Thời điểm Nguyễn Hải Ninh rời Urban Station, nhiều người khá bất ngờ bởi chuỗi cà phê này đang "ăn nên làm ra" với doanh thu lên tới trên 6 triệu USD/năm. Nhưng đến nay, khi The Coffee House đã tiến qua mốc 100, thì Urban Station từ mốc "hoàng kim" hơn 60 cửa hàng đã co cụm chỉ còn 8 sau khi đi quá nhanh bằng nhượng quyền.
Turning point của CEO The Coffee House Nguyễn Hải Ninh: Rời bỏ Urban Station tìm điều "có ý nghĩa"?
Founder kiêm CEO The Coffee House Nguyễn Hải Ninh chia sẻ về turning point (tạm dịch: bước ngoặt cuộc đời) tại một sự kiện về cà phê tổ chức gần đây: "Lần đầu tôi mở cửa hàng cà phê chỉ đơn giản là để kiếm tiền. Vì lúc ấy tôi thích đi cà phê. Tôi tự hỏi nếu không có việc làm người ta sẽ nghĩ đến việc gì? Hầu như giới trẻ Việt Nam sẽ nghĩ mở cà phê. Tôi cũng giống các bạn ấy, thậm chí năm tôi mở cửa hàng cà phê đầu tiên, tôi mới 23 tuổi".
Nhưng khác với phần đông giới trẻ, khi bắt đầu thành công, Nguyễn Hải Ninh không tiếp tục lao vào mục đích kiếm tiền mà có những suy nghĩ nghiêm túc hơn về cuộc đời.
"Turning point là 3 năm sau, khi tôi 26 tuổi, tôi nhận ra việc làm để kiếm tiền không tạo động lực cho mình. Lúc ấy tôi có 1 câu hỏi cần trả lời, rằng cuộc đời tôi sẽ làm gì mới có ý nghĩa".
"Có một buổi tối, tôi nói chuyện với bố tôi, về việc nếu bây giờ tôi bỏ tất cả đi làm lại từ đầu thì bố thấy thế nào? Bố tôi bảo: Cuộc đời bố dành dụm được 2 miếng đất, 1 miếng đất bố đang ở, 1 miếng bố đang xây phòng trọ, mỗi căn cho thuê 1,5 triệu đồng/tháng, 7 căn là được chục triệu. Bố động viên tôi cứ ra ngoài làm, vứt hết tất cả đi, bố sẽ cho khu phòng trọ, 10 triệu là đủ sống rồi. Quan trọng nhất là cuộc đời tôi không có gì phải nuối tiếc nữa".
Mốc turning point của nhà sáng lập The Coffee House ngày ấy là thời điểm anh rời Urban Station - "trạm dừng cà phê" do anh và người bạn thân Đinh Nhật Nam sáng lập nên. Sau khi rời Urban Station, Ninh bắt đầu với The Coffee House, mở ra một chương mới trong cuộc đời, một chương mà ở đó Ninh được thỏa sức làm những gì anh thật sự yêu thích.
Ai còn nhớ Urban Station của đôi bạn thân Nguyễn Hải Ninh và Đinh Nhật Nam?
Nguyễn Hải Ninh (trái) và Đinh Nhật Nam (phải) thời còn hợp tác ở Urban Station
Cùng với Passio và The Coffee Inn, Urban Station từng trở thành một trong những chuỗi cà phê lớn trên thị trường Việt Nam nhờ các món đồ uống đá xay hợp thời. Ra đời năm 2011 bởi hai người bạn thân là Nguyễn Hải Ninh và Đinh Nhật Nam, Urban Station đã trở thành "trạm dừng chân" yêu thích của những người trẻ nơi đô thị sôi động.
Chỉ 1 năm sau, Urban Station phát triển theo mô hình nhượng quyền, số lượng cửa hàng tăng tốc liên tục. Thời kỳ đỉnh cao, Urban Station ghi nhận tới hơn 60 cửa hàng trong hệ thống, doanh thu trên 6 triệu USD/năm, vượt qua mức kỳ vọng 1 triệu USD của những người sáng lập.
Giữa lúc mô hình đang tăng trưởng tốt, Nguyễn Hải Ninh rời vị trí giám đốc điều hành. Anh phát triển The Coffee House nhưng không đi theo hướng nhượng quyền mà tự mình làm mọi việc: từ vận hành, tiếp thị cho đến quản trị. Quyết định của Ninh đã từng gây bất ngờ với nhiều người, nhưng riêng với bản thân anh, ngày ấy cũng như bây giờ, đó là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời: Ra đi để tìm lại chính mình.
"Ngôi nhà cà phê" The Coffee House đã vượt ngưỡng 100, còn "trạm dừng" Urban Station đang ở đâu?
Chia sẻ trong sự kiện nói trên, Nguyễn Hải Ninh cho biết những điều anh yêu thích rất đơn giản. Anh thích mang lại hạnh phúc cho người khác, bao gồm cả khách hàng và nhân viên trong hệ thống.
"Cách mình mang lại hạnh phúc cho người khác là tạo ra những không gian đẹp, nơi mọi người bước vào họ cảm thấy thuộc về nơi này. Rồi làm sao để nhân viên nhớ tên khách hàng, đối xử với khách như bạn bè thân thiết. Để khi khách bước vô nhân viên có thể hỏi: "Hôm nay anh có uống như hôm qua? Hôm nay tụi em có món này mới nè, anh có muốn thử không?", Ninh đã tâm sự như vậy tại một sự kiện tổ chức cách đây 2 năm.
Vì đặt hạnh phúc của người khác cao hơn lợi nhuận nên mới có những câu chuyện như The Coffee House đã từng tăng 20% lương cho khoảng 100 nhân sự khi kinh doanh đang thua lỗ triền miên, hay có trường hợp khách hàng mang voucher hết hạn đến quán nhưng vẫn được khuyến mãi bình thường.
Chính nhờ một phần vào triết lý kinh doanh khác biệt này, The Coffee House đã lọt top những chuỗi cà phê có độ phủ hàng đầu thị trường.
Tính đến thời điểm hiện tại, The Coffee House có hơn 100 "nhà", tập trung chủ yếu ở TPHCM và Hà Nội. Chia sẻ trên the Nikkei, Nguyễn Hải Ninh cho biết anh có ý định mở 700 cửa hàng trên khắp Việt Nam trong 5 năm tới, với trung bình 10 điểm kinh doanh mới ra đời mỗi tháng.
Trong khi The Coffee House tăng trưởng mạnh mẽ thì Urban Station lại có phần "co cụm" hơn rất nhiều so với trước đây. Từ thời hoàng kim với hơn 60 chuỗi cửa hàng, đến nay Urban Station chỉ còn lại 8 cửa hàng, 7 điểm ở TPHCM và 1 cửa hàng tại Vũng Tàu, theo Fanpage của thương hiệu này
Từ giai đoạn 2015 đến nay, Urban Station gần như "biến mất" trên các phương tiện truyền thông. Theo những gì chúng tôi cập nhật, chuỗi đồ uống đá xay ngày nào hiện thuộc sở hữu của ông Võ Anh Tần. Còn Đinh Nhật Nam, một trong hai người sáng lập cũng đã rời Urban Station để theo đuổi con đường riêng của mình trong lĩnh vực làm rượu thủ công.
Hồng Lam
Theo Trí Thức Trẻ