Nguyên nhân lệnh bán ồ ạt thổi bay 103.000 tỷ vốn hóa phiên 19/4?

20/04/2022 07:00

Chuyên gia cho rằng thị trường giảm mạnh do tích tụ bởi nhiều nguyên nhân, trong đó trọng yếu từ áp lực dòng tiền.

boc-hoi-hon-9-ty-usd-chung-khoan-viet-nam-lot-nhom-giao-dich-te-nhat-the-gioi1638597563-1650412763.jpg
Ảnh minh họa 

Đề cập tới phiên giảm mạnh ngày 19/4, ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập Công ty Tư vấn quản lý tài sản FIDT bày tỏ sự bất ngờ khi trong phiên sáng thị trường hồi phục nhưng ở cuối phiên chiều đảo chiều “sập” mạnh.

Chỉ ra nguyên nhân, ông Tuấn cho rằng do tích tụ của nhiều nguyên nhân, trong đó thị trường chứng khoán (TTCK) đang ở dung môi tốt cho tin đồn, xuất hiện tin đồn về yếu nhân nên khó gượng lại.

Chuyên gia này cho rằng, yếu nhân tách ra làm hai vế, gồm yếu nhân liên quan vấn đề vận hành, điều hành thị trường thì tốt chứ không có gì xấu nếu thanh lọc được điểm nghẽn điều hành thị trường; nhưng yếu nhân ảnh hưởng tới cấu trúc dòng tiền sẽ tạo áp lực lên tâm lý, diễn ra đà bán tháo như hôm nay.

Nhìn lại diễn biến thị trường những ngày gần đây, VN-Index đã giảm từ vùng 1.530 điểm về quanh 1.400 điểm, tương đương gần 10%. Tuy nhiên nhiều cổ phiếu trong nhóm bất động sản, ngân hàng đã giảm mạnh hơn, tỷ lệ 15-20%, thậm chí có nhóm giảm 50%.

Điểm lại các đợt giảm điểm nhanh, mạnh của thị trường, có thể thấy thị trường đã có đợt điều chỉnh hồi đầu năm 2018, khi Mỹ áp toàn bộ thuế 25% toàn bộ 400 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt tiền tệ; đợt giảm khi xuất hiện dịch COVID từ đầu tháng 2/2020, thị trường giảm từ khoảng 900 về 600 điểm; đợt tháng 1/2021 khi thị trường tăng quá nóng và tháng 7 khi nhóm ngân hàng đạt đỉnh.

“Như vậy, thị trường có 4 đợt giảm điểm trong 5 năm thì đợt này tương đồng với đợt diễn ra sự kiện COVID, hoạt động bán ra thoát khỏi thị trường diễn ra nhanh. Nhưng điểm khác, đợt giảm điểm xuất hiện dịch bệnh thị trường sau đó nhanh chóng hồi lại bởi dịch bệnh được can thiệp bởi y tế, bởi các gói QE. VN-Index từ cuối tháng 4 đầu tháng 5/2020 phục hồi lên 1.500 điểm”, ông Tuấn cho biết.

Năm 2022 khởi đầu màu hồng khi hầu hết các nhận định đồng thuận cho sóng tăng nhưng thị trường “kẹt” bởi giai đoạn tái cấu trúc pháp lý thị trường. Theo chuyên gia FIDT câu chuyện dọn dẹp thị trường từng diễn ra ở các thị trường lâu năm như châu Âu thời điểm sau chiến tranh thế giới thứ hai khoảng thập niên 60, ở Mỹ trước chiến tranh thế giới thứ nhất, ở Thái Lan cuối thập niên 90… Nhưng với Việt Nam là lần đầu tiên.

“Gần 20 năm tham gia thị trường, lần đầu tiên chứng kiến nên không có trường hợp tham chiếu. Trước đây cũng có câu chuyện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng ở giai đoạn 2012, nhưng khi đó TTCK còn nhỏ với vốn hóa hơn 60 tỷ USD, so với hơn 300 tỷ USD khác biệt hoàn toàn. Thị trường đang ở giai đoạn tái cấu trúc, dọn dẹp kẽ hở thao túng thị trường hay cố ý làm trái trái phiếu. Khi bước vào giai đoạn này tâm lý nhà đầu tư hoang mang, ảnh hưởng tới các yếu nhân trên thị trường”, ông Tuấn cho biết.

Theo chuyên gia, vốn hóa thị trường đã giảm khoảng 10%, tương đương 35 tỷ USD, là con số lớn. Và nhà đầu tư phải chấp nhận đó là câu chuyện trên thị trường. Cần nhìn nhận trạng thái thị trường để đưa giải pháp hợp lý trong bối cảnh đầu tư hiện nay, tránh hoang mang.

Cụ thể, trong bối cảnh này, đầu tiên cần nhìn vào tác động lan tỏa của câu chuyện trái phiếu. Theo thống kê, thị trường có khoảng 190.000 tỷ đồng trái phiếu do doanh nghiệp bất động sản phát hành. Nhóm này sẽ đáo hạn trong khoảng 2-3 năm tới, có lô ngắn hạn 1 năm.

