Hé lộ khối tài sản "khủng" của nhà sáng lập Grab

16/08/2021 12:14

Ông Anthony Tan, nhà sáng lập, kiêm CEO của Grab vừa lọt vào Top 50 người giàu nhất Singapore theo bảng xếp hạng mới nhất vừa được Tạp chí Forbes công bố.

Ông Anthony Tan xếp thứ 47 trong danh sách 50 người giàu nhất Singapore năm 2021 với khối tài sản ròng ước tính trị giá 790 triệu USD, Theo Forbes.

Trước đó, vào tháng 7, gia đình của người đồng sáng lập Grab cũng vừa mua một bất động sản sở hữu tự do ở khu Bin Tong Park Good Class Bungalow (GCB) với giá 40 triệu USD (khoảng 680 tỷ đồng).

Người thực hiện giao dịch này là bà Chloe Tong, vợ của ông Anthony Tan. Được biết, căn biệt thực được nói đến xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ trước và vợ chồng ông Anthony Tan nhiều khả năng sẽ thực hiện xây dựng lại.

Bất động sản trên được vợ chồng ông Anthony Tan mua lại của một bác sỹ. Thoả thuận mua bán được thực hiện vài tháng trước song chỉ vừa mới được hoàn thành vào tháng 7 vừa qua. Khu nhà này có diện tích hơn 2.000 mét vuông. Theo Quy định của Singapore, những người mua loại tài sản nói trên phải có quốc tịch Singapore. Ông Tan có quốc tịch Singapore từ năm 2016.

Hé lộ khối tài sản khủng của nhà sáng lập Grab - ảnh 1

Nhà sáng lập, kiêm CEO của Grab - ông Anthony Tan

Hiện ông, CEO của Grab cũng đang nhắm đến việc ký kết một trong những thương vụ SPAC lớn nhất vào cuối năm nay, qua đó nâng mức định giá gã khổng lồ trong lĩnh vực gọi xe và giao đồ có trụ sở tại Singapore lên 40 tỷ USD.

Thương vụ này đến trong bối cảnh Đại dịch COVID-19 đang khiến nhiều thành phố khắp Đông Nam Á phải thực hiện giãn cách xã hội hoặc phong toả. Nó đồng nghĩa với việc nhu cầu gọi xe, mảng kinh doanh chính của Grab, gần như tê liệt. Hồi tháng 12 năm ngoái, đàm phàn sáp nhập giữa Grab và Gojek cũng đổ bể vì hai bên không đạt đến tiếng nói chung.

Dù vậy, ông Anthony Tan không từ bỏ kế hoạch thực hiện IPO cho Grab. Đầu năm nay, một người quen giới thiệu Anthony Tan với nhà đầu tư của thung lũng Silicon Brad Gerstner, người sáng lập Altimeter Capital Management.

Hai người, dù đến từ hai vùng đất khác nhau trên thế giới, có nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều là cựu học viên trường kinh doanh Harvard và cả hai đều từ chối lựa chọn những con đường sự nghiệp dễ dàng hơn để khởi nghiệp với công ty của riêng mình.

Chỉ trong vòng 3 tháng, ông Anthony Tan và ông Brad Gerstner công bố thoả thuận thực hiện IPO thông qua công ty thâu tóm, sáp nhập chuyên dụng (SPAC) lớn hàng đầu thế giới. Thương vụ này đưa định giá của Grab lên gần 40 tỷ USD.

"Một năm trước đó, thế giới của tôi như thể đã kết thúc. Là một doanh nhân, bạn luôn phải trải qua những thăng, trầm điên rồ như vậy", ông Anthony Tan nói với The Straits Times.

Anthony Tan sinh ra trong một gia đình sở hữu doanh nghiệp lớn trong ngành xe hơi, tuy nhiên, ông lại muốn tự mình khởi nghiệp.

Ông có ý tưởng khởi nghiệp với Grab trong thời gian theo học ở đại học kinh doanh Harvard từ năm 2009 đến 2011.

Khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, thấy bản thân cũng như bạn bè gặp khó khăn trong việc đón taxi ở quê nhà, chàng trai này đã nghĩ ra ý tưởng tạo ra ứng dụng chỉ cần một nút bấm trên điện thoại là có thể gọi được xe.

Ý tưởng về Grab (tên gốc là MyTeksi) nảy ra khi ông và một người bạn học tên là Tan Hooi Ling ngồi cạnh nhau trong lớp học MBA. Nếu như các dịch vụ gọi xe như Uber hay Didi Chuxing tập trung vào kết nối cung – cầu giữa hành khách và tài xế, Anthony Tan và Hooi Ling lại nghĩ khác.

