Hồ Xuân Thái là chủ thương hiệu DOTS tại Áo, một mô hình kinh doanh cực kỳ thành công khi kết hợp văn hóa Á - Âu. Ông có đóng góp rất tích cực trong cộng đồng Việt Nam tại Áo và các thế hệ người Áo gốc Việt đối với nền kinh tế Áo. Nghe doanh nhân gốc Hải Phòng này trải lòng về việc tạo dựng DOTS, mới thấy được bản lĩnh và ý chí mạnh mẽ của ông…
DOTS được kiều bào và người bản xứ tại Áo biết đến như một thành công nổi bật của người Việt trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, dịch vụ, tổ chức sự kiện, vũ trường tại Áo. Ông có thể chia sẻ điều gì về thành công này?
Tôi nghĩ, mọi thành quả đều đến từ bàn tay và khối óc. Với tôi, cứ lao động thật và làm những gì mình thích theo cái tâm của mình. Mình làm và cảm thấy hài lòng thì có nghĩa là thiên hạ sẽ hài lòng. Tôi có may mắn là đang được sống và làm việc tại một trong những môi trường tốt nhất thế giới.
Tôi đến Áo từ năm 1990, với 5 không: không biết tiếng, không nghề nghiệp, không cộng đồng (không có quan hệ), không có sức khỏe và không có tiền. Tôi đã đặt ra mục tiêu là phải cố gắng lao động và học hỏi, để người bản xứ thấy rằng, người Việt không chịu thua kém bất kỳ dân tộc nào trên thế giới. Mình phải tự hào về dân tộc Việt, phải làm cho bạn bè quốc tế biết điều đó. Nếu đời tôi chưa làm được thì đời con, đời cháu tôi sẽ phải làm.
Vì sao ông lại có ý tưởng DOTS? Trong hoàn cảnh nào ông đã tạo ra nó và làm cho nó có thành công như hôm nay?
Lúc mới bắt đầu kinh doanh năm 2005, tôi đã nghĩ phải đặt cho nó một cái tên. Trong tiếng Anh, DOT có nghĩa là “chấm”, “điểm” và tôi cũng coi nó nghĩa là tụ điểm. Lúc ấy, bạn gái của con trai tôi đang làm nghề thiết kế và chúng nghĩ ra một logo gồm chữ DOTS và 13 chấm. Và tôi quyết tâm làm được 13 doanh nghiệp cho đến khi tôi nghỉ hưu. Từ năm 2005 đến nay, năm nào tôi cũng xây dựng một chấm và đến bây giờ là đủ 13 rồi.
Ông có ước muốn gì hơn nữa không?
Tôi còn nhiều ước muốn lắm, nhưng chỉ tiếc là sức khỏe có hạn và tuổi đã lớn rồi. Nhưng có cái may là tôi đã và đang truyền nghề cho con trai tôi (Martin Ho, 32 tuổi) và nó đang rất thành công và được dân bản xứ tôn trọng. Martin theo nghề từ năm 17 tuổi, đến năm 19 tuổi thì đã được công nhận là doanh nghiệp trẻ nhất người Việt Nam có doanh thu lớn (2 triệu euro) với 1 nhà hàng. Martin hiện được coi là một trong những doanh nhân trẻ thành công của Áo. Martin Ho cùng tuổi với Thủ tướng Áo Sebastian Kurz và là bạn thân của vị thủ tướng sinh năm 1986 này.
Ông đánh giá thế nào về môi trường kinh doanh và đầu tư tại Áo?
Quá thuận tiện và tôi không gặp khó khăn gì nhiều. Ở đây làm ăn rất thuận tiện vì hệ thống pháp lý của họ rõ ràng. Điều này giúp tôi đứng thứ nhất trong lĩnh vực vui chơi và dịch vụ tại Áo. Số lượng khách mà taxi chở đến các trung tâm của tôi nhiều thứ tư của cả Vienna. Ở Vienna (Áo), có 5 tụ điểm mà taxi chuyên chở khách đến nhiều nhất, bao gồm sân bay và nhà ga, viện bảo tàng, nhà hát opera, các trung tâm của tôi và các bệnh viện.
