Lãi suất cho vay tiền mặt của F88 và Thế giới di động quá cao?

19/12/2021 08:13

Việc Thế Giới Di Động hợp tác với chuỗi dịch vụ cầm đồ F88 cho vay tiền mặt hướng tới nhóm khách hàng không tiếp cận được khoản vay của ngân hàng, công ty tài chính và cần khoản tiền cấp bách.

Dự kiến từ ngày 20-12, hệ thống cửa hàng Thế Giới Di Động và chuỗi dịch vụ cầm đồ F88 sẽ chính thức cung cấp dịch vụ cho vay tiền mặt đến khách hàng tại các cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh.

Tổng chi phí vay 7,5%/tháng

Trước mắt, việc hợp tác sẽ được thử nghiệm tại khu vực TP HCM từ tháng 12-2021, sau đó sẽ mở rộng ra toàn hệ thống.

Theo thông cáo của Thế Giới Di Động, đây là bước khởi đầu của doanh nghiệp này trong quá trình thiết lập hệ sinh thái bán lẻ tích hợp tài chính và các dịch vụ giá trị gia tăng khác, sẵn sàng phục vụ mọi nhu cầu khách hàng tại một điểm đến.

Theo thông tin, gói sản phẩm cho vay tiền mặt do F88 cung cấp không yêu cầu người dùng phải phát sinh bất cứ hoạt động mua sắm nào tại Thế Giới Di Động. Dù vậy, người vay phải có chứng minh thư hoặc căn cước công dân và cà vẹt xe đứng tên chính chủ.

Hạn mức vay tối đa cho dịch vụ này là 10 triệu đồng/giao dịch, tiền gốc và chi phí vay được trả đều trong vòng 12 tháng với chi phí vay 7,5%/tháng, phí phạt tất toán sớm trước hạn là 5% nhân số tiền gốc còn lại. Phí phạt quá hạn là 50.000 đồng mỗi ngày và tối đa không quá 150.000 đồng trên 1 kỳ quá hạn.

Ngay sau khi công bố, thông tin này thu hút sự quan tâm của khách hàng. Nhiều ý kiến cho rằng mức lãi suất cho vay như công bố là quá cao, cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng; chi phí vay 7,5%/tháng tính ra một năm lên tới 90%? Đồng thời, phí phạt quá hạn 50.000 đồng/ngày và không quá 150.000 đồng/kỳ quá hạn cũng là cao?...

f881-16398209682551021010454-1639876329.png
Chuỗi dịch vụ cầm đồ F88 có mặt trên thị trường từ năm 2013

Trả lời thắc mắc của bạn đọc, trao đổi với Báo Người Lao Động, đại diện F88 cho biết khách hàng sẽ được cho vay tiền mặt với khoản vay trung bình là 10 triệu đồng trong thời gian 12 tháng, trả dần theo tháng. Tổng chi phí vay bao gồm lãi suất, phí thẩm định tài sản cầm cố, phí thẩm định điều kiện cho vay là 7,5% một tháng, trong đó lãi suất là 1,1% và chi phí vay trả theo dư nợ giảm dần.

Về mức lãi suất cho vay, F88 cho rằng hiện các công ty tài chính cũng đang cung cấp các khoản cho vay tiền mặt với gói trung bình 30-70 triệu đồng, chi phí vay gồm cả lãi suất từ 60-75%/năm. Tuy nhiên, để đủ điều kiện vay tiền mặt của các công ty tài chính không dễ dàng, nhất là những người có thu nhập thấp.

"Đối tượng khách hàng vay tiền mặt trong hợp tác của F88 là những người không đủ điều kiện vay của công ty tài chính hay ngân hàng hoặc đối với khách hàng cần một khoản tiền gấp để phục vụ chi tiêu sinh hoạt gia đình… Trên thực tế, những khách hàng được xem là dưới chuẩn ngân hàng hiện nay có nhu cầu vay nhưng họ gặp phải nhiều khó khăn, thậm chí là rủi ro khi tiếp cận nguồn tài chính" - đại diện F88 giải thích.

