Nhà sáng lập F88: 'Mục tiêu của F88 là mở 1.000 phòng giao dịch, sẽ IPO trong tương lai'

23/02/2021 10:12

Ra đời vào năm 2013, F88 từng nhận được sự quan tâm đông đảo trên thị trường khi tiên phong chuyên nghiệp hóa mô hình cho vay cầm đồ. Được rót vốn bởi Mekong Capital vào đầu năm 2017, chuỗi cho vay cầm đồ này cũng kỳ vọng sẽ tăng trưởng thần kỳ như Thế giới Di động.

VietnamFinance đã có cuộc trò chuyện với Phùng Anh Tuấn - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT F88.

- Thời gian qua, F88 đã làm được gì, thưa ông?

Năm vừa qua là một năm nhiều thử thách và khó khăn với nền kinh tế Việt Nam nói chung dưới tác động của đại dịch Covid-19. F88, không ngoại lệ, cũng gặp nhiều thách thức trong thời kỳ giãn cách xã hội. Rất may mắn, F88 đã cán mốc 300 PGD trước 1 năm so với kế hoạch đề ra.

Các mục tiêu tài chính mà công ty đặt ra về cơ bản cũng đã hoàn thành. Ước tính kết quả kinh doanh năm 2020, dư nợ cho vay của chúng tôi tăng trưởng 230% so với năm 2019; doanh thu và các nguồn thu tăng 220%. Vốn chủ sở hữu của F88 cũng tăng 160% so với đầu năm. Quy mô nhân sự F88 đạt gần 2000 người. Kết quả này là tiền đề để chúng tôi tiếp tục tạo ra những cột mốc mới cho các năm tiếp theo.

- Chuyển hướng lĩnh vực mình đang sẵn nhiều lợi thế (công nghệ thông tin) sang một lĩnh vực hoàn toàn khác, lại chịu định kiến xã hội chắc hẳn không dễ để phát triển và gặt hái được "quả ngọt", vậy ông có thể chia sẻ bí quyết không?

Với tôi, bí quyết để thành công nằm ở yếu tố là "con người". Do đó, tôi xác định ở F88, mỗi cán bộ, nhân viên đều là yếu tố quan trọng để tạo nên sự thành công. Ngay từ khi mới thành lập, tôi tập trung vào con người và việc đào tạo con người, xây dựng năng lực cốt lõi cho từng cán bộ, nhân viên trong tổ chức. Ở mỗi cấp độ, chúng tôi sẽ có khung năng lực phù hợp cùng các kế hoạch bồi dưỡng, nâng cấp năng lực cho cán bộ, nhân viên.

Cũng bởi vì ngành cầm đồ còn chịu định kiến của xã hội, nhân viên của chúng tôi từng có thời điểm phải chịu rào cản từ gia đình, bạn bè. Do đó, tôi luôn cố gắng thúc đẩy tư duy quản trị trong mỗi bạn nhân viên sao cho nhân viên chúng tôi luôn cảm thấy tự hào thay vì cảm giác mặc cảm và không muốn ai biết mình đang làm việc cho F88 như trước đây.

Cũng chính vì định hướng và chiến lược của công ty là đầu tư cho con người, chúng tôi đã thành lập học viện đào tạo. Bên cạnh đó, F88 cũng thành lập một bộ phận riêng biệt với nhiệm vụ xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tạo nên đội ngũ nhân sự có cùng mục tiêu, suy nghĩ, cách làm.

Nếu trước đây, cứ 3 tháng, F88 mở một phòng giao dịch thì với sức mạnh từ nhân lực như hiện tại, chúng tôi tự tin mỗi một ngày đều có thể mở mới một phòng giao dịch.

- Ông đánh giá thế nào về thị trường cầm đồ Việt Nam hiện nay?

