Nhiều người Việt đi làm chỉ thích né việc, bị động, làm vừa đủ theo yêu cầu: Bạn đáng giá bao nhiêu cho tổ chức, cho bản thân, cho chính cuộc đời mình?

29/05/2019 17:13

Bạn thử hỏi mình câu này, nếu bạn biến mất, bốc hơi ngay trong giờ phút này, chuyện gì có thể xảy ra cho tổ chức? Không ai là không thay thế được, nhưng người ta sẽ luôn nhớ đến giá trị mà bạn đã tạo ra cho tổ chức.


Bạn thử hỏi mình câu này, nếu bạn biến mất, bốc hơi ngay trong giờ phút này, chuyện gì có thể xảy ra cho tổ chức? Không ai là không thay thế được, nhưng người ta sẽ luôn nhớ đến giá trị mà bạn đã tạo ra cho tổ chức.

Trong cuộc đời đi làm của mình, có lẽ thành công nhất của tôi không phải là lương bao nhiêu và địa vị thế nào. Mà tự hào nhất là luôn luôn tạo ra giá trị không ai ngờ tới. Khi nhận một công việc, vị trí, nhiệm vụ, tôi luôn tự hỏi mình, giá trị một người bình thường sẽ tạo ra, theo mong muốn tiêu chuẩn của tổ chức khi nhận công việc này là gì, và giá trị có đóng mộc mang tên thương hiệu cá nhân của tôi là gì.

Câu hỏi này, tôi hỏi mình khi bắt đầu, và lặp đi lặp lại trong suốt quá trình làm dự án. Chưa một ngày, tôi nghĩ là giá trị mình tạo ra đã đủ. Trên đời luôn luôn có những cách tiếp cận hay hơn, hiệu quả hơn, hào hứng hơn, chỉ là cá nhân thiển cận của mình chưa chạm được đấy thôi. Và vì vậy, tôi luôn giữ cho đầu óc mình thật mở, để tiếp nhận thêm cái hay, cái mới, và không ngừng sáng tạo giải pháp mới, giá trị mới cho tổ chức, mà không chờ ai yêu cầu hay mong đợi gì từ mình cả.

Bao năm đi qua, chẳng còn đi làm thuê nữa, nhưng ông chủ tịch, và tất cả dàn lãnh đạo cứ vài tháng là gọi hỏi thăm, trao đổi, và mang đến cho tôi không biết bao nhiêu là cơ hội cho đến bây giờ. Giá trị, là thứ không có visa hay thời hạn, không bị đóng khung trong bốn bức tường của một tổ chức nào. Giá trị du hành vượt không gian thời gian, không bao giờ mất tầm ảnh hưởng, và vượt ra khỏi mọi sự tính toán nhỏ nhen, thiển cận của đời thường. 

Nhiều người Việt đi làm chỉ thích né việc, bị động, làm vừa đủ theo yêu cầu: Bạn đáng giá bao nhiêu cho tổ chức, cho bản thân, cho chính cuộc đời mình? - Ảnh 1.

Cũng vì vậy, tôi đặc biệt trân quý và tạo điều kiện cho những người tự bản thân luôn chủ động tạo ra giá trị, dù lớn nhỏ, dù hoàn hảo hay vừa chớm nảy mầm. Tôi chọn bỏ qua những kẻ chỉ giỏi lạng lách, né tránh, ngồi đơ mặt chờ người ta giao việc, hay đợi la hét, nặng nhẹ mới miễn cưỡng đi làm.

Tại Việt Nam tôi thấy nhiều người đi làm, có lẽ một phần do giáo dục và môi trường, chỉ thích né việc. Làm sao mà chỉ làm vừa đủ thứ người ta yêu cầu, im thin thít không hề chủ động đưa ý kiến và tạo ra giá trị, né tất cả nếu có thể cho nó khoẻ tấm thân lường biếng, hoặc sàng qua sàng lại cho có rồi đẩy hết việc cho người ta.

Bạn thử hỏi mình câu này, nếu bạn biến mất, bốc hơi ngay trong giờ phút này, chuyện gì có thể xảy ra cho tổ chức? Nếu bạn là mắt xích không thể thiếu, quan trọng hàng đầu vì những giá trị bạn luôn tạo ra, có lẽ tổ chức sẽ có phần hụt hẫng. Không ai là không thay thế được, nhưng người ta sẽ luôn nhớ đến giá trị mà bạn đã tạo ra cho tổ chức. 

Nhiều người Việt đi làm chỉ thích né việc, bị động, làm vừa đủ theo yêu cầu: Bạn đáng giá bao nhiêu cho tổ chức, cho bản thân, cho chính cuộc đời mình? - Ảnh 2.

Còn nếu bạn biến mất, mà một ngày vẫn cứ trôi qua như mấy vạn ngày, thì bạn lăn lông lốc trong trần gian này để làm gì nhỉ? Người ta không trân trọng mình, có khi còn mệt mỏi vì cái sự tào lao của mình. Đi, có hay không có bạn cũng chả sao. Vậy, giá trị của bạn nằm ở đâu? Hay bạn là người vô giá trị? Hay bạn dành hẳn 1/3 cuộc đời mình chỉ để trôi vật vờ cho có? Hay ta tua nhanh cuộc đời mình cho rồi vì nó chẳng có nội dung gì đáng để dừng lại mà xem?

Giờ, bạn thử lấy cái điều khiển và bấm 'stop' xem sao. Hỏi mình, nếu bạn biến mất ngay giờ phút này thì có chuyện gì xảy ra không nhỉ? Vậy ta có tạo ra giá trị cho tổ chức, cho bản thân, cho chính cuộc đời mình? Hay ta đang lăn lăn như hạt bụi bên đường, chờ đến ngày hóa kiếp? Nếu không, có lẽ ta cần tháo cái tư duy né tránh quăng sọt rác, và thay bằng tư duy giá trị để thay đổi tương lai và cả cuộc đời mình.


Nguyễn Phi Vân

Theo Trí Thức Trẻ