“Sau câu chuyện phát hành trái phiếu của Tân Hoàng Minh sẽ thấy, niềm tin vào nhóm trái phiếu bất động sản suy giảm. Khả năng tái tục gia hạn mua lại trái phiếu sẽ suy giảm, sẽ tác động các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Họ bắt buộc phải xoay nguồn vốn khác để bù vào khi nhà đầu tư rút tiền. Doanh nghiệp sẽ bị tắc nguồn tiền, có thể phải xoay kênh ngân hàng, trái phiếu chuyển đổi… Tôi thấy câu chuyện này ảnh hưởng lên cấu trúc dòng tiền hiện tại rất rõ”, nhà sáng lập FIDT đề cập.

Theo chuyên gia, ở góc độ doanh nghiệp, với khó khăn xoay vốn kể trên, thị trường cổ phiếu là kênh có tính thanh khoản nhất nên nếu có thay đổi cấu trúc dòng tiền thì chứng khoán là nơi dễ rút tiền ra để doanh nghiệp bù đắp từ thiếu hụt trái phiếu, khi nhà đầu tư không tái đầu tư trái phiếu. Đây được xem là nguyên nhân trọng yếu ảnh hưởng tới tâm lý trên thị trường.

Ông Tuấn cho rằng, 190.000 tỷ trái phiếu phải được cấu trúc lại. Tuy nhiên, mọi thứ không hẳn là xấu, điển hình vừa qua IFC công bố rót 1.000 tỷ đồng vào bất động sản Nam Long.

Và với doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng doanh nghiệp sẽ có những ứng xử của mình. Chẳng hạn, một doanh nghiệp phát hành 1.300 tỷ cho biết, họ sẽ lên phương án xếp hạng lại để phát hành ra đại chúng, tiến hành PR thông tin nội tại doanh nghiệp.

Theo chuyên gia, việc tái cấu trúc dòng tiền ở mảng trái phiếu khiến các doanh nghiệp bất động sản nhỏ, không đủ năng lực triển khai có thể phải đóng cửa, bán dự án cho ông lớn.

“Giai đoạn này đang là “vàng thau lẫn lộn”, những doanh nghiệp “vàng” thật sẽ có hoạt động tách bạch khỏi “đồng thau” để không bị hiệu ứng dây chuyền”, chuyên gia nhận định.

Ngoài ra, nhìn xa hơn, Chính phủ đang muốn nắn lại dòng tiền, đồng thời nắn lại pháp lý để thị trường phát triển bền vững.

Vị chuyên gia đề cập ba nhóm ngành liên đới về cấu trúc dòng tiền là bất động sản, công ty chứng khoán và ngân hàng. Mặc dù một vài ngân hàng lên tiếng lý giải chỉ là bên quản lý tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán, phát hành, tuy nhiên chuyên gia cho rằng trục liên kết dọc này sẽ diễn ra. Việc tái cấu trúc dòng tiền ảnh hưởng tới cả 3 nhóm này, khi nhóm bất động sản, ngân hàng chiếm tới 65-70% vốn hóa thị trường.

“Có thể hiện nay không tạo nợ xấu ngay vì doanh nghiệp cũng có kỹ năng xoay vốn, tận dụng TTCK để xử lý thiếu hụt khi dòng tiền trái phiếu không tái tục, nhưng ảnh hưởng tâm lý, kỳ vọng lợi nhuận là khá rõ”, lãnh đạo FIDT đánh giá.

Ông Tuấn cho rằng, dòng tiền trên TTCK đang bị suy giảm, tổng margin tăng nhưng thanh khoản không tăng. Thị trường đang đối mặt với giai đoạn tương đối khó khăn, như một cuộc đại phẫu. Nhà đầu tư nên nhìn nhận, có chiến lược phòng thủ tốt. Tuy nhiên vị này cho rằng cũng không thiếu doanh nghiệp tốt.

“Có những doanh nghiệp không có đồng trái phiếu nào, có tiền gửi vài chục nghìn tỷ nhưng vẫn bị giảm. Rõ ràng đây là đặc điểm của thị trường cận biên khi tâm lý dây chuyền. Trong thời gian tới khoảng 3-6 tháng, doanh nghiệp sẽ lên chiến lược IR, PR để tách bạch cho thấy cấu trúc vẫn ổn thì sẽ tạo sự cân bằng thị trường”, ông Tuấn nhận định.

Theo chuyên gia, áp lực từ dòng tiền, tin đồn về yếu nhân ảnh hưởng tới cấu trúc dòng tiền đó là một trong những thứ đè thị trường sập như hiện tại. Vị này cho rằng, kỳ vọng thị trường hồi phục ngay về vùng 1.500 - 1.600 điểm trong giai đoạn này là khó.

“Thị trường khó để nhanh chóng phục hồi. Nhà đầu tư nên chấp nhận câu chuyện thiệt hại hiện tại, nên rà soát danh mục, điều chỉnh kỳ vọng đầu tư, có thể từ 6 tháng lên 1 năm hoặc lâu hơn, giảm bớt margin để tránh bị call. Cân bằng tâm lý bằng suy nghĩ bằng cách năm 2020, 2021 chúng ta kiếm được thì giờ coi như trả lại thị trường, không nên quá hoảng loạn”, chuyên gia chia sẻ.

Theo Huyền Trâm/BizLIVE