Tuy nhiên, để có sự đồng thuận của gia đình và có vốn để bắt tay vào khởi nghiệp với Anthony Tan là không hề đơn giản.

Hiện nay, danh sách cổ đông của Grab gồm nhiều tên tuổi đình đám như Masayoshi Son của SoftBank, Cheng Wei của Didi Chuxing, tuy nhiên startup này không thể có ngày nay nếu không có nhà đầu tư đặc biệt, chính là mẹ của Anthony Tan, bà Khor Swee Wah. Được biết, khi nảy ra ý tưởng sáng lập Grab, ban đầu ông Anthony Tan chia sẻ ý tưởng với cha mình nhưng bị từ chối và bị thúc giục nối nghiệp gia đình. Trong khi đó, mẹ của ông đã muốn hỗ trợ con trai nên đã ủng hộ tài chính và cùng anh đi đến các cuộc họp với nhà đầu tư vào những ngày đầu.

“Khi nảy ra ý tưởng này, tôi đã chia sẻ và giải thích với bố về ứng dụng, nhưng ông ấy coi đây chỉ là một trò tào lao và cho rằng Harvard đã làm hại não của tôi. Thuyết phục bố không được, tôi chuyển sang trình bày với mẹ. Dù không hiểu gì cả nhưng mẹ vẫn ủng hộ, tin tưởng và cho tôi tiền để khởi nghiệp. Tuy nhiên, bà cũng ra điều kiện rằng, tôi hãy thử nghiệm với nó trong vòng 6 tháng, nếu không thành công thì phải quay về với công việc của gia đình”, Anthony Tan bộc bạch.

Sau khi được sự đồng thuận của gia đình, năm 2011, Anthony Tan bỏ công việc kinh doanh của gia đình để cùng Tan Hooi Ling sáng lập ra Grabtaxi. Ở giai đoạn đầu này anh gặp muôn vàn thách thức khi thuyết phục các hãng taxi, rồi đi tới từng nơi hướng dẫn tài xế cài ứng dụng. Khi giới thiệu ứng dụng, hầu hết các tài xế đều cho rằng Tan là một người trẻ điên rồ, còn các hãng taxi thì nói cậu ta chẳng hiểu gì về kinh doanh. Bởi lẽ, nhiều tập đoàn lớn họ bỏ ra hàng triệu USD mà còn chưa đi đến đâu, trong khi ứng dụng này chỉ là thứ vặt vãnh.

Nhờ lòng kiên trì nên lần ra mắt ứng dụng đầu tiên, Grabtaxi đã có 11.000 lượt đặt xe. Đây là một con số ngoài mong đợi trong kế hoạch của vị CEO trẻ tuổi này. Tới nay, Grab đã là startup "kì lân" đầu tiên của Đông Nam Á. Hiện tại, ứng dụng này đang hoạt động tại 8 quốc gia và đa dạng kinh doanh trong các mảng như giao đồ ăn, gọi xe, giao đồ và dịch vụ tài chính.

Về Grab Holdings, công ty mẹ của ứng dụng Grab cho biết trong quý I, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần ở mức 507 triệu USD toàn Đông Nam Á. Doanh nghiệp đang dự kiến IPO ở Mỹ.

Tổng giá trị hàng hóa giao dịch qua nền tảng này (GMV) tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3,6 tỷ USD. Trong đó, giá trị hàng hóa của mảng giao nhận đã tăng tới 49% so với cùng kỳ, do phát huy lợi thế khi nhiều nước Đông Nam Á áp dụng giãn cách xã hội vì dịch Covid-19.

Doanh thu thuần đã điều chỉnh ở mức cao kỷ lục, đạt 507 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thu nhập ròng bao gồm lãi suất, thuế, khấu hao (EBITDA) được điều chỉnh ở mức âm 111 triệu USD, cải thiện hơn 233 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, EBITDA được điều chỉnh theo bộ phận, không bao gồm chi phí doanh nghiệp theo khu vực là 35 triệu USD, tăng 231 triệu USD so với cùng kỳ. Đáng chú ý, lỗ ròng của Grab trong quý I là 652 triệu USD, cải thiện hơn so với 771 triệu USD trong quý I năm 2020.

Theo H.A/Doanh nhân Việt Nam
Bạn đang đọc bài viết "Hé lộ khối tài sản "khủng" của nhà sáng lập Grab" tại chuyên mục Doanh nhân.