Doanh nhân Nguyễn Cao Trí - Nhân tố hồi sinh 'siêu dự án' Nam Đà Lạt 25.000 tỷ đồng?

09/07/2021 12:45

Sự hiện diện của ông Trí đặt ra câu hỏi rằng liệu đây có phải là nhân tố mới làm thay đổi "số phận" của dự án khu đô thị Nam Đà Lạt hay không? Viễn cảnh này hoàn toàn có thể xảy ra, khi ông Trí là một đại gia địa ốc với nguồn lực tài chính lớn mạnh, nổi bật với hệ sinh thái Capella Holdings hoạt động đa ngành trên nhiều lĩnh vực, từ bất động sản, nhà hàng cho đến giáo dục.

z2603046133018-6156eb048d7d271835f035e96ab6d2f6-1625809451.jpg

Doanh nhân Nguyễn Cao Trí: Nhân tố hồi sinh 'siêu dự án' Nam Đà Lạt 25.000 tỷ đồng

Bước ngoặt tại "siêu dự án"

Ngày 8/7/2021 vừa qua, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh đã ký văn bản thông báo sửa đổi một số nội dung Kết luận thanh tra số 929/KL-TTCP ngày 12/6/2020 của Thanh tra Chính phủ về việc quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Một trong những nội dung đáng chú ý, đó là Thanh tra Chính phủ đã điều chỉnh lại yêu cầu chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với dự án xây dựng khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng, sinh thái Đại Ninh (khu đô thị Nam Đà Lạt) tại huyện Đức Trọng, do Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Sài Gòn - Đại Ninh (Sài Gòn - Đại Ninh) làm chủ đầu tư.

Thay vào đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng căn cứ thẩm quyền, hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện thủ tục giãn tiến độ, điều chỉnh dự án theo luật Đầu tư năm 2014, gia hạn sử dụng đất theo luật Đất đai năm 2013, yêu cầu hoàn thành dự án theo đúng cam kết; khẩn trương triển khai đầu tư theo quy mô đã được phê duyệt.

Trường hợp Sài Gòn - Đại Ninh vi phạm cam kết hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính thì cơ quan chức năng chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi đất theo quy định.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng rà soát, kiểm tra lại tính pháp lý của Quyết định số 2020/QĐ-UBND ngày 9/10/2018 để quyết định thu tiền sử dụng đất theo thẩm quyền; chỉ đạo và soát, yêu cầu doanh nghiệp nộp thuế chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng dự án (nếu có) theo quy định.

Trước đó, hồi tháng 7/2020, Thanh tra Chính phủ đã công bố Kết luận thanh tra số 929/KL-TTCP với nội dung yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với 3 dự án có vi phạm về pháp luật đất đai và đầu tư, trong đó có dự án khu đô thị Nam Đà Lạt.

Tuy nhiên, sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, Sài Gòn - Đại Ninh đã có văn bản kiến nghị lên nhiều cơ quan chức năng xem xét lại việc thu hồi dự án.

Nói thêm về dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt, đây là dự án đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Sài Gòn - Đại Ninh vào ngày 30/12/2020.

Dự án có tổng diện tích đất quy hoạch lên đến hơn 3.595 ha (trong đó diện tích thuê rừng trên 1.050 ha) với tổng vốn đầu tư hơn 25.240 tỷ đồng. Dự án có 6 phân khu chức năng, khi hoàn thành có quy mô dân số lưu trú thường xuyên khoảng 19.734 người.

Dự án có tiến độ thực hiện từ năm 2010 đến 2018, tuy nhiên đến nay sau hơn 10 năm triển khai, chủ đầu tư mới chỉ thực hiện được một số hạng mục cơ bản.

Theo Báo cáo 489/BC-KHĐT của Sở Kế hoạch Đầu tư ngày 25/11/2020, dự án gần 3.600 ha lúc bấy giờ mới xây dựng 1 hội trường, 15 nhà làm việc và nghỉ dưỡng của chuyên gia, san gạt một số đường giao thông (đường đất) và một số đoạn đường rải đá cấp phối...

