Hành trình khởi nghiệp của cậu bé bán kem trở thành doanh nhân ngành vận tải lớn nhất Nghệ An

13/10/2021 16:04

Từ những chuyến xe "chở gió", khi mà nhân viên nhiều hơn khách nhưng Nguyễn Đàm Văn vẫn quyết tâm xây dựng một thương hiệu xe khách Văn Minh đúng nghĩa. Cuối cùng, ông đã xây dựng lên một thương hiệu của riêng mình.

Tuổi thơ cơ cực

Là người con thứ 9 trong một gia đình thuần nông có tới 10 anh chị em tại xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, từ nhỏ Nguyễn Đàm Văn đã chịu nhiều vất vả, khổ cực.

Nhà làm nông, con đông nên khi còn nhỏ, những bữa ăn thiếu cơm là chuyện thường ngày của gia đình. Cũng chính bởi thế mà so với bạn bè cùng trang lứa thời điểm đó Nguyễn Đàm Văn nhỏ thó hơn. Mới 10 tuổi Nguyễn Đàm Văn đội nón theo cha đi khắp cánh đồng này sang cánh đồng khác để nuôi vịt chạy đồng kiếm cơm từng bữa. Nhờ vậy mà trong những năm tháng còn khó khăn chung của cả xã hội ông Nguyễn Bính Thân (bố Nguyễn Đàm Văn) và bà Nguyễn Thị Hoa (mẹ ông Văn) mới nuôi nổi 10 đứa con trưởng thành.

Nhiều năm lúa mất mùa, vịt dịch bệnh chết nhiều cả nhà ông Văn trải qua những ngày tháng cơ cực nhất. Thấy cuộc sống khó khăn, Nguyễn Đàm Văn vay mượn tiền mua xe đạp cộc để đi bán kem, bán thuốc lá dạo khắp mọi đường trên quê lúa và các vùng phụ cận quê để phụ gia đình có thu nhập cải thiện cuộc sống. Tuổi thơ vất vả bươm chải với hàng trăm nghề kiếm sống, có khi cùng chị gái lên tận Lai Châu buôn bán thịt lợn, buôn lúa với dân bản...

Văn Minh đã có 360 lái xe, nhân viên phục vụ cùng hơn 20 phòng bán vé 

Văn Minh đã có 360 lái xe, nhân viên phục vụ cùng hơn 20 phòng bán vé 

Năm 1996, tai họa ập đến với gia đình Nguyễn Đàm Văn. Một trận lũ quét đi qua đã cuốn đất đá đổ ập xuống căn nhà của gia đình anh lúc nửa đêm. Rất may cả nhà đã kịp thoát ra ngoài trong gang tất. Tài sản duy nhất của gia đình đã trôi theo dòng nước lũ, khiến gia đình thêm một lần rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Sau tai họa đó cũng là lúc Văn tốt nghiệp THPT nên anh nghĩ quyết định đi xuất khẩu lao động.

Rồi ông Văn và người em trai Nguyễn Đàm Minh đã cùng theo nhiều thanh niên khác đi lao động tại CHLB Đức. Xuất thân là con nhà nông, lại cần cù chịu khó từ nhỏ, nên hai anh em nhà đã làm tất cả những việc mà bản thân làm. Không những thế , Nguyễn Đàm Văn tích cực học hỏi và trau dồi kiến thức để sau này trở về giúp đỡ cho bản thân, gia đình và quê hương.

Cuộc gặp tình cờ

Sau nhiều năm phiêu dạt nơi xứ người. Năm 2003, hai anh em trở về nước với chút vốn ít ỏi vừa đủ để trang trải một phần cuộc sống. Nhưng ham muốn trở thành một người con có ích cho quê hương luôn cháy bỏng trong con người của Nguyễn Đàm Văn. Tình cờ, trong một chuyến ra Hà Nội, Nguyễn Đàm Văn vô tình gặp một người bạn cũ quen từ khi còn đang lao động tại CHLB Đức tại một quán café. Trong lúc ngồi nói chuyện người bạn phàn nàn hay đi từ Hà Nội vào Nghệ An nhưng không có hàng xe nào ứng xử văn minh, lịch thiệp như hồi còn bên kia. Xe khách nào cũng nhảy xe dù, bến cóc, bắt khách lung tung dọc đường rồi phóng như bay trên đường chật hẹp rất nguy hiểm.

Từ những phàn nàn của người bạn Nguyễn Đàm Văn lóe lên một suy nghĩ về một hãng xe Văn Minh nhằm thay đổi tư duy của người tham gia giao thông. Nghĩ là làm, Nguyễn Đàm Văn quyết tâm vay mượn bạn bè khắp nơi được gần 5 tỷ đồng đi đóng hai xe khách giường nằm sang trọng chạy tuyến Cửa Lò- Vinh- Hà Nội lấy tên là Văn Minh.

Ngay từ những ngày đầu, ông Nguyễn Đàm Văn quán triệt rõ ràng hãng xe Văn Minh thành thương hiệu xe khách đúng nghĩa, phục vụ chu đáo, lái xe an toàn chứ không làm ăn chụp giật như những hãng xe khác. “Từ khi nảy ra ý tưởng cho đến khi bước chân vào thực hiện tôi luôn xây dựng hãng xe Văn Minh của mình tiêu chí an toàn: Xe xuất phát đúng giờ; chạy đúng tuyến; không bắt khách dọc đường; lái xe đúng tốc độ qui định; trên xe có phục vụ khăn lạnh, bánh ngọt, nước uống; thái độ của nhân viên và lái xe phải lịch sự, niềm nở, chu đáo đúng như tên của hãng xe.

