Nguyễn Văn Mười Hai làm lại cuộc đời - Kỳ 1: Học nghề chứng khoán

19/07/2017 23:30

Nguyễn Văn Mười Hai, ông chủ hãng nước hoa Thanh Hương nổi tiếng, "đại gia số 1" của Sài Gòn những năm cuối thập niên 80… đã được trở lại tái hòa nhập cộng đồng từ đợt đặc xá cuối năm 2006.

Và hơn nửa năm qua, chúng tôi đã có nhiều dịp gặp ông, chứng kiến từng sự kiện nhỏ nhất trong cuộc hành trình "làm lại từ đầu" của con người một thời "ân oán" với xã hội nhưng cũng đầy những tâm tư rất đáng được cảm thông này.

Người "nhạy cảm"

Khi biết chúng tôi đang "đeo đuổi" Nguyễn Văn Mười Hai, một anh bạn đồng nghiệp đã khuyên nên thận trọng. "Tốt hơn hết là không nên viết gì" - anh ấy nói. Chúng tôi phải suy nghĩ rất lâu và cũng muốn là... coi như mình chưa gặp Nguyễn Văn Mười Hai, chưa biết gì. Chúng tôi hiểu lời khuyên của đồng nghiệp, nó không chỉ "an toàn" cho chúng tôi mà còn cho cả nhân vật chúng tôi đang đeo bám.

Khi thận trọng lật lại hồ sơ vụ án của các cơ quan tố tụng tại TP.HCM vào những năm đó, đọc đến trang nào chúng tôi cũng thấy sợ. Khi nghiền ngẫm bài bào chữa viết tay của luật sư Nguyễn Đăng Trừng tại phiên tòa sơ thẩm, chúng tôi cũng cảm nhận rằng ngay cả chính "ông này" thời điểm ấy cũng đã rất kín kẽ trong từng câu chữ để thể hiện quan điểm gỡ tội cho thân chủ của mình trước Hội đồng xét xử và trước dư luận. Cách đây 17 năm, ông Trừng nắn nót viết: "Tôi nhận bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Mười Hai trong vụ án Thanh Hương là tôi phải ở vào một hoàn cảnh hết sức khó khăn và phức tạp. Vì bị cáo đã bị truy tố cùng một lúc 3 tội: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân, Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế xã hội và Tội đưa hối lộ. Mà tội nào cũng bị vị đại diện Viện KSND TP đề nghị mức án cao nhất. Trong khi đó trong lòng tôi lại mang một nỗi ưu tư, ray rứt rất lớn, đó là đông đảo những người gửi tiền ở Thanh Hương, nhiều người là bà con lao động nghèo vừa qua chưa được chi trả bao nhiêu, đã lâm vào tình cảnh rất khó khăn, khổ sở...".

Vụ án Thanh Hương nổ ra ngày 10.3.1990, thời điểm ấy chúng tôi còn là sinh viên, đang học năm cuối Đại học Tổng hợp TP.HCM nhưng cũng đã chứng kiến nhiều cảnh điêu đứng của các bạn cùng phòng ở ký túc xá khi toàn bộ số tiền gia đình cho gửi vào để hàng tháng rút 15% tiền lãi làm chi phí học tập đã mất trắng. Một "nhân chứng" cùng lứa với chúng tôi ở thời kỳ ấy là một người "hay tếu" như diễn viên điện ảnh Quyền Linh mà giờ đây cũng còn nhớ.

"Người ta gửi tiền bị mất. Còn em, lúc đó học Nghệ thuật sân khấu cạnh chỗ công ty ổng, đi qua coi cũng bị móc túi mất sạch tiền luôn" - Linh kể. Không thể nói chính xác bao nhiêu gia đình đã không thể lấy lại được tiền trong vụ "Nước hoa Thanh Hương" nhưng có một điều chắc chắn là, 17 năm qua không có ai xông vào nhà tù để trút giận lên ông chủ hãng. Và mọi chuyện đã trở nên phai mờ theo lớp bụi thời gian. Thế thì xới lại liệu có ích gì? Và một điều nữa càng khiến chúng tôi phải đắn đo thêm vì ông cứ dặn đi dặn lại: "Tôi chỉ tiếp có mình anh là nhà báo, đừng cho ai biết chỗ ở của tôi nhé!".

Nhưng chính nghị lực làm lại cuộc đời và ý chí phấn đấu kinh khủng của con người từng dám bỏ trường cao đẳng để đi "làm kinh tế" này trong suốt 17 năm qua, từ lúc vào tù cho đến khi được ra ngoài xã hội đã thôi thúc chúng tôi phải làm một điều gì đó, để con đường tái hòa nhập cộng đồng của những người như ông được rút ngắn lại hơn.

"Xin thưa với anh là, khi ra tù, tôi nhìn thấy xã hội thay đổi nhiều quá. Hầu như là thay đổi toàn diện luôn. Đối với tôi mọi cái đều trở nên hết sức xa lạ. Tôi thấy để giải quyết cho tương lai của mình, cái trước tiên là mình phải học để mà có điều kiện hòa nhập. Và cái chuyện trước mắt phải học là chứng khoán, vi tính và Anh văn. Mà nhanh nhất, thời gian ngắn nhất là chứng khoán. Vả lại tôi cũng có một số kiến thức cơ bản cũ, dễ tiếp thu hơn..." - Nguyễn Văn Mười Hai tâm sự.

