Nếu bỏ thuế - phí, xăng còn 20.000 đồng/lít; làm rõ tin 'Malaysia muốn xuất khẩu xăng sang Việt Nam'

04/06/2022 06:18

Theo Bộ Công thương, trong cơ cấu giá xăng hiện nay, các loại thuế, phí chiếm khoảng 30-32%. Như vậy, nếu không có thuế phí thì giá xăng Việt Nam sẽ chỉ còn khoảng 20.000 đồng/lít.

logo-xang-dau-1647748790625995239889-16485512933691371079121-16487970693522094501808-1654298217.jpeg
Bộ Công thương cho hay chưa nhận được thông tin nhập khẩu xăng từ Malaysia với giá rẻ - Ảnh: Q.Đ.

Trước thông tin một số báo nêu về việc giá xăng tại Malaysia chỉ ở mức 13.000 đồng/lít, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) đã cung cấp thêm thông tin, cho hay ​đây là nước sản xuất xăng dầu lớn và xuất khẩu xăng dầu, song nước này không đánh các loại thuế đối với xăng dầu tiêu thụ trong nước.

Chính phủ Malaysia có chính sách trợ giá đối với xăng dầu tiêu thụ trong nước cho người dân. Hiện, Chính phủ Malaysia đang trợ giá 1,65 RM tương đương 0,4 USD cho mỗi lít xăng RON95 và 1,85 RM tương đương 0,45 USD cho mỗi lít dầu diesel.

Còn tại Việt Nam, trong cơ cấu giá xăng hiện nay thì các loại thuế, phí chiếm khoảng 30-32% (tương đương 10.000-11.000 đồng/lít). Như vậy, nếu không có thuế phí thì giá xăng Việt Nam sẽ khoảng 20.000 đồng/lít (tương đương 0,86 USD/lít).

Như vậy, Vụ Thị trường trong nước cho rằng nếu Chính phủ Malaysia không trợ giá và nếu Việt Nam không đánh các loại thuế, phí, giá xăng RON95 của hai quốc gia là tương đương nhau, tại Malaysia hiện sẽ là 0,87 USD/lít, trong khi giá tại Việt Nam nếu bỏ các loại thuế phí là khoảng 0,86 USD/lít.

Tuy nhiên, Bộ Công thương cho rằng chính sách trợ giá của Malaysia chỉ áp dụng cho người bản địa. Ngay cả người nước ngoài tại Malaysia cũng phải mua xăng không được trợ giá nên xăng dầu xuất khẩu của Malaysia cũng được bán theo giá thị trường chung của khu vực.

​Như tại Singapore, nước xuất khẩu xăng dầu lớn tại khu vực châu Á, giá xăng dầu cũng đang ở mức khá cao, giá xăng RON95 của Singapore hiện ở mức 2,315 USD/lít (tương đương khoảng 54.000 đồng/lít).

Liên quan đến thông tin Malaysia muốn xuất khẩu sang Việt Nam khoảng 300.000 lít xăng RON95 như thông tin một số báo chí đưa trước đó, Bộ Công thương khẳng định với tư cách là bộ chuyên ngành quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu xăng dầu và là bộ đối tác của Malaysia nhưng đến nay cũng chưa hề nhận được thông tin này.

Cơ quan quản lý xăng dầu trực thuộc Bộ Công thương cho hay đang đề nghị đại sứ Việt Nam tại Malaysia có thông tin làm rõ thêm về những nội dung đã phát ngôn trên báo chí thời gian vừa qua.

Nếu trong trường hợp nhập được 300.000 lít xăng từ Malaysia, để hỗ trợ cho thị trường trong bối cảnh giá tăng cao, thì lượng xăng này cũng chỉ tương đương khoảng 1% lượng tiêu thụ xăng trong 1 ngày của cả nước, đủ để một cửa hàng xăng dầu ở thành phố lớn bán trong 5 ngày. Theo tính toán, hiện nay nhu cầu tiêu thụ xăng cả nước khoảng 20 triệu lít/ngày.

Trong khi đó, thông tin từ một số đầu mối xăng dầu lớn, giao dịch mua bán xăng dầu đều phải theo giá thế giới. 

Việt Nam thường giao dịch mua bán xăng dầu với Singapore, ngoài ra còn có nguồn hàng ở Thái Lan, Hàn Quốc... Đối với việc mua xăng giá rẻ từ Malaysia khó có thể thực hiện được do Malaysia chỉ áp dụng chính sách trợ giá dành riêng cho người bản địa, nên khó có thể xuất khẩu giá rẻ.

Giá xăng dầu của Malaysia thuộc mức thấp nhất thế giới nhờ chính sách trợ giá nhiên liệu. Chính phủ Malaysia trợ giá xăng RON95 và dầu diesel, trong khi xăng RON97 không được trợ giá.

Trợ cấp nhiên liệu ở Malaysia là trợ cấp bất kể đối tượng, có nghĩa là cả người giàu và người nghèo. Để giữ giá xăng dầu tại đây ổn định bất kể tình hình giá xăng dầu thế giới, Malaysia phải tốn thêm tiền trợ cấp mỗi khi giá xăng dầu tăng - số tiền vốn có thể được đưa vào các dự án kinh tế khác.

Theo một báo cáo nghiên cứu của CGS - CIMB và The Star, ước tính, giá dầu tăng 1 USD/thùng (tương đương 4,18 RM) thì Chính phủ Malaysia sẽ phải chi ra thêm 80 triệu RM (18 triệu USD) tiền trợ cấp nhiên liệu để giữ giá xăng RON95 lần lượt là 2,05 RM (0,47 USD) và 2,15 RM/lít (0,49 USD).

Theo N.An/Tuổi trẻ