Dòng tiền sẽ sớm dịch chuyển từ cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ sang cổ phiếu vốn hóa lớn?

07/03/2022 07:04

VCSC dự báo trong phiên giao dịch đầu tuần, các chỉ số đại diện nhóm vốn hóa vừa và nhỏ có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh do lực bán chốt lời được thúc đẩy bởi các kháng cự ngắn hạn gia tăng. Ở chiều ngược lại, lực mua tại nhóm cổ phiếu dẫn dắt có thể mạnh lên khi mà VN30-Index kiểm định lại kháng cự tại vùng 1.530 điểm và VN-Index kiểm định kháng cự tại 1.515 điểm.

Dòng tiền sẽ sớm dịch chuyển từ cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ sang cổ phiếu vốn hóa lớn?

Dòng tiền sẽ sớm dịch chuyển từ cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ sang cổ phiếu vốn hóa lớn?

Chỉ số VN-Index giằng co với biên độ hẹp quanh tham chiếu trước khi đóng cửa phiên cuối tuần qua tại 1.505,3 điểm, gần như không đổi so với phiên trước. GAS, SAB, VCB, PLX cản trở đà hồi phục của thị trường, trong khi ở chiều ngược lại VPB, MSN, VRE, ACB, BID… nỗ lực nâng đỡ chỉ số.

Nhóm VN30 phân hóa khiến chỉ số tăng nhẹ 0,19%, đạt 1.525,34 điểm. Trong khi đó, chỉ số VNMID-Index tăng 0,28% còn chỉ số VNSML-Index tăng 0,98%, cho thấy sự ưu tiên của dòng tiền dành cho nhóm vốn hóa nhỏ.

Nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công trở thành điểm nhấn của thị trường nhờ thông tin về khả năng triển khai gói đầu tư công (theo chương trình hồi phục kinh tế) kể từ tháng 4/2022. Nhóm Xây dựng hạ tầng tăng mạnh, kéo theo sự lan tỏa sang nhóm Bất động sản, Xây dựng dân dụng... Trong đó, C4G tăng 8,4%, DPG tăng trần, LCG tăng 5%…

Trong khi đó trạng thái phân hóa cũng quay trở lại đối với các lĩnh vực được kỳ vọng hưởng lợi từ căng thẳng Nga – Ukraine, bao gồm Phân bón hay Thép - Tôn mạ…

Khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 873,3 triệu đơn vị, mặc dù thu hẹp so với 2 phiên gần nhất nhưng quy mô vẫn cao hơn bình quân 20 phiên. Khối ngoại mua ròng hơn 475 tỷ đồng trên HoSE, chủ yếu nhờ giao dịch cục bộ tại VPB (mua ròng 891 tỷ đồng).

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán SSI, chỉ số VN-Index vẫn trong xu thế đi ngang khi một lần nữa lùi lại từ vùng kháng cự 1.512 điểm. "Chỉ số VN-Index cần phải vượt qua vùng này với khối lượng giao dịch duy trì trên đường trung bình 50 ngày để củng cố cho khả năng tiếp tục đi lên vùng kháng cự tiếp theo nằm tại 1.537 điểm", chuyên gia của SSI nêu góc nhìn.

Cũng trên quan điểm phân tích kỹ thuật, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo trong phiên giao dịch đầu tuần, các chỉ số đại diện nhóm vốn hóa vừa và nhỏ có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh do lực bán chốt lời được thúc đẩy bởi các kháng cự ngắn hạn gia tăng. Ở chiều ngược lại, lực mua tại nhóm cổ phiếu dẫn dắt có thể mạnh lên khi mà VN30-Index kiểm định lại kháng cự MA20 ngày tại vùng 1.530 điểm và VN-Index kiểm định kháng cự tại 1.515 điểm.

"Nếu VN-Index có thể đóng cửa trên mốc 1.515 điểm, chỉ số có thể sẽ có xu hướng tăng về phía cuối tuần để hướng lên các kháng cự 1.530-1.535 điểm và cao hơn là 1.560-1.565 điểm. Ngược lại, nếu không thể vượt qua mốc 1.515 điểm sau một vài phiên giao dịch, VN-Index có thể sẽ giảm trở lại để kiểm định các hỗ trợ tại 1.490 điểm (MA50) và quan trọng hơn là 1.470 điểm (MA100)", chuyên gia của VCSC cho hay.

Còn theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), dù VN-Index đã chính thức vượt khỏi mốc 1.500 điểm, tuy nhiên chủ yếu nhờ lực kéo của các cổ phiếu vốn hóa lớn và đà tăng chưa có sự lan tỏa đồng đều trên toàn thị trường. Theo đó, VCBS tiếp tục kỳ vọng VN-Index sẽ dao động tích lũy trong vùng 1.480-1.510 điểm trong một vài tuần tới và có thể kèm theo đó là xu hướng tăng/giảm phân hóa rõ nét hơn trong nhóm vốn hóa lớn.

"Do vậy, nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội "lướt sóng" ở các cổ phiếu đang bước vào nhịp tăng nóng trong tuần vừa qua thuộc các nhóm ngành được hưởng lợi từ căng thẳng Nga - Ukraine. Trong khi đó, nhà đầu tư dài hạn vẫn có thể tận dụng giai đoạn lình xình trên thị trường ở thời điểm hiện tại tích lũy thêm các cổ phiếu mục tiêu, nhưng nên hạn chế gia tăng margin và giữ lại một phần sức mua để sẵn sàng giải ngân theo chiều lên nếu thị trường xuất hiện tín hiệu bứt phá", chuyên gia của VCBS khuyến nghị.

Theo Thanh Long/VietnamFinance