Dù là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, người dân Singapore vẫn sống bế tắc trong một xã hội đã qua thời hoàng kim

03/12/2019 11:48

"Nếu may mắn, tốc độ tăng trưởng của chúng ta vẫn có thể trên 0% nhưng đà đi lên đã giảm lại đáng kể", Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngậm ngùi phát biểu vào tháng 10/2019.


"Nếu may mắn, tốc độ tăng trưởng của chúng ta vẫn có thể trên 0% nhưng đà đi lên đã giảm lại đáng kể", Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngậm ngùi phát biểu vào tháng 10/2019.

Singapore nổi tiếng là quốc gia phát triển, môi trường xanh, chất lượng sống cao và thu nhập của người dân được bảo đảm. Những tòa nhà chọc trời, tỷ lệ sở hữu nhà ở hơn 90%, hàng loạt trụ sở của các tập đoàn công nghệ, tài chính, tiêu dùng… được đặt ở Singapore. Đây cũng là nơi có số lượng tỷ phú đông đảo khi là trung tâm tài chính của Châu Á.

Trớ trêu thay, những người dân Singapore lại cảm thấy bế tắc với cuộc sống tại đây. Khảo sát của Viện nghiên cứu chính sách thuộc trường đại học quốc gia Singapore (PSN) cho thấy chỉ có 44% số người có bằng đại học là hy vọng về một tương lai tươi sáng trong 10 năm tới. Nếu xét đến những người chỉ có chứng chỉ hoặc bằng cao đẳng, tỷ lệ này còn giảm xuống đến 40,6%.

Với những người chỉ có bằng cấp 3 thì tỷ lệ hy vọng về tương lai khá thấp, vào khoảng 23,8% tổng số người được khảo sát. Thậm chí, khoảng 10,6% số người trình độ thấp tại đây khẳng định mọi chuyện sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn trong tương lai.

Dù là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, người dân Singapore vẫn sống bế tắc trong một xã hội đã qua thời hoàng kim - Ảnh 1.

Đồng quan điểm, khảo sát của tạp chí "This Week in Asia" cho thấy 4/5 số người được hỏi cảm thấy bi quan khi mức lương dù cao cũng không theo nổi chi phí cuộc sống quá đắt đỏ hiện nay, chưa kể đến tình hình mức lương đã dậm chân tại chỗ nhiều năm nay.

Ông Alroy Ho, một nhân viên giao hàng ăn nhanh tại Singapore cho biết mình có thu nhập khoảng 2.000-3.000 Dollar Singapore/tháng, tương đương 1.462-2.193 USD/tháng tùy thuộc vào số lượng đơn hàng. Tuy nhiên chính phủ Singapore mới cấm việc lưu hành xe điện trên đường phố và ông Ho có thể sẽ phải mua xe máy để có thể tiếp tục công việc của mình. Mọi chuyện đang ngày càng trở nên tồi tệ với gia đình 3 người của ông Ho khi mức thu nhập không chi trả nổi cho giá cả sinh hoạt tại Singapore.

"Tôi thực sự chẳng biết điều gì sẽ diễn ra trong 10 năm tới. Thậm chí nếu bạn hỏi tôi về tương lai 2 năm tới, tôi còn chẳng biết liệu mình có mưu sinh nổi nữa không. Singapore là một quốc gia giàu có nhưng nó lại đang tăng trưởng quá nhanh và không chuyển hết được những lợi ích kinh tế cho toàn bộ người dân trong xã hội. Không phải ai cũng có thể bắt kịp được với sự tăng trưởng đó", ông Ho ngậm ngùi nói.

Với những cử nhân đại học như cô Beatrice B, hiện đang làm cho một tờ tạp chí, áp lực cuộc sống cũng chẳng kém là bao. Hiện cô Beatrice thuê nhà 3.000 Dollar Singapore/tháng (2.193 USD) và phải thanh toán khoản nợ học phí 28.7000 USD cho chính phủ sau 4 năm học đại học.

Mặc dù cô Beatrice muốn hy vọng vào tương lai nhưng chi phí sinh hoạt quá đắt đỏ khiến vị nữ cử nhân này chẳng thể có cái nhìn tích cực hơn.

"Tôi cảm thấy ngột ngạt với xã hội này", cô Beatrice trần tình.

Hiện Beatrice đang phải sống chung với cha mẹ trong căn hộ mình thuê và hàng ngày cầu mong được tăng lương để xứng đáng với công sức làm việc cũng như chi phí cuộc sống.

Một trường hợp tuyệt vọng hơn là cô Nur Ain Hamid, người đã từng được đào tạo tại Viện giáo dục công nghệ Singapore (ITE) nhưng chưa có việc làm. Cô Hamid là mẹ của 4 đứa trẻ trong khi chồng cô là kỹ sư. Cả gia đình hiện đang phải sống cùng anh chị ruột của Hamid, vốn là những người bị khuyết tật cần chăm sóc. Đại gia đình này hàng tháng dựa vào tiền lương của chồng Hamid cùng khoản trợ cấp khuyết tật 1.050 Dollar Singapore/tháng của anh chị Hamid.