Chứng khoán bây giờ và "chứng khoán nước hoa"

Khi ông còn ở trong tù, có người nói ông bỏ vốn hùn mở căn-tin bán cho phạm nhân và "rất khá". Hồi đầu năm nay, lại có người nói Nguyễn Văn Mười Hai đã chết trong trại giam vì bệnh. Mới thứ bảy tuần rồi gặp chúng tôi, anh Bùi Văn H., giám đốc một công ty vệ sĩ lớn ở TP.HCM cũng nói: "Nguyễn Văn Mười Hai có biệt thự ở Trị An, lúc ở tù cũng đi đi về về như cơm bữa"...

Thực ra đó chỉ là những tin đồn. Năm 1990, ông và vợ đều bị bắt, tài sản đều được kê biên và xử lý để thanh toán nợ cho những người gửi tiền. Hậu quả đến 4 vạn lượng vàng trong khi nhiều ngôi nhà của "đại gia số 1" này lúc đó không có giá thị trường như bây giờ để phát mãi nên việc khắc phục không thể suôn sẻ. Và vợ chồng ông khi ấy cũng chỉ còn để lại bên ngoài xã hội cho người thân "tài sản" duy nhất là hai đứa con nhỏ dại, một trai một gái.

Năm năm sau, chị Nhu, vợ ông được đặc xá ra tù phải về tá túc tại một căn phòng trọ ẩm thấp, diện tích chỉ chừng 4 mét vuông của người chị ở đường Nhà Thờ bên Thủ Thiêm để nuôi hai con nhỏ và tích góp thăm chồng. Mãi đến cuối năm 2006, khi ông được ra tù, căn phòng ấy đã trở nên quá chật chội với 4 con người (và cũng nằm trong diện giải tỏa) nên một người bạn của ông đã thương tình cho mượn 100 triệu đồng để hai vợ chồng đi tìm nhà mua. "Vợ tôi nói không thể được, nhưng tôi không tin, cứ nghĩ như hồi xưa, một trăm triệu đồng là lớn lắm, chở bà ấy đi suốt mấy ngày liền, rốt cuộc mới có một căn nhỏ xíu ở Hóc Môn, nhưng nó sát nghĩa địa nên thôi, mang tiền về trả lại"- ông kể.

Hôm lần đầu gặp chúng tôi, ông cũng đã đưa về căn phòng 4 mét vuông bên Thủ Thiêm và cúi rạp người thắp một nén hương cho "ông thần tài đã phù hộ vợ con tôi khỏe mạnh". Và sau những cuộc tìm kiếm "nơi cư trú riêng tư" không thành, một người cháu của ông đã quyết định gom hàng hóa lại để dành một khoảng sinh hoạt cho gia đình ông tại nhà kho ở đường Nguyễn Văn Trỗi, Q.Tân Bình. Ông cũng đã tiếp chúng tôi tại "nơi an cư" mới này và cũng dặn "đừng cho ai biết". Dạo ấy ông vừa học xong lớp chứng khoán và khi nghe chúng tôi gợi lại chuyện xưa, ông có vẻ... rất thuộc bài.

Ông bảo: "Thực ra bản chất của chứng khoán là gì? Là một cái nơi để các đối tượng có đồng vốn nhàn rỗi muốn tìm cách để sinh lợi và một bên đối tác nữa là các nhà doanh nghiệp có nhiều dự án để sinh lợi nhưng lại không có điều kiện về đồng vốn. Thì nó là cái nơi để cho hai bên đó gặp nhau. Bản chất cơ bản của nó là nơi đó người ta sẽ mua bán các công cụ tài chính. Sau khi học chứng khoán xong tôi mới hiểu ra rằng cái ngày xưa mình làm chính là cái này đây. Tại vì giữa hai đối tác không có ai đi đến gõ cửa ai mượn tiền, cho vay gì cả mà đến chỉ mua bán cổ phiếu trái phiếu. Cổ phiếu thì là chứng khoán vốn. Còn trái phiếu là chứng khoán nợ. Thì bây giờ mình học và biết rõ thêm như vậy".

"Anh có mua chứng khoán?" - chúng tôi hỏi, nhưng ông lắc đầu: "Bạn bè có khuyên, nhưng tôi không mua. Có mấy người nhờ tư vấn, tôi cũng không nhận". "Vì sao?". "Tư vấn, nếu có lợi người ta cám ơn mình bình thường thôi nhưng nếu lỗ người ta đổ thừa. Mà trong tình hình bây giờ nó là tình hình nhạy cảm. Phải bám sàn giao dịch thường xuyên thì mới có thể quyết định mua hay bán. Chứ a dua theo người ta ngoài thị trường, ào vô mua, ào vô bán, không khoa học và dễ trắng tay". "Có ai rủ anh hùn mua không?". "Có chứ, nhưng thực ra tôi không có điều kiện, không có tiền".

(Còn tiếp)

Nguồn: https://thanhnien.vn/doi-song/nguyen-van-muoi-hai-lam-lai-cuoc-doi-ky-1-hoc-nghe-chung-khoan-192150.html