Thị trường tài chính đặc biệt là tài chính vi mô hướng tới đối tượng khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng hoặc gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và các tổ chức tài chính, là rất lớn và tiềm năng. Chúng tôi nhận thấy thị trường còn nhiều không gian và tôi cũng rất tự tin về sự phát triển của F88 cũng như của ngành cầm đồ nói chung. Hiện tại rất nhiều các công ty, tổ chức trong và ngoài nước đã nhìn thấy sự hấp dẫn của thị trường này và tham gia vào với sự đầu tư nghiêm túc.

Bản thân tôi rất vui vì sự tham gia của ngày càng nhiều các công ty chuyên nghiệp sẽ giúp thị trường tốt hơn, minh bạch hơn và sẽ có nhiều người dân Việt Nam được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, thị trường hiện nay với sự xuất hiện của các loại hình cho vay mới như cho vay online đã phát sinh nhiều biến tướng và các hành động cho vay lách luật, bắt tay giữa các cửa hàng cầm đồ và tín dụng đen làm méo mó thị trường. Tôi cho rằng cần thiết phải có cơ chế quản lý rõ ràng để bảo vệ khách hàng và các mô hình kinh doanh chuyên nghiệp, minh bạch, có trách nhiệm với xã hội như F88.

- Suốt quá trình xây dựng và phát triển F88, ông nhận thấy thách thức lớn nhất của mô hình cho vay tài chính dạng cầm đồ hiện nay là gì?

Tôi cho rằng có 2 thách thức lớn. Thách thức thứ nhất là về năng lực quản trị rủi ro. Ở bất kỳ công ty tài chính hoặc kinh doanh dịch vụ tài chính, nền tảng quản trị rủi ro luôn là nền tảng cốt lõi đảm bảo sự phát triển bền vững của tổ chức. Năng lực quản trị rủi ro được xây dựng dựa trên con người, sản phẩm, quy trình và công nghệ. F88 ngay từ đầu đã định hướng xây dựng hệ thống quản trị rủi ro chắc chắn từ con người đến sản phẩm, quy trình và công nghệ. Tất cả các yếu tố đều được vận hành nhuần nhuyễn và có độ gắn kết chặt chẽ với nhau nhằm kiểm soát rủi ro luôn ở mức thấp nhất.

Thách thức thứ hai, theo tôi là đến từ cơ chế. Hiện ngành cầm đồ vẫn chưa có cơ chế quản lý rõ ràng, điều này gây khó khăn cho các công ty có ý định làm ăn nghiêm túc trong ngành cầm đồ trước sự biến tướng của các loại hình cho vay khác khi bắt tay với các tiệm cầm đồ truyền thống.

- Ông có thể chia sẻ về chiến lược và bước đi mới của F88 trong thời gian tới?

Với những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, F88 sẽ hướng tới hình ảnh một tập đoàn cung cấp dịch vụ tài chính hàng đầu Việt Nam. Để hiện thực hóa điều này, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động trên cả nước.

Mục tiêu của F88 là mở 1.000 phòng giao dịch đến năm 2023. Mỗi phòng giao dịch của F88 sẽ là một cửa hàng dịch vụ tiện ích tài chính, phục vụ từ vay tài chính, bảo hiểm, dịch vụ thanh toán, các dịch vụ thu hộ, chi hộ…

Bên cạnh việc mở rộng mạng lưới phòng giao dịch, chúng tôi cũng có kế hoạch để áp dụng mạnh mẽ công nghệ, chuyển đổi số vào mô hình kinh doanh, thông qua việc ra mắt các nền tảng tương tác với khách hàng trên môi trường online.

Chúng tôi cũng có kế hoạch IPO khi đạt quy mô 1.000 PGD trong tương lai. Với việc IPO, F88 sẽ có cơ hội để hiện thực hóa tầm nhìn và sứ mệnh của mình một cách mạnh mẽ, mang lại những điều tốt đẹp cho xã hội, khách hàng, nhà đầu tư và các cán bộ nhân viên F88.