Dù là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, người dân Singapore vẫn sống bế tắc trong một xã hội đã qua thời hoàng kim - Ảnh 2.

Giáo sư Irene Ng của trường đại học quốc gia Singapore (NUS) cho biết sự bão hòa của nền kinh tế là nguyên nhân khiến những thách thức tiềm ẩn trong xã hội bộc phát. Khi sự bùng nổ của nền kinh tế chậm lại, những rủi ro tiềm ẩn của chính sách phổ cập nhà ở cũng như giáo dục ngày càng bộc lộ rõ trong nền kinh tế Singapore.

Việc thúc đẩy tỷ lệ sở hữu nhà khiến giá bất động sản tăng cao, làm những thế hệ trẻ sau này cảm thấy khó khăn hơn khi muốn sở hữu nhà ở. Đó là chưa kể đến những ngôi nhà được mua bằng tiền vay thế chấp. Ngoài ra, áp lực phải có bằng cấp để xin việc khiến tỷ lệ học sinh nợ học phí ngày một nhiều, trong khi tiền lương thì không đủ trả cho các chi phí sinh hoạt đắt đỏ tại đây.

Qua rồi thời hoàng kim

Trong khoảng 1965-1973, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế bình quân tại Singapore là 12,7%. Giai đoạn 1973-1979 là 8,7% nhưng đến những năm gần đây, con số này giảm xuống chỉ còn 3%. Thậm chí năm 2019, ảnh hưởng của chiến tranh thương mại khiến tốc độ tăng trưởng của quốc đảo sư tử được dự đoán chưa đến 1%.

"Nếu may mắn, tốc độ tăng trưởng của chúng ta vẫn có thể trên 0% nhưng đà đi lên đã giảm lại đáng kể", Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngậm ngùi phát biểu vào tháng 10/2019.

Với những người già như cha của anh Tan Teng Nging, Singapore đã trải qua quãng thời gian bùng nổ thần kỳ. Từ một người nông dân làng quê những năm 1970 không có nổi một đôi giày tử tế để đi, cha của anh Tan đã thi được vào đại học và kiếm được căn hộ 5 phòng cho cả gia đình vào giữa thập niên 1970.

"Ngày ngày, cha mẹ tôi đều nói rằng thế hệ chúng tôi sẽ chẳng bao giờ trải nghiệm được cảm giác giàu lên nhanh chóng như họ đã từng trải qua", anh Tan nói.

Dù là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, người dân Singapore vẫn sống bế tắc trong một xã hội đã qua thời hoàng kim - Ảnh 3.

Trong khi đó, chuyên gia xã hội học Tan Ern Ser cho biết rất nhiều người Singapore đã giàu lên trong thập niên 1970-1980 nhưng ngày nay mọi chuyện đã khác. Tấm bằng đại học ngày càng mất giá trị trong khi nền kinh tế gặp rất nhiều bất ổn.

Phó thủ tướng Singapore Tharman Shanmugaratnam cho biết tình hình hiện nay đang ngày càng phức tạp khi Singapore không còn đạt được những thành công vang dội như trước đây. Khi động lực thúc đẩy sự bùng nổ của Singapore trước đây biến mất, mọi vấn đề xã hội từ bất bình đẳng thu nhập cho đến khó khăn của cuộc sống bắt đầu bộc lộ ra và ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

Kể từ tháng 5/2018, Singapore đã đặt vấn đề giải quyết bất bình đẳng xã hội lên ưu tiên hàng đầu. Hàng loạt những chính sách hỗ trợ người nghèo hoặc khó khăn được ban hành. Ví dụ như chương trình KidSTART giúp đỡ những trẻ em gia đình nghèo, từ cung cấp thực phẩm dinh dưỡng cho đến hướng dẫn phụ huynh cách giáo dục, tương tác với con trẻ.

Trong những năm tới, Singapore cũng sẽ tăng gấp đôi khoản đầu tư 1 tỷ Dollar Sing hàng năm cho chương trình giáo dục trẻ nhỏ nhằm hỗ trợ tầng lớp nghèo, đồng thời có các động thái kiểm soát giá nhà ở xã hội.

Dẫu vậy, hiệu quả của những chính sách này vẫn cần thời gian kiểm chứng. Tháng 10/2019, Bộ tài chính Singapore đã công bố một báo cáo xã hội cho thấy những người trên 40 tuổi tại đây có học thức hơn, dễ tìm việc hơn, kiếm nhiều tiền hơn, sống giàu có và hạnh phúc hơn so với lớp trẻ. Đây là một tín hiệu chẳng vui vẻ gì cho những công dân Singapore đã bỏ lỡ những năm tháng tăng trưởng thần kỳ của thập niên 1970.


AB

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Links: http://nhipsongkinhte.ttvn.vn/thoi-su/du-la-nen-kinh-te-lon-nhat-dong-nam-a-nguoi-dan-singapore-van-song-be-tac-trong-mot-xa-hoi-da-qua-thoi-hoang-kim-52019212154452357.htm