Mĩ muốn Trung Quốc biến thành chư hầu về kinh tế, giống như đã cưỡng ép Nhật Bản phải chấp nhận Hiệp ước Plaza năm xưa

09/08/2018 16:18

Bài viết đăng trên tờ Thời báo hoàn cầu hôm 5/8 cho biết "những đòi hỏi vô lý từ phía Mỹ thì chiến tranh thương mại là hành động đe dọa chủ quyền kinh tế Trung Quốc, muốn ép Trung Quốc trở thành chư hầu về kinh tế của Mỹ, giống như năm xưa đã cưỡng ép Nhật Bản chấp thuận Hiệp ước Plaza, cho dù Nhật là đồng minh thân thiết của Mỹ". Đây là 1 trong những thảm họa chính khiến Nhật Bản chìm vào 3 thập kỉ mất mát, làm kinh tế Nhật mãi tới giờ vẫn không thể nào gượng dậy nổi.

Bài viết trên tờ Thời báo hoàn cầu còn mạnh mẽ cho rằng "Washington đã mất trí về vấn đề thương mại". Trong khi Mỹ đang cố gắng nhanh chóng kết thúc các xung đột thương mại, Trung Quốc đang ở trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng cho "Một cuộc chiến kéo dài" và không sợ phải hi sinh các lợi ích kinh tế ngắn hạn, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.

"Washington đã mất trí về vấn đề thương mại", bài báo viết, kèm lưu ý Trung Quốc là "chìa khóa để nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ cũng như người nông dân Mỹ có thể tồn tại".

Tuần trước, căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã leo lên nấc thang mới. Trung Quốc tuyên bố có thể đánh thuế với 60 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ để phản ứng lại với kế hoạch đánh thuế 200 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc của Mỹ. Sau đó Mỹ cũng khẳng định sẽ không lùi bước. Cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng Larry Kudlow nói rằng: "Tôi có thể nghĩ rằng việc áp thuế 60 tỷ USD là một phản ứng yếu ớt so với 200 tỉ USD của chúng tôi". Ông cũng cảnh báo rằng Trung Quốc "tốt hơn nên coi quyết tâm của Tổng thống Trump một cách nghiêm túc."

Một cuộc chiến thương mại sẽ mang lại nỗi đau tạm thời cho Trung Quốc, và sẽ tạo thêm áp lực cho Bắc Kinh trong vòng tranh chấp đầu tiên. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ thể hiện khả năng phục hồi của nó trong thương mại và gắn kết xã hội bền bỉ. Thay vì cảnh báo Trung Quốc, Kudlow nên cảnh báo chính quyền Trump không đánh giá thấp quyết tâm chiến đấu đến cùng của Trung Quốc.

Bài xã luận trên tờ Nhân dân nhật báo viết: "Đối mặt với hành động bắt nạt của chính quyền Donald Trump, Bắc Kinh cần phải hết sức bình tĩnh và không bao giờ được để cảm xúc lấn án lý trí khi quyết định nên phản ứng như thế nào". "Với thị trường khổng lồ, lợi thế về hệ thống cho phép tập trung nguồn lực vào các dự án lớn, tinh thần quật cường chịu đựng gian khó của nhân dân và lòng kiên định theo đuổi các chính sách mở cửa cải cách nền kinh tế, Trung Quốc sẽ sống sót sau cuộc chiến thương mại".

Tờ Thời báo hoàn cầu khẳng định rõ Mỹ muốn buộc Trung Quốc trở thành một nước chư hầu về kinh tế của Mỹ, giống như đã cưỡng ép Nhật Bản đã chấp nhận Hiệp ước Plaza năm xưa. Tuy nhiên Trung Quốc sẽ không lặp lại sai lầm Hiệp ước Plaza của Nhật Bản. Nhật Bản là đồng minh và chịu sự chi phối chặt chẽ của Mĩ nên không thể chống lại, nhưng Trung Quốc không phải chịu sự chi phối từ bên nào nên sẽ không thể rơi vào tình huống như Nhật.

