Kỳ 8: Năm Cam - người hóa giải ân oán giang hồ Sài Gòn

11/06/2016 14:49

Ngoài việc bảo kê tội phạm, Năm Cam còn đủ uy để đóng vai “người thương thuyết” hóa giải hầu hết những mối ân oán giang hồ Sài Gòn.

Năm Cam và đồng bọn.
Năm Cam và đồng bọn.)

Thu nạp “chiến tướng”

Dưới trướng của Năm Cam, ngoài hàng loạt những tên tuổi có “số má” như Lý “đôi” - tay kỳ bẻo hết sức quan trọng và lợi hại đã tham mưu cho Năm Cam tổ chức lại những sòng bạc di động và lôi kéo con bạc về chơi ở sòng đông nườm nượp.

Gia nhập hàng ngũ tâm phúc của Năm Cam còn có Sáu “nhà”, Thảo “ma”, Ba Mạnh, Thành “đôla”, Thọ “Đại uý” (cháu gọi Năm Cam bằng cậu ruột), Mười “đen”.

Còn phải kể đến những tên giang hồ cộm cán như Luông “điếc”, Thành Chân, kế đến là Tuấn “tăng” gốc Hà Nội, chuyên tổ chức sòng xóc đĩa.

Cuối cùng là Cường “híp”, có đại bản doanh là quán karaoke ôm trên đường Võ Văn Tần, được xem là ghê gớm nhất.

Luông “điếc” được Năm Cam biết tiếng là trung thành và lỳ lợm từ hồi còn làm cai sòng cho Huỳnh Tỳ (một trong 4 gã du đảng nổi tiếng thời Đại Cathay).

Cưu mang gã giang hồ thất thế nhưng có máu liều mạng này, Năm Cam nhẩm tính đến việc dùng Luông “điếc” vào cuộc thanh toán mà theo y, chỉ có Luông mới đủ gan dạ, có nhiều điều lợi.

Để Luông có thể sống một cách tạm gọi là “cơm no bò cưỡi” nhưng không thể trở thành giàu có để luôn lệ thuộc vào mình, Năm Cam cung cấp mọi yêu cầu của tên đàn em “điếc lác” này trong chừng mực còn kiểm soát được.

Luông gá nghĩa với nữ quái Hà “trề” - một người xuất thân từ gia đình tử tế nhưng lại không có chút đàng hoàng nào.

Những đòi hỏi quá quắt của cô vợ xinh xắn, trẻ trung làm Luông ngày càng lún sâu vào vòng kiềm tỏa của Năm Cam.

Một chiến tướng khác của Năm Cam khiến giang hồ từ Nam ra Bắc đều nể phục đó chính là Thành Chân. Thành Chân tên thật là Ngô Chí Thành, gã thích đọc tiểu thuyết “Bỉ vỏ” của nhà văn Nguyên Hồng, rất thích tính cách tên tướng cướp ở bến Bính ngày xưa.

Chính vì thế gã học được cái lẽ quân tử như thời “Lương Sơn Bạc”, đó là không cậy thế hiếp đáp kẻ yếu, người lành mà ngược lại còn sẵn sàng giúp họ khi họ bị kẻ khác hà hiếp, cướp bóc...

Với người thường không có liên quan, họ nghĩ Thành là người lạnh lùng nhưng có tâm. Thành chân có bản lĩnh, khôn ngoan, mọi va chạm đều muốn giải quyết bằng đối thoại, không đạt kết quả khi đó huyết chiến thì Thành luôn là kẻ nắm phần thắng trong tay vì y biết tiên liệu, sắp xếp và đặc biệt là hiểu đối thủ.

Năm Cam lớn lên từ sòng bạc rồi cũng chính sòng bạc đã mang lại cho Năm Cam rất nhiều tiền bạc, thế lực. Những ai đã nhận được đồng tiền của Năm Cam buông ra sẽ phải bị trả giá đắt nếu không trói chặt đời mình vào sự sai khiến của ông ta như một kẻ “ăn cơm chúa phải múa tối ngày”.