Trong khi dó, các hạng mục chính vẫn chưa được thực hiện, như khu dân cư trú đông, khu biệt thự mùa hè, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu đô thị trung tâm, khu công viên cây xanh, thể dục thể thao, vườn hoa, khu cổng mặt trời...

Đáng chú ý, không chỉ chậm tiến độ, dự án còn gây thiệt hại tài nguyên rừng khi để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, vi phạm Luật Lâm nghiệp...

Nhân tố mới

Trước thời điểm Thanh tra Chính phủ rút lại yêu cầu thu hồi dự án khu đô thị Nam Đà Lạt như đã đề cập phía trên, cơ cấu giới chủ của Sài Gòn - Đại Ninh đã được bày biện lại.

Xuyên suốt cả thập kỷ, chủ tịch HĐQT và cũng là cổ đông lớn nhất nắm giữ 88,5% vốn, tương ứng 1.770 tỷ đồng tại Sài Gòn - Đại Ninh là bà Phan Thị Hoa (sinh năm 1958). Mặc dù không phải cổ đông sáng lập doanh nghiệp, tuy nhiên nữ doanh nhân lại đang nắm trong tay 92% cổ phần của Công ty TNHH Xây dựng kinh doanh nhà ở Phương Nam, một trong những cổ đông sáng lập của Sài Gòn - Đại Ninh.

Bà Hoa là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp cho đến cuối tháng 1/2021 vừa qua, vai trò này đã được chuyển giao cho ông Nguyễn Cao Trí (1970), đang là tổng giám đốc.

Sự hiện diện của ông Trí đặt ra câu hỏi rằng liệu đây có phải là nhân tố mới làm thay đổi "số phận" của dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt hay không? Viễn cảnh này hoàn toàn có thể xảy ra, khi ông Trí là một đại gia địa ốc với nguồn lực tài chính lớn mạnh, nổi bật với hệ sinh thái Capella Holdings hoạt động đa ngành trên nhiều lĩnh vực, từ bất động sản, nhà hàng cho đến giáo dục.

Capella Holdings tiền thân là Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Bến Thành (Bến Thành Land) - đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Bến Thành. Doanh nghiệp chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Capella từ năm 2015, sau thời điểm Tập đoàn Bến Thành hoàn tất thương vụ thoái vốn.

Đến nay, ngoài Capella Holdings, ông Trí còn đứng tên tại một số pháp nhân khác như Công ty Cổ phần Thái Bình Dương Đà Lạt, Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ ô tô Bến Thành, Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Bến Thành, Công ty TNHH US Talent International – Uti, Công ty Cổ phần Salla, Công ty Cổ phần Dịch vụ và Nhân lực Quốc tế Văn Lang, Công ty TNHH Văn Lang HealthCare, Công ty Cổ phần Lothamilk.

Dù vậy, đáng lưu tâm là dưới sự điều hành của ông Trí, hệ sinh thái "đồ sộ" này lại có kết quả kinh doanh khá ảm đạm. Đơn cử như Capella Holdings (công ty mẹ), trong giai đoạn 2017-2019, nguồn thu của doanh nghiệp có xu hướng suy giảm mạnh, từ 385 tỷ đồng xuống còn 84 tỷ đồng, tức 4,5 lần.

Biến động cùng chiều là các khoản lợi nhuận nhỏ giọt. Năm 2017, Capella Holdings có lãi 17 tỷ đồng, giảm về 14,6 tỷ đồng ở năm kế tiếp và chỉ còn vỏn vẹn 400 triệu đồng ở cuối năm 2019.

Kết quả kinh doanh này dường như không tương xứng với quy mô tài sản (nguồn vốn) của doanh nghiệp. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản đứng ở mức 1.166 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chiếm 408 tỷ đồng.

Theo Ngọc Ánh/VietnamFinance