GenZ và tư duy tài chính khác biệt: Trưởng thành hay chỉ biết mạnh chi?

22/09/2018 10:35

Một tài khoản ngân hàng đã quá quen thuộc với thế hệ Millennial, nhưng đó là lần đầu tiên với Generation Z. Trong đó, nhóm tuổi có nhu cầu lớn nhất trong việc mở tài khoản ngân hàng là từ 17 - 20. Đây là mốc tuổi quan trọng hình thành tư duy tài chính và sở thích chi tiêu mà thương hiệu cần hiểu rõ.

Tài chính là chủ đề được phần đông giới trẻ quan tâm, thảo luận - đứng thứ 6 trong tổng các chủ đề thảo luận của 20,000 người dùng GenZ, theo báo cáo “How sophisticated GenZ Eat - Wear - Love and Influence Social Media trends?” mà YouNet Media vừa công bố. Việc nghiên cứu các thảo luận của GenZ về tài chính cho thấy những tư duy mới trong cách sử dụng tiền và nhiều góc nhìn thú vị mà các thương hiệu Tài chính - Ngân hàng cần khám phá.

GenZ phóng khoáng và mạnh chi

GenZ tập trung phần lớn chi tiêu của họ vào mua sắm quần áo (chiếm 53% trên tổng thảo luận thuộc Các nhu cầu thiết yếu) và các hoạt động vui chơi xã hội. Thu nhập của GenZ cũng tăng lên đáng kể so với các thế hệ trước kéo theo đó là sự tăng chi để đáp ứng các nhu cầu cao hơn.

Theo thống kê từ báo cáo “How sophisticated GenZ Eat - Wear - Love and Influence Social Media trends?”, khi thảo luận về Quần áo phong cách thể thao, có hơn 50% nội dung có tên thương hiệu ngoại.

Những “rich kids” GenZ có khao khát cháy bỏng với đồ hiệu, đó là một trong những cách GenZ có thể khẳng định bản thângây ấn tượng với người khác.

Trào lưu khoe “đồng phục giày” rộ lên vào đầu năm học 2018-2019 ở các trường THPT. Nguồn: Group Trường người ta.

58% thảo luận về “tiết kiệm trong ngắn hạn” là để mua sắm. Trong đó, có những điều thuộc “top of mind” mà họ muốn sở hữu có giá trị khá cao so với thu nhập như Vé đi nhạc hội tại Hàn Quốc (34% thảo luận) hay khao khát sở hữu đồ công nghệ (Iphone, máy ảnh,...).

GenZ khao khát được gặp thần tượng và thích những món đồ giá trị.

Từ việc nghiên cứu một số từ khóa nhất định biểu thị sự mong muốn, YouNet Media đã khám phá được những món đồ mà GenZ muốn sở hữu nhất. Với 27% còn lại bao gồm nhiều món đồ khác liên quan đến công nghệ và du lịch.

GenZ phóng khoáng, có thể sẵn sàng mạnh chi để thỏa mãn đam mê và khẳng định bản thân. Bằng việc lắng nghe thảo luận, thương hiệu có thể nắm bắt được những mong muốn thậm chí thói quen mua hàng của GenZ để có những chương trình khuyến mãi phù hợp, cũng như chiến lược marketing hiệu quả.

Mong muốn độc lập về tài chính và khát vọng "kiếm tiền sớm"

Tiền có thể không mua được hạnh phúc nhưng thế hệ trẻ ngày nay đã hình thành cho mình tư duy Kiếm tiền - chủ đề chiếm 66.9% trên tổng thảo luận về Earn - Spend - Save (Kiếm tiền - Tiêu dùng - Tiết kiệm) của GenZ. Hình thành tư tưởng kiếm tiền từ rất sớm, GenZ có thảo luận ngày càng tăng về các nội dung liên quan Khởi nghiệp hay chia sẻ các bài viết về động lực kiếm tiền.

Về những dự định tương lai: Nếu như một Millenial có những dự định liên quan đến sự nghiệp, công việc. Thì ngạc nhiên, hơn 50% GenZ thảo luận về du lịch và du học trong tương lai, theo số liệu từ báo cáo "How GenZ reshape the future of Financial Marketing". GenZ định nghĩa rằng các trải nghiệm chính là hành trang cần có cho tương lai, giúp họ có đủ năng lực để thực hiện những ước mơ lớn.

Mong muốn được đi xa hơn, tầm nhìn và định hướng của GenZ không còn gói gọn trong không gian chật hẹp. Ngân hàng đang đứng trước cơ hội trở thành nhà hoạch định tài chính hoàn hảo nếu như hiểu được những dự định trong tương lai của họ.

GenZ băn khoăn trước ngưỡng cửa cuộc đời

Băn khoăn khi bước sang tuổi trưởng thành là điều không thể tránh khỏi, nhưng GenZ ngày nay chịu nhiều áp lực nhiều hơn và luôn mong tìm sự đồng cảm (524 bài chia sẻ nội dung về các “mốc tuổi”). Nội dung về Tiết kiệm chiếm 27.9% trên tổng thảo luận về ba chủ đề Earn - Spend - Save, nổi bật nhất là bài đăng của Huyen Chip về Kỹ năng quản lý tài chính được số đông các bạn trẻ chia sẻ.

GenZ đang quen dần với việc sử dụng các dịch vụ tài chính để giúp họ tiết kiệm, chi tiêu hay quản lý tiền bạc. Được truyền thông mạnh mẽ, kết hợp với nhiều chương trình ưu đãi, Momo thu hút và chiếm 48.7% thị phần trên tổng số 6,845 thảo luận về các ứng dụng tài chính, Timo chiếm 21.7% và có tỷ lệ thảo luận tích cực cao nhất, app quản lý chi tiêu như Money Lover cũng được GenZ nhắc tới.

Tạm kết

Muốn khẳng định mình theo cách riêng, GenZ sẵn sàng chi mạnh cho những món đồ giá trị. Thương hiệu cần lắng nghe để hiểu rõ sở thích của họ, từ đó, có thể đưa ra những chương trình khuyến mại hay tạo lập chiến lược marketing hiệu quả nhất cho mình.

Ở bất kỳ thế hệ nào, băn khoăn trước ngưỡng cửa cuộc đời là một trạng thái không thể tránh khỏi nhưng GenZ ngày nay là thế hệ digital-native, rất thông thái trong những quyết định của bản thân. Thương hiệu cần khéo léo giúp GenZ tự nhận ra được tiềm lực của chính mình và có định hướng tốt nhất cho tương lai.

 

Vân Trần/Brand Viet nam