Những tên giang hồ đang hành nghề gặp trắc trở, bị truy nã cùng đường đều đến xin “cậu Năm”, che chở. Hàng loạt đám đàn em lân cận của Năm Cam mua nhà lầu, tậu xế hộp.

Đám quái nhập nha bình an vô sự sau hàng loạt vụ “dọn hàng” khu thương xá Chợ Lớn, Bình Tây.

Đám quái cũng tung hoành khắp bến xe lam, xe buýt hay cũng thong dong “đi chợ” từ các khu Chợ Lớn đến chợ nhỏ.

Chỉ riêng đám cướp giật ăn “bay” là đại cấm kỵ, bị Năm Cam sẵn sàng chỉ điểm, cống nạp bọn này cho cảnh sát hình sự.

Toàn bộ đám quái Sài Gòn ai biết phận nấy, phải đều đặn cống nạp hàng tháng cho Năm Cam.

Số tiền này sẽ được Năm Cam dùng vào “chi phí bình an” cho các đàn em. Mánh tình cảm này tạo cho các tên quái cảm giác mình được ông trùm quan tâm nâng đỡ.

Với giang hồ Cầu Muối, nơi phát tích và thành danh hàng loạt anh chị cộm cán, Năm Cam mở rộng quan hệ và hình thành liên kết ngầm với các thế lực khác nhau. Phải kể đến Hiệp “phò mã” - kẻ được được giang hồ phong tặng danh xưng đầy tính mỉa mai bởi gã là con rể của ông trùm Năm Cam, Hiệp đã có lợi rất nhiều do thuở xưa từng là tên đầu đường xó chợ khu Cầu Muối.

Rồi đến Châu Phát Lai Em, thành danh từ vụ “cạch tay đôi” và đâm chết 1 gã giang hồ giỏi võ và số má giang hồ (cháu của Đực “bà Tiều”) nhưng không hề bị kết án. Đây là bí ẩn làm giới giang hồ đâm ra chờn mặt Lai Em. Lai Anh, một tên chỉ nhờ núp theo sự nổi danh của Lai Em mà có thể tha hồ làm mưa làm gió một cõi.

Sau Lai Em, anh em Cu Báo, Cu Tư (còn có tên gọi là Tư “râu”) có thể tổ chức các trường gà một cách thuận lợi vì có các “ông thầy” đứng sau lưng.

Với chiếc thẻ cộng tác viên quân báo do Mười “điệp”, lúc ấy là phó ban phụ trách cấp, Cu Tư nghiễm nhiên đứng ngoài vòng luật pháp, do tính cả nể của các vị giới chức công an với ngành quân báo.

Lai Em còn có sự yểm trợ ra mặt của Thiếu tá Ngọc (còn gọi là Ngọc “sọ não” do bị thương ở đầu trên chiến trường K) - kẻ đã liên kết làm ăn và thọ lãnh của Lai Em quá nhiều đến độ quên cả mình là quân nhân.

Sài Gòn những năm giữa thập kỷ 90 là thời điểm thế lực Năm Càm bành trướng, biến khu Chợ Lớn thành lãnh địa bất khả xâm phạm của băng nhóm do y cầm đầu.

Lúc đó, Sơn “bạch tạng”, gã giang hồ máu mặt nhất đất Bắc do sa cơ lỡ vận đã có thời gian phiêu bạt vào Sài Gòn. Năm Cam tìm hiểu được biết quá khứ của Sơn sinh năm 1962 gốc Hà Nội, dáng người thư sinh, nước da trắng bóc nên biệt danh là “bạch tạng”.

Giang hồ đất Bắc, người ta chỉ biết đến hai đại gia là Khánh “trắng” và Phúc “bồ”, còn tên tuổi của Sơn vẫn chỉ là ẩn số.

Chỉ vì một vụ va chạm nhỏ mà Sơn vác kiếm chém Khánh “trắng” nên bị Công an Hà Nội săn lùng phải vào Nam lánh nạn.

