Loạt cựu lãnh đạo bị bắt, Tây Hồ Housing làm ăn ra sao?

18/02/2022 06:06

Giai đoạn 2015-2020, các chỉ tiêu kinh doanh của Tây Hồ Housing ghi nhận sự trồi sụt, riêng năm 2020, lãi trước thuế chỉ vỏn vẹn ở mức 7,79 tỷ đồng.

khu-do-thi-que-vo

Phối cảnh Dự án Khu đô thị mới Quế Võ - Bắc Ninh. Ảnh Internet

Ngày 14/2, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét chỗ ở với ông Tân Tú Hải (61 tuổi) - nguyên Tổng giám đốc, ông Đặng Quang Tuấn (51 tuổi) - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Phan Việt Anh (46 tuổi) - nguyên Phó Tổng giám đốc, bà Chu Thị Ngọc Ngà (60 tuổi) - Trưởng ban Kiểm soát CTCP Đầu tư phát triển nhà và Xây dựng Tây Hồ (Tây Hồ Housing).

Theo cơ quan điều tra, các bị can bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Dự án Khu đô thị mới Quế Võ - Bắc Ninh do Tây Hồ Housing làm chủ đầu tư.

Dự án Khu đô thị mới Quế Võ rộng 28ha được quy hoạch làm nhà biệt thự, nhà ở xã hội và nhà ở phân lô, trụ sở hành chính, trung tâm thương mại, văn hóa, triển lãm; đất cây xanh, đất giao thông...

Năm 2015, Tây Hồ Housing có văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Ninh và một số đơn vị liên quan xin chuyển nhượng một phần dự án. Tuy nhiên, quy trình bán đất nền tại dự án này bị tố thiếu minh bạch, có dấu hiệu trốn thuế, thu lợi bất chính, làm tổn hại quyền lợi cổ đông và gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, theo đơn tố cáo của nhóm cổ đông sở hữu gần 30% cổ phần tại Tây Hồ Housing, các cá nhân bị bắt tạm giam thông qua các công ty sân sau, bán đất ở dự án này trung bình 10 triệu đồng/m2 nhưng chỉ thông báo với cổ đông 5 triệu đồng/m2, không hoạch toán đầy đủ, gây thất thoát ngân sách Nhà nước. Các cá nhân như ông Tân Tú Hải và bà Chu Thị Ngọc Ngà còn bị tố cáo thao túng, biến Tây Hồ Housing là doanh nghiệp Nhà nước thành “công ty gia đình trị”.

Ngoài ra, trong báo cáo kiểm toán Tổng công ty Xây dựng Hà Nội của Kiểm toán Nhà nước ban hành cuối năm 2020 cũng xác định, Tây Hồ Housing chưa thực hiện nghĩa vụ tiền sử dụng đất đối với 9,9ha đất nhiều năm qua tại chính dự án Khu đô thị mới Quế Võ.

Theo tìm hiểu, Tây Hồ Housing tiền thân là Xí nghiệp Xây dựng 106 được thành lập từ năm 1984. Và được chuyển đổi theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2004. Hiện nay, Tây Hồ Housing là công ty con, do Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) sở hữu 50,09% cổ phần. Ngoài ra, công ty này còn một cổ đông khác đáng chú ý là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank).

OceanBank hiện diện tại Tây Hồ Housing từ trước năm 2015 với tổng giá trị đầu tư gần 4,8 tỷ đồng (tương đương 15% VĐL). Đến đầu năm 2018, ngân hàng này đã bán đấu giá 11% VĐL thuộc Tây Hồ Housing, thông qua hình thức đấu giá công khai tại CTCP chứng khoán Bản Việt (VCSC). 

VCSC sau đó cũng đã thông báo có 1 nhà đầu tư trúng đấu giá lô cổ phần trên với mức giá 12.678 đồng/CP. Sau khi thu về 4,5 tỷ đồng từ thương vụ này, OceanBank giảm tỷ lệ sở hữu tại Tây Hồ Housing xuống 4%.

Screenshot (1487)

Về tình hình hoạt động, giai đoạn 2015-2020, các chỉ tiêu kinh doanh của doanh nghiệp này không ổn định. Nếu như doanh thu thuần của năm 2015 đạt 294 tỷ đồng thì đến năm 2016 chỉ còn 73 tỷ đồng, giảm hơn 75%. Đồng thời, lợi nhuận trước thuế cũng giảm 37% từ 4 tỷ còn gần 3 tỷ đồng. Sang năm 2017 lại ghi nhận sự hồi phục khi doanh thu thuần tăng trưởng gấp đôi so với năm trước lên mức 153 tỷ đồng còn lãi trước thuế là 20,3 tỷ đồng.

Dù vậy, cũng kể từ năm 2017, tình hình kinh doanh của công ty này lại đi xuống, riêng năm 2020 lãi vỏn vẹn 7,79 tỷ đồng. Tuy nhiên, quy mô tài sản của Tây Hồ Housing đã được mở rộng trong năm 2020 và đạt 422 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2019.

Năm 2021, Tây Hồ Housing đề ra kế hoạch doanh thu thuần 106 tỷ đồng, gấp 13 lần so với năm trước đó còn lãi trước thuế 6 tỷ đồng, đồng thời dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 3%.

Theo Nhật Huỳnh/Nhà đầu tư