Facebook, giải Ngoại hạng Anh và tín đồ bóng đá Việt Nam

07/09/2018 13:51

Vào đầu tháng 7-2018, truyền thông quốc tế công bố Facebook đã chi 200 triệu bảng để đạt được bản quyền phát sóng dạng truyền trực tiếp qua mạng Internet (streaming) 380 trận đấu giải Ngoại hạng Anh cho các mùa bóng từ năm 2019-2022 ở Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.

Ảnh: Internet

Xu thế không thể cưỡng lại

Truyền hình thể thao qua mạng Internet (sports streaming) là một trong những lĩnh vực mà Facebook đang thử nghiệm và cũng là một phần trong một cuộc chiến giữa các nền tảng truyền thông số với các công ty truyền hình trả tiền đã được triển khai từ mấy năm nay. Đó là, những tên tuổi như Netflix, YouTube với phim ảnh, clip ca nhạc, và bây giờ là Facebook và Twitter với thể thao.

Ngày nay, ngày càng ít người xem ti vi mà họ chuyển qua xem nội dung trên máy tính và điện thoại di động. Mỗi buổi sáng đi làm trên phương tiện công cộng ở Anh, tôi thấy không biết bao nhiêu người đang dán mắt vào màn hình di động để theo dõi một bộ phim, đoạn clip hay thậm chí là một buổi bình luận thị trường chứng khoán buổi sáng trên điện thoại di động.

Sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng nội dung giải trí và tin tức tất yếu dẫn đến nhu cầu cần phải chuyển phát các nội dung hấp dẫn nhiều người xem như bóng đá qua các ứng dụng được nhiều người sử dụng như Facebook hay YouTube. Một bạn của tôi làm truyền thông ở Singapore đã dự đoán tình huống này từ lâu, vấn đề chỉ là thời gian để những mạng xã hội phổ biến như Facebook chạm ngõ lĩnh vực thể thao. Trước khi mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh, Facebook đã có kinh nghiệm mua bản quyền giải bóng chày Mỹ Major League Baseball và giải bóng đá Mỹ Major League Soccer.

Và việc Facebook mua được bản quyền truyền hình bóng đá không phải chỉ là sáng kiến riêng từ phía họ. Từ lâu các chiến lược gia quan sát tình hình giải Ngoại hạng Anh đã dự báo công ty quản lý giải ngoại hạng Anh (một công ty tư nhân do các câu lạc bộ thuộc giải ngoại hạng Anh là cổ đông) phải tìm kiếm phương thức kinh doanh mới để tiếp tục gia tăng doanh thu khi mà nguồn thu từ truyền hình trả tiền ngày càng bị đe dọa. Số liệu thống kê cho thấy số người xem bóng đá qua kênh truyền hình trực tiếp Sky (một trong hai đối tác chính sở hữu bản quyền giải ngoại hạng ở Anh đã sụt giảm 14% trong mùa giải 2016-2017).

Vì vậy, nếu giải Ngoại hạng Anh muốn kiếm tiền từ số khán giả xem bóng đá qua điện thoại di động và máy tính, việc bán bản quyền cho những ứng dụng có nhiều người dùng như Facebook chỉ là vấn đề thời gian. Nó là một xu thế giống như Uber hay Grab, không thể cưỡng lại, vì nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng xác định xu thế là như vậy. Nếu bây giờ họ không bán bản quyền cho Facebook thì sau này họ cũng bán bản quyền cho đối tác khác mà thôi.

Cái gì có lợi cho dân thì nên làm

Nếu giải Ngoại hạng Anh muốn kiếm tiền từ số khán giả xem bóng đá qua điện thoại di động và máy tính, việc bán bản quyền cho những ứng dụng có nhiều người dùng như Facebook chỉ là vấn đề thời gian.

Trong thời gian gần đây, đã có một số đề xuất là nên cấm Facebook phát sóng giải Ngoại hạng Anh ở Việt Nam vì vi phạm một số quy định pháp luật (hay đúng hơn là chưa có quy định cụ thể với loại hình dịch vụ này). Một số người viện dẫn thêm vấn đề về Luật Cạnh tranh và cho rằng truyền tải các trận đấu này trên Facebook là không đáp ứng quy định về Việt hóa, biên tập, kiểm duyệt.

Thế nhưng, từ góc nhìn của người viết, không có cái nào trong số các quy định đó mà Facebook không thể vượt qua nếu họ tìm được một đối tác trong nước hội đủ điều kiện về biên tập, biên dịch, Việt hóa, và có kinh nghiệm giải quyết vấn đề kiểm duyệt. Vấn đề chỉ là, hiện tại cần một khung pháp lý cho hoạt động này, được giải thích rõ ràng bởi các cơ quan quản lý để tránh đặt Facebook vào tình trạng vừa làm vừa đối đầu với cơ quan quản lý và cơ quan quản lý thì... đối đầu với hàng triệu dân Việt Nam yêu bóng đá.

Có thể dự đoán, sẽ có một cuộc vận động dư luận giữa nhóm các đơn vị truyền hình vốn đang hưởng lợi từ việc độc quyền giải ngoại hạng Anh và nhóm muốn phát triển các dịch vụ nội dung số qua các nền tảng khác như Facebook. Các đơn vị truyền hình trả tiền cần nhận thấy rằng họ đang ở vào một cuộc chiến dài hạn với các ứng dụng mạng xã hội và nền tảng truyền tải thông tin mới, mà kêu gọi cấm đoán chỉ là một chiến thuật “câu giờ” không đẹp.

Nếu Facebook phát sóng miễn phí mà các công ty truyền hình trả tiền cứ tìm mọi cách vận động Chính phủ cấm đoán thì chính các công ty truyền hình trả tiền đánh mất sự ủng hộ của dân. Ngược lại, nếu Facebook mà thu phí cao, độc quyền không chịu chia sẻ cho ai khiến dân Việt Nam không có bóng đá “rẻ” mà xem thì tự khắc họ sẽ đánh mất hình ảnh công ty và sự hậu thuẫn trong mắt người Việt.

Khi mọi việc còn chưa rõ ràng thì hãy đừng vội tính đến chuyện cấm đoán mà hãy nhanh chóng đưa ra một khung pháp lý rõ ràng và đừng bảo thủ quá để dân không thiệt thòi so với nước bạn là được. Nếu Thái Lan, Lào hay Campuchia cho phép Facebook phát sóng dễ dàng thì người Việt Nam chỉ có bị thiệt thòi nếu chúng ta siết quá chặt. Đây không còn là một cuộc chơi ao nhà để mà có thể áp dụng chính sách bế quan tỏa cảng hay Việt Nam thì phải khác nữa.

Nói đơn giản, Việt Nam đang chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghệ 4.0 thì người làm luật phải tính đến chuyện đó trước. Đừng để một mặt thì kêu gọi 4.0 còn một mặt thì ra luật hạn chế nó.

Trong thời thế ngày nay, chính sách không đủ thoáng để chấp nhận cuộc chơi mới thì đất nước sẽ tụt hậu, và cũng có một nguyên tắc mà những người có trách nhiệm nên quan tâm là cái gì có lợi cho dân thì nên làm.

Theo TBKTSG