Dự án Làng Đại học khủng nhất miền Trung đã 21 tuổi đời trên 'giấy' !

27/08/2018 10:39

Dự án giáo dục khủng nhất miền Trung đến nay đã 21 tuổi đời trên 'giấy', dù được tái khởi động từ đầu năm 2017 nhưng vẫn dậm chân tại chỗ.

Dự án giáo dục khủng nhất miền Trung đến nay đã 21 tuổi đời trên 'giấy', dù được tái khởi động từ đầu năm 2017 nhưng vẫn dậm chân tại chỗ.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc với Đại học Đà Nẵng chiều 24/8, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã chỉ đạo UBND thành phố phối hợp với nhà trường và các ban ngành liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ dự án Làng Đại học Đà Nẵng, rà soát, báo cáo Thành ủy trước ngày 31/8.

Ông Nghĩa bày tỏ sự thất vọng khi mà dự án đã được phê duyệt hơn 20 năm vẫn không thể triển khai bởi các vướng mắc về quy hoạch, giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa… “Dự án liệu có đến đích được hay không? Nhà trường cần phải thẳng thắn về vấn đề này để bàn bạc tìm ra giải pháp, cùng thực hiện. Nếu tiếp tục ì ạch không thể triển khai, có thể phải nhường dự án làng Đại học cho các trường khác”, ông Nghĩa nói.

Theo báo cáo của PGS, TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, dự án có tổng mức đầu tư đề xuất hơn 8.600 tỷ đồng. Riêng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, xây dựng trung tâm điều hành giai đoạn 2018-2020 là 3.725 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, bước đầu tiên là giải phóng mặt bằng vẫn chưa thực hiện được dẫn đến dự án tiếp tục chậm triển khai. Nguyên nhân là bởi nguồn vốn quá lớn vượt khả năng của ĐH Đà Nẵng, thủ tục đầu tư quá phức tạp. Dự án nằm trên địa phận Quảng Nam và Đà Nẵng, hai địa phương chưa thống nhất được mức giá đền bù cho người dân. Thêm vào đó, 30/190ha thuộc địa phận Quảng Nam có mật độ dân cư cao, nhiều nghĩa trang lớn, hai bên đã bàn bạc giữ nguyên trạng phần đất này, đổi lấy phần đất khác để thực hiện dự án nên mất nhiều thời gian thẩm định lại quy hoạch.

Theo Giám đốc ĐH Đà Nẵng PGS, TS Nguyễn Ngọc Vũ, nhà trường đã lập Ban chuẩn bị dự án, nhưng cán bộ còn thiếu kinh nghiệm.

Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, dự án đến nay vẫn chưa được Bộ Xây dựng phê duyệt quy hoạch là bởi nhà trường đơn phương trình thủ tục mà không thông qua thành phố nên đã bị trả lại. “Đề nghị nhà trường thay đổi phương thức hợp tác, thường xuyên trao đổi với các cơ quan liên quan, chủ trì triển khai xây dựng kế hoạch tổng thể đến khi khởi công công trình. Để đẩy nhanh tiến độ, chúng ta phải làm cuốn chiếu, tức là giải phóng mặt bằng đến đâu, xây dựng đến đấy. Chậm một năm nữa, chúng ta sẽ lỡ mất cơ hội nguồn vốn Chính phủ đã ưu ái”, ông Dũng bày tỏ quan điểm.

Đại diện Sở Tài nguyên Môi trường TP. Đà Nẵng có mặt tại buổi làm việc cũng cho biết, giá trị đền bù là vấn đề nhạy cảm, nhất là ở khu vực giáp ranh hai tỉnh. Nếu bây giờ giải tỏa trắng 500 hộ dân trên 71ha ở Đà Nẵng sẽ tốn khoảng 1.100 tỷ đồng, càng để lâu, giá trị này càng tăng lên. Vị này cũng khẳng định sẽ giải tỏa đúng kế hoạch, nhưng ngặt một nỗi Bộ Xây dựng chưa phê chuẩn quy hoạch nên cụ thể là bao giờ thì còn phải chờ!?

Kết luận vấn đề, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh: “Ban Giám đốc Đại học Đà Nẵng cần chủ động phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường thành phố rút kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án. Yêu cầu các đồng chí rà soát các đầu việc, dự kiến tiến độ, phân công trách nhiệm rõ ràng báo cáo Thành ủy”.

Sau khi hoàn thành dự án Làng Đại học Đà Nẵng, các trường thành viên gồm Bách khoa, Kinh tế, Sư phạm, Sư phạm kỹ thuật, Ngoại ngữ, cao đẳng Công nghệ thông tin... sẽ tập trung về một mối.

Dự án Làng Đại học Ðà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 12/1997, có tổng kinh phí đầu tư dự kiến là 1.700 tỉ đồng (thời điểm năm 1997), với diện tích sử dụng đất là 300ha. Trong đó 110ha thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Ðà Nẵng (nay chỉ còn 71ha) và 190ha nằm trên địa bàn xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Đến tháng 2/2017, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo xúc tiến tái khởi động dự án, chấm dứt quy hoạch treo 20 năm của làng đại học Đà Nẵng. Kinh phí được trích từ nguồn vốn vay ODA 300 triệu USD của Ngân hàng Thế giới.

Dự án đình trệ 20 năm cũng là ngần ấy thời gian người dân Hòa Quý – Điện Ngọc khốn đốn. Hàng ngàn hộ gia đình phải sống trong cảnh đi không được, ở chẳng xong khi không thể giao dịch đất đai, không được xây mới, sửa chữa nhà cửa cũ nát vì đất đã nằm trong quy hoạch. Vấn đề này bà con đã phản ánh nhiều lần lên các cấp chính quyền nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi thỏa đáng.

Anh Thư

Theo BVPL