Sống ít lâu dưới sự cưu mang của đàn em, Sơn tỏ ra khó chịu vì tù túng và lệ thuộc. Gã có ý định chinh chiến để giành lấy một số quyền lợi sống cho mình và các đàn em như cách đã từng thực hiện ở Hà Nội. Gã đàn em vội ngăn lại và hiến kế cho Sơn nên nhờ bóng Năm Cam trước mắt.

Năm Cam đưa việc này ra hỏi ý kiến đàn em, Thành Chân gợi ý nên cứu vớt Sơn trong thế kẹt để mua lấy chút ân tình.

Năm Cam tạo điều kiện cho Sơn mở vài sòng bạc để có thu nhập. Gần như quy luật nhưng ít tên giang hồ nào chịu hiểu. Không phải cứ hễ có máu mặt, đâm chém liều mạng, là có thể giàu có bẳng nghề mở sòng bạc.

Muốn thành công trong lĩnh vực kinh doanh này, ngoài lòng đam mê đỏ đen, như ông trùm Năm Cam, cần có nhiều yếu tố khác, mà không ai, từ Đại Cathay đến Sơn “đảo” đã có được.

Đó là sự nhẫn nại, nham hiểm và thậm chí, biết luồn cúi khi cần thiết cũng là một bản lĩnh cần có để trở thành một ông trùm.

Sơn không có đủ các yếu tố bản lĩnh như vậy. Thói quen hào phóng vung tay quá trán của Sơn không cho phép bành trướng qui mô của sòng bạc mà trái lại, số vốn ngày càng teo tóp dần.

Thời gian có lẽ đã xoá mờ dấu tích tội lỗi của Sơn gây ra trên đất chôn nhau cắt rốn, nghĩ vậy gã quyết định đến gặp Năm Cam nói lời từ giã để qui cố hương.

Năm Cam ngỏ ý tiếc và ra vẻ cố cầm giữ Sơn ở lại với mình. “Ở đây có anh, về Hà Nội làm gì!”. Sơn về Bắc, Năm cam vui mừng, mở tiệc cúng heo. Nhưng trong lòng y thầm mừng vì: “Kè kè bên mình một quả lựu đạn, chẳng biết nổ lúc nào, ai chẳng sợ”.

Hóa giải ân oán giang hồ

Ngoài việc bảo kê tội phạm, Năm Cam còn đủ uy để đóng vai “người thương thuyết” hóa giải hầu hết những mối ân oán giang hồ Sài Gòn. Câu chuyện sau đây là ví dụ cho thấy cái uy của ông trùm lớn cỡ nào.

Vũ trường VIP trên đường Nguyễn Văn Chiêm, hàng đêm, dân chơi lắm của nhiều tiền từ các nơi đến tụ tập ca hát, nhảy nhót.

Chủ nhân vũ trường luôn hậu đãi Thành Chân một chai Hennessy X.O miễn phí mỗi khi đến vũ trường.

Trong khi Mười “đen”, một tay chân thân tín khác của Năm Cam lại phải è cổ mua vé nên rất lấy làm đố kỵ Thành Chân.

Gã cho đàn em dò la lên phương án “gỡ bản số giang hồ” của Thành Chân. Nửa đêm, Thành Chân rời vũ trường VIP, nhóm sát thủ liền bám theo.

Đến một đọan đường vắng, nhóm sát thủ chặn Thành Chân, chém vào lưng vào vai để gọi là “cảnh cáo”. Liệu thế chỉ có một mình, Thành Chân mang vết thương đến bệnh viện băng bó và im lặng không nói một lời dù biết chắc ai đứng sau chỉ đạo hạ thủ mình.

Thế nhưng, cánh đàn em Hải Phòng của Thành Chân, đi về thành phố Hoa Phượng đỏ, đã đem nỗi nhục của riêng Thành Chân kể lại cho “giang hồ đất Cảng” biết.

Thành phố Hải Phòng vốn nổi danh là nơi lần lượt mọc lên những tay “chọc trời khuấy nước”, vì vậy khi nghe chuyện kể lại, giang hồ Đất Cảng không dễ chịu nỗi nhục này, quyết tìm kẻ “gỡ số” của “giang hồ đất Cảng” để tính sổ.