Hồi thập niên 1970, dòng vốn lớn và sự chuyển đổi sản xuất đã biến Hoa Kỳ thành một quốc gia thâm hụt thương mại. Washington bắt đầu chuyển đổ lỗi cho các nước dư thừa. Cuối những năm 1980 hàng hóa Nhật Bản đang thống trị thị trường toàn cầu, kinh tế Nhật đang tăng trưởng mạnh mẽ, đe dọa ngôi vị nền kinh tế số 1 thế giới của Mỹ, thì Mỹ với mục đích bảo vệ cho các nhà xuất khẩu của mình, đã cáo buộc Nhật Bản là cạnh tranh không lành mạnh.

Mỹ sau đó, đã tung ra những trừng phạt thương mại nghiêm khắc, hạn chế việc nhập khẩu hàng hóa của Nhật Bản và đã thành công trong việc ép buộc Nhật Bản phải đồng ý để Yên tăng giá so với đồng USD, qua đó tự làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Nhật đặc biệt là so với hàng hóa Mỹ.

Hiệp định Plaza đã được ký kết vào tháng 9 năm 1985 bởi Mỹ, Anh, Pháp, Tây Đức và Nhật Bản trong một động thái để thu hẹp ngân sách và thâm hụt thương mại của Washington. Trước khi thỏa thuận, Nhật Bản đã trở thành nước thặng dư lớn nhất thế giới và là nước chủ nợ. Các sản phẩm được sản xuất tại Nhật Bản được thấy ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Tuy nhiên, hiệp định ký kết tại New York đã gây tai họa thực sự cho Nhật Bản. Do thiếu thốn tài nguyên nên kinh tế Nhật Bản tăng trưởng phụ thuộc phần lớn vào xuất khẩu. Do đồng Yên tăng giá quá nhanh đã giáng đòn mạnh vào xuất khẩu hàng hóa, làm hàng hóa Nhật trở nên đắt đỏ và kém hấp dẫn, kết quả là trong chưa đầy một năm tăng trưởng kinh tế của đất nước Mặt Trời mọc đã tụt dốc từ 4,4% xuống còn 2,9%.

Thỏa ước này nhằm giúp kinh tế Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1980 cũng như bảo vệ vị thế thương mại quốc tế của hàng hóa xuất khẩu từ Mỹ.

Tuy nhiên, đối với kinh tế Nhật Bản lúc đó – nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu, việc đồng Yên tăng giá mạnh mẽ so với đồng USD và các đồng tiền khác đã khiến các nhà xuất khẩu Nhật Bản thiệt hại nặng nề, kéo theo kinh tế Nhật Bản lao dốc không phanh. Để kích thích nền kinh tế, cứu vãn tình hình, Nhật Bản đã phải nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách cắt giảm lãi suất xuống mức thấp.

Các chính sách kích thích kinh tế có hai mặt: thu hút dòng vốn nước ngoài đổ bộ vào Nhật Bản nhưng lại thôi thúc các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài vì yên vẫn không ngừng tăng giá so với USD. Kinh tế Nhật mất đi động lực tăng trưởng cơ bản, trong khi dòng vốn đầu cơ khiến giá các loại tài sản tăng, tạo ra bong bóng tài sản.

Yếu tố dòng vốn đầu cơ thể hiện ở chỗ sau năm 1985 các quỹ đầu tư Mỹ, đi đầu là Solomon Brother và tiếp đó là hàng loạt các quỹ Phòng hộ - Hedge Fund kéo vào Nhật Bản, đầu tư vào thị trường chứng khoán, bất động sản, trong số những cái tên nổi bật nhất thì có quỹ Quantum của tỷ phú George Soros. Chỉ sau vài năm, ngay trước khi bong bóng nổ vỡ George Soros và quỹ Quantum đã rút chân nhanh chóng khỏi Nhật Bản.

Đến năm 1990, bong bóng đầu tư trên TTCK Nhật Bản nổ vỡ kéo theo cả bong bóng bất động sản nổ vỡ theo vào năm 1992, đã chính thức kéo Nhật Bản bước vào 2 thập kỷ tăng trưởng trì trệ và giảm phát.

Sau các diễn biến như vậy thì lý do hợp lý nhất để giải thích cho việc tại sao Nhật Bản lại vẫn phải luôn duy trì giá trị của đồng Yên bất chấp việc nền kinh tế trì trệ sau hàng thập kỷ đó là vì Nhật Bản sợ Mỹ trả đũa thương mại nếu như họ phá giá đồng Yên.

Ý Nhi/Theo Globaltimes