Lãi suất quá cao có vi phạm?

Theo tìm hiểu, chuỗi dịch vụ cầm đồ F88 thuộc Công ty CP Kinh doanh F88 là doanh nghiệp hoạt động do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cấp giấy phép, với loại hình dịch vụ cầm đồ. Doanh nghiệp này không hoạt động theo giấy phép của Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng.

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hiện có nhiều công ty tài chính hoặc công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính thành lập theo Luật Doanh nghiệp do sở kế hoạch và đầu tư các địa phương cấp phép – không phải do Ngân hàng Nhà nước cấp phép, với điều kiện cho vay vốn rất hấp dẫn, khiến dư luận tưởng nhầm là các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, phân tích mọi cá nhân và pháp nhân đều có thể được phép đi vay (huy động) và cho vay trong một phạm vi nhất định, mà không cần phải đáp ứng các điều kiện về đầu tư, kinh doanh và cũng không vi phạm điều cấm theo quy định tại khoản 2, Điều 8 về "Quyền hoạt động ngân hàng", Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Có ít nhất 8 nhóm cá nhân và pháp nhân vẫn được phép hoạt động cho vay hợp pháp mà không cần có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước, trong đó có hoạt động cho vay chuyên nghiệp như các tổ chức dịch vụ cầm đồ và quỹ đầu tư, phát triển địa phương. Các app cho vay, các hình thức cho vay ngang hàng cũng không phải là hoạt động cho vay bất hợp pháp nếu như không thực hiện các hoạt động ngân hàng mà không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

Vậy lãi suất cho vay bao nhiêu thì bất thường và bất hợp pháp?

Luật sư Trương Thanh Đức phân tích, mọi trường hợp cho vay bên ngoài hệ thống tổ chức tín dụng, nếu có mức lãi suất vượt quá 20%/năm đều là bất hợp pháp. Khoản 1, Điều 468 về "Lãi suất", Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, lãi suất vay do các bên thỏa thuận, nhưng "không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác". Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá 20% thì "mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực".

Nếu cho vay với mức lãi suất từ 100% trở lên thì sẽ có dấu hiệu phạm vào "Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự", theo quy định tại Điều 201, Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Trường hợp này thì đã thể hiện rõ dấu hiệu của "tín dụng đen".

"Tuy nhiên, người cho vay hiếm khi ghi nhận rõ ràng mức lãi suất thực tế, mà thường ẩn giấu dưới cách thức khác nhau như: giữ lại 1 phần tiền ngay từ khi cho vay, tính lãi nhập gốc, tính các loại phí ngoài lãi, như phí thẩm định khoản vay, phí thẩm định tài sản, phí bảo quản tài sản, lãi suất phạt vi phạm, ghi một con số thấp nhưng thu lãi cao hơn…" – Luật sư Trương Thanh Đức nêu rõ.

Ngoài ra, trường hợp các cá nhân và pháp nhân khác khi cho vay với mức lãi suất từ trên 20% đến dưới 100%/năm, tuy vi phạm điều cấm của luật nhưng lại không bị xử phạt vi phạm hành chính, vì chưa có quy định xử phạt. Chẳng hạn, trường hợp cơ sở cho vay cầm đồ cho vay với mức lãi suất "vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay" thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, nhưng quy định "vượt quá 150% lãi suất cơ bản" đã hết hiệu lực từ năm 2017 theo quy định tại Điều 468 về "Lãi suất", Bộ luật Dân sự năm 2015.

Các chuyên gia tài chính khuyến cáo người dùng khi vay vốn tại các tổ chức, công ty tài chính hoặc các tổ chức cho vay cần tìm hiểu kỹ về quy định, thủ tục, về lãi suất, phí phạt trước hạn hoặc phí phạt quá hạn để tránh vượt quá khả năng trả nợ.

Theo Thái Phương/NLD