Ngồi cùng bàn với Cu Lý (một tay giang hồ khét tiếng Đất Cảng) là 1 tên cùng độ tuổi, vẻ mặt hung ác lầm lì đang “đánh hơi” Mười “đen”. Lúc này một ả đào thân tín của Năm Cam ngồi sà vào lòng Cu Lý vuốt ve mơn trớn.

Cu Lý nhìn qua bạn ngầm hỏi ý, gã bạn lắc đầu, mặt vẫn lạnh như băng. Vốn từng trải kinh nghiệm, ả đào này biết ngay có chuyện không ổn, giả lả mấy câu rồi lui luôn ra ngoài báo tin cho Năm Cam.

Nghe kể lại đầu đuôi, y tái mặt, biết ngay là có chuyện lớn. Năm Cam bảo: “Cu Lý mỗi khi vào Sài Gòn thường đến gặp y để chào xã giao, lần này chúng đến một cách âm thầm, ắt là có vần đề”.

Năm Cam với sự nhạy bén bẩm sinh, đoán ra ngay Cu Lý muốn gì. Suy nghĩ một lúc, Năm Cam gọi điện thoại cho Mười “đen” cau mày gằn giọng ra lệnh cho gã đàn em về nhà nằm thủ thế.

Mười “đen” hốt hoảng biết có chuyện nên hỏi dồn qua điện thoại nhưng Năm Cam không trả lời. Năm Cam bước vào phòng karaoke, cười xã giao.

Thấy ông trùm xã hội đen miền Nam đột ngột xuất hiện, hai gã giang hồ Hải Phòng vội đứng dậy đón tiếp. Năm Cam vờ trách móc: “Hai chú vào chơi sao không nhắn anh một tiếng, lỡ tụi nhỏ có gì thất thố, anh biết ăn nói làm sao với nhau?”.

Đưa mắt nhìn nhau ngầm hội ý, sau phút im lặng, Cu Lý lên tiếng: “Em xin giới thiệu với anh Năm đây là Hùng “tót”, bạn thân của em, bây giờ đang sống ở Anh Quốc về Việt Nam chơi”. “Hân hạnh được biết chú Hùng!”, Năm Cam vừa nói vừa đưa tay ra bắt.

Sau vài ly xã giao, Năm Cam vào đề: “Nghe tụi nhỏ báo lại hình như chú Lý có ý tìm thằng Mười?”.

Đắn đo một lúc, Cu Lý nói toạc: “Nói thật với anh Năm, chuyện của bọn em với thằng Mười “đen”, mong anh đừng xen vào! Danh dự của đất Hải Phòng đâu có thể để cho ai muốn làm gì thì làm! Em nghe mấy đứa em nó bảo thằng Mười này láo lắm”.

Vẫn giữ nét mặt thản nhiên, Năm Cam mềm mỏng đỡ lời: “Ồ có gì đâu chú ngại anh buồn. Giang hồ va chạm nhau là lẽ thường mà!”.

Năm Cam ngồi xuống với lối nói chuyện khôn khéo không khó để moi được hết ruột gan Cu Lý. Năm Cam ôn tồn: “Có lẽ các chú hiểu lầm rồi, thằng Mười cũng là thằng biết điều lắm, nếu không, dễ gì anh nhận nó về làm thằng em”.

Nhận ra nét mặt chuyển biến trên gương mặt của hai tay anh chị Hải Phòng, Năm Cam biết thành công nên tiếp tục ôn tồn hóa giải hận thù rồi từ lúc nào tước luôn khẩu súng của Cu Lý đang trực nhả đạn.

>> Đón đọc chuỗi bài về Năm Cam tại đây: https://thuongtruong24h.vn/tag/nam-cam

Nguồn Pháp luật VN: https://baophapluat.vn/phap-luat/ky-8-nam-cam-nguoi-hoa-giai-an-oan-giang-ho-sai-gon-217222.html

Bạn đang đọc bài viết "Kỳ 8: Năm Cam - người hóa giải ân oán giang hồ Sài Gòn" tại chuyên mục Doanh nhân.