được tải xuống nhiều thứ 5 vào năm 2021, với 329 triệu lượt mới.

Tuy nhiên, công ty của tỷ phú người Nga này cũng đã phải chịu áp lực khi các mối đe dọa phần mềm độc hại và các trò gian lận ngày càng gia tăng trên nền tảng Telegram. Và vào tháng 12, Durov đã xác nhận một dự án tiền điện tử spin-off, được đặt tên là Toncoin.

8. Wang Junlin

Tỷ phú Wang Junlin là chủ tịch Sichuan Langjiu, một trong những nhà cung cấp rượu mạnh lớn nhất Trung Quốc. Người đàn ông 59 tuổi là tỷ phú tự thân có giá trị ròng ước tính 4,8 tỷ USD, tăng từ khoảng 1 tỷ USD vào đầu năm 2021. Thương hiệu rượu "Lang" thường được biết đến của ông được đặt tên theo nơi xuất xứ của nó, thị trấn Er Lang ở Tỉnh Tứ Xuyên phía Tây Trung Quốc.

9. Philippe Laffont

Quỹ đầu tư của tỷ phú Laffont và công ty đầu tư mạo hiểm Coatue Management của ông đã đặt cược lớn vào công nghệ, nâng tài sản lên 50 tỷ USD trong năm vừa qua.

Forbes đánh giá khối tài sản tài sản của Laffont là 6,5 tỷ USD, tăng từ 1,4 tỷ USD vào đầu năm 2021.

Một số khoản đầu tư nổi bật nhất của Coatue là công ty mẹ của TikTok Bytedance, công ty mẹ Snapchat và dịch vụ phát trực tuyến nhạc Spotify.

Theo Khải Hoàn/Doanh nhân Việt Nam