Nhân viên môi giới bất động sản đổ đi tìm việc khác

04/04/2020 15:24

Giới quan sát nhận định toàn thị trường bất động sản đang trong trạng thái "ngủ đông" do tác động của dịch bệnh, nên các sàn giao dịch, nhân viên môi giới bị ảnh hưởng nặng nề.

Chị Thu, trưởng phòng nhân sự một công ty phân phối ôtô lớn ở TP.HCM 2 tháng qua rốt ráo tuyển 50 nhân viên kinh doanh cho chi nhánh mới. Thông thường, ứng viên nộp đơn đa phần chuyển từ các hãng xe khác qua, hoặc là sinh viên mới ra trường tốt nghiệp ngành kinh tế.

Nhưng trong đợt tuyển dụng này, chị Thu cho biết 70% ứng viên từ các công ty bất động sản.

"Họ đa phần làm nhân viên môi giới ở các sàn giao dịch hoặc nhân viên kinh doanh của chủ đầu tư dự án. Lý do chuyển việc được họ đưa ra là thị trường bất động sản TP.HCM gặp khó vì thiếu dự án mới mở bán và ảnh hưởng của dịch bệnh", trưởng phòng nhân sự doanh nghiệp ôtô nói.

Thị trường bất động sản 3 tháng đầu năm ghi nhận sự trầm lắng chưa từng có trong 4 năm trở lại đây.

Anh L.L. Phát (môi giới bất động sản, huyện Bình Chánh) trải lòng: “Mấy dự án tôi đang chào cho khách cũng phải dừng lại một thời gian, không biết tới bao giờ, ít nhất đến khi tình hình bệnh dịch êm chút xíu. Trước kia, mỗi ngày có tới mười mấy người liên hệ tôi để hỏi mua nhà, giờ còn có 1-2 người. Từ cuối năm ngoái giá bất động sản lên cao đã rất khó bán rồi, giờ dịch mà cứ kéo dài vầy hoài chắc tôi bỏ nghề luôn!”.

Tương tự, các sàn giao dịch nhóm căn hộ bình dân vẫn hoạt động ở mức cầm chừng, nhiều nhà đầu tư phải cắt giẳm tối đa chi phí để duy trì hoạt động bán hàng.

Nhan vien moi gioi bat dong san do di tim viec khac hinh anh 1 Hungphuc_zing_2_.JPG
Thị trường bất động sản đang trong trạng thái "ngủ đông" do tác động của dịch và nguồn cung hạn chế. Ảnh: Quỳnh Danh.

Các hoạt động quảng bá, mở bán, tư vấn khách hàng được tạm dừng trong thời gian dịch bệnh khiến giới môi giới cân nhắc đẩy mạnh phương thức rao bán trên các sàn giao dịch bất động sản trực tuyến để tiết kiệm chi phí, tiếp cận nhiều người mua trong thời điểm hạn chế tiếp xúc.

Theo thống kê của Chợ Tốt Nhà, số tiền được trả cho quảng cáo, tiếp thị của các sàn bất động sản cũng được điều chỉnh giảm 40-60% do lượng khách giảm đáng kể, cũng như tốc độ giao dịch trên thị trường chậm lại.

Hai phân khúc lớn là nhà đất và chung cư đều trong tình trạng "án binh bất động" không đủ nguồn cung. Theo Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm TP.HCM chỉ có 5.497 sản phẩm ở các phân khúc được chào bán, trong đó, tổng số căn hộ và nhà đất là 5.162 sản phẩm.

Tâm lý thận trọng của người mua có nhu cầu ở thực lẫn người mua đầu tư cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đóng băng của thị trường.

Chị Anh Thư (quận 9) chia sẻ: “Trước khi có dịch tôi định mua một căn hộ để tiện đi lại gần chỗ làm, giờ có dịch hay không thì tôi vẫn sẽ mua thôi, nhưng không biết sắp tới giá bán có giảm không nên vẫn còn đắn đo, chờ diễn biến dịch xem sao”.

Trong thời điểm khó khăn của thị trường, ông Võ Sỹ Nhân, CEO dự án Empire City, đồng sáng lập quỹ đầu tư GAW NP Capital nhận định đây là thời điểm mà các doanh nghiệp cần phải đặt vấn đề cố gắng tồn tại lên hàng đầu.

"Thời điểm này các doanh nghiệp bất động sản nên có bài toán phân tích khả năng chịu đựng tài chính cho giai đoạn 6 và 12 tháng tiếp theo trong đợt khủng hoảng, đặc biệt là dòng tiền tự do", ông Nhân khuyến nghị.

Cùng với đó là tái cấu trúc nhanh danh mục đầu tư và tái định giá tài sản trong giai đoạn khủng hoảng để vạch ra chiến lược thoái vốn hợp lý và kịp thời.

Ngoài ra, ông cũng cho rằng cần xây dựng niềm tin bằng cách thẳng thắn thông tin, tăng cường xây dựng mối quan hệ hỗ trợ tích cực với đối tác và khách hàng, cùng nhau chia sẻ và vượt qua khó khăn.

"Quan điểm của tôi là các doanh nghiệp hãy tự cứu mình trước, kinh doanh và đầu tư là phải chấp nhận mạo hiểm. Mỗi cơn khủng hoảng đều cho ta những bài học và kể cả cơ hội mới. Còn lại hãy để thị trường tự điều tiết, vận động và sàng lọc", ông chia sẻ.

Hà Bùi/Zing

Nguồn:https://zingnews.vn/nhan-vien-moi-gioi-bat-dong-san-do-di-tim-viec-khac-post1068461.html