Cùng với đó để hành khách luôn cảm thấy vững tâm, vững tin khi bước lên xe khách chứ không còn lo lắng bởi tình trạng chạy đua tranh giành khách, vượt ẩu luôn ám ảnh bởi nỗi lo tai nạn”, ông Nguyễn Đàm Văn cho biết. Nhưng để thay đổi thói quen của hành khách lúc đó thực sự là cả một vấn đề. Người dân vẫn quen tiện đâu bắt xe đó nên các xe dù vẫn đầy ăm ắp khách còn những chiếc xe mới tinh, hiện đại của hàng xe Văn Minh chỉ lèo tèo được dăm bảy người khách.

Lúc đó, nhiều người đã cho rằng Văn là một gã gàn khi đổ hàng tỷ đồng mà chỉ bắt khách đúng bến chứ không bắt khách dọc đường để nhanh thu hồi vốn. Có người cũng khuyên Văn không thể xây dựng thương hiệu xe khách như ý tưởng của anh mà cần bắt khách thật nhiều để sớm thu hồi vốn còn hành khách nghĩ sao kệ họ. Nhưng bỏ qua những góp ý đó, Nguyễn Đàm Văn vẫn quyết tâm xây dựng thương hiệu xe khách như tiêu chí đặt ra lúc đầu của anh. Những ngày đầu khách ít xe vẫn lăn bánh đúng giờ, không bắt khách dọc đường nên mỗi chuyến xe chạy tiền xăng, dầu còn chưa đủ chứ chưa nói đến tiền trả cho nhân viên, lái xe.

Đội ngũ nhân viên phục vụ tận tình chuyên nghiệp

Đội ngũ nhân viên phục vụ tận tình chuyên nghiệp

Vốn không thu hồi được mà còn âm thêm nhưng Nguyễn Đàm Văn tiếp tục vay mượn để trả lương cho nhân viên, lái xe và đổ nhiên liệu cho những chuyến xe “gió” hoạt động. Chính Nguyễn Đàm Văn cũng đã tự tay ra tận các phòng vé để bán vé với niềm tin sẽ có một ngày những “thượng đế” sẽ hiểu cách làm việc văn minh của hãng xe nên hành khách ngày sẽ nhiều. Sau một thời gian hoạt động bằng những chuyến xe với lèo tèo dăm, bảy khách hàng rồi từ người này truyền tai người kia về phong cách phục vụ chuyên nghiệp, uy tín và luôn xem “thượng đế” là trên hết của hãng xe Văn Minh được tỏa ra khắp nơi. Số lượng khách cứ theo đó tăng dần từng ngày và đến năm 2008 hãng xe Văn Minh đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của nhiều hành khách thường xuyên đi lại tuyến Vinh – Hà Nội.

Từ những chuyến xe "gió" ban đầu giờ đây thương hiệu xe khách Văn Minh đã là cái tên quen thuộc của hành khách tuyến Hà Tĩnh - Nghệ An - Hà Nội và từ 2 chiếc xe ban đầu nay Công ty Văn Minh đã có 22 xe với 360 cán bộ, nhân viên phục vụ hành khách. Không chỉ tập trung phát triển mà Nguyễn Đàm Văn còn thường xuyên tổ chức các cuộc thi cho nhân viên, lái xe về cách ứng xử, giao tiếp, phục vụ khách hàng như thế nào cho đúng văn minh, lịch sự… Sau mỗi cuộc thi Nguyễn Đàm Văn luôn có những phần thưởng xứng đáng cho những nhân viên, lái xe đạt được điểm cao trong những cuộc thi. Cũng qua đó Nguyễn Đàm Văn luôn muốn gửi thông điệp tới nhân viên, lái xe là phải làm ăn văn minh, lịch sự như tiêu chí đặt ra khi mới thành lập hãng xe mà đã được hành khách ghi nhận để tin yêu, sử dụng đến bây giờ. Không những vậy khi vào dịp tết các hãng xe thưởng nâng giá lên cao và chèn, nhét khách nhưng hãng xe Văn Minh vẫn giữ giá vé và đặc biệt không bán vé quá số lượng so với số ghế các xe có.

Từ những uy tín đó giờ xe khách của Công ty Văn Minh đã thành một lựa chọn hàng đầu cho những hành khách tại Nghệ An, Hà Tĩnh đi ra Hà Nội và ngược lại. Từ vài chục lái xe và nhân viên ban đầu hiện nay Công ty Văn Minh đã có 360 lái xe, nhân viên phục vụ. Có hơn 20 phòng bán vé tại Nghệ An và Hà Tĩnh cùng với hơn 10 xe trung chuyển trong nội thị TP. Vinh và TP. Hà Tĩnh. Với những đóng góp và uy tín đó Công ty Văn Minh và Nguyễn Đàm Văn cũng đã được trao nhiều giải thưởng danh giá của ngành Giao thông Vận tải.

Ngoài ra, do hiểu được nỗi khổ của các hoàn cảnh khó khăn với tuổi thơ sống trong nghèo đói nên hàng năm Nguyễn Đàm Văn cũng trích ra hàng tỷ đồng để làm từ thiện giúp đỡ các hoàn cảnh và đồng bào vùng khó khăn, biên giới xa xôi.

Theo Đức Thanh/Doanh nhân Việt Nam