Năm 2013, DOTS được trao giải Nhất Oscar Austria trong ngành dịch vụ, nhân dịp 25 năm nước Áo đổi mới. Năm vừa rồi, tôi đứng thứ nhì vì bị thua 3 điểm so với doanh nghiệp giải Nhất (558 điểm). Tổng số doanh nghiệp tham gia giải lần này là 102.
Ông thấy tinh thần làm việc và khát vọng của người Việt Nam tại nước ngoài thế nào?
Người Việt Nam chúng ta rất cần cù, sáng tạo, nhưng nhiều khi lại không thành công do nhiều lý do chủ quan và khách quan. Người Việt Nam thông minh và nổi tiếng thế giới. Học sinh, sinh viên đi thi thường đạt điểm rất cao. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã thành công cả ở nước ngoài nữa. Tôi cảm thấy rất tự hào về dân tộc mình.
Có bao giờ ông nghĩ mình sẽ có ý tưởng với một dự án nào đó ở Việt Nam?
Việc đầu tư trong nước hoặc ở nước ngoài không khác nhau nhiều, nhưng vấn đề là một con người không thể chia đôi ra được. Mình làm gì thì phải tận tâm, tận lực để làm. Nếu mình làm hai nơi thì sẽ không tận tâm, tận lực được và có thể sẽ hỏng cả hai. Tôi cũng muốn thực hiện dự án nào đó tại Việt Nam, nhưng chưa có thời điểm phù hợp, vì tôi đang quá bận.
Tôi cho rằng, đối với một quốc gia, một trong những vấn đề quan trọng nhất là nhận thức của người dân. Khi dân trí được nâng cao, thì sức mạnh của nền kinh tế sẽ được nâng cao. Ngoài ra, để thu hút được các nhà đầu tư, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, các khuôn khổ pháp lý theo thông lệ quốc tế. Ở nước ngoài, luật pháp và các quy định rất rõ ràng, minh bạch và doanh nghiệp rất dễ phát triển.
Vậy những ý tưởng như của ông cần một môi trường thế nào để có thể phát huy được hiệu quả?
Ngoài môi trường kinh doanh thuận lợi, quan trọng là bản thân doanh nghiệp phải hiểu rõ chính mình. Khi làm gì thì trước tiên phải thích nghi và hội nhập với môi trường xung quanh, phải hiểu được khách hàng cần gì và muốn gì. Sau đó, sản phẩm của mình phải được khách hàng chấp nhận.
Khi làm gì, tôi đã nghĩ rất kỹ càng. Trước khi bắt tay vào làm, phải hình dung được rằng, nếu làm xong thì kết quả sẽ như thế nào. Trong quá trình làm, phải biết chỗ nào đúng và chỗ nào sai, để giải quyết ngay, chứ không phải đợi cho đến khi khách đến với mình và sản phẩm mình tung ra thị trường rồi mới đo lường kết quả.
Tóm lại, mình phải hiểu được 100% các công đoạn, thì mới có thể thành công, chứ nếu đợi ý kiến góp ý rồi mới sửa thì không thể giữ chân khách hàng được. Ví dụ, khi tôi làm một nhà hàng chẳng hạn, tôi phải nghĩ ngay đến những gì mà tôi thích, phân khúc sẽ đánh vào, khách sẽ ngồi ở đâu và họ đến với mình, ngoài ăn uống, sẽ được hưởng cái gì.
Đặc biệt, mình phải có không gian hợp lý cho khách hàng. Ở Áo, công chức và doanh nghiệp mà ra ngoài thì họ đi chơi đến 3h sáng, 9-10h sáng họ mới dậy và đi làm. Khi họ ra ngoài nghĩa là họ đi chơi, chứ không phải đi ăn. Ăn là phụ và chơi là chính. Do vậy, muốn giữ chân họ và giúp họ thưởng thức ly rượu ngon, thì mình phải có một không gian thật hợp lý, thật lãng mạn và thật thoải mái.
Nghe chuyện của ông, thì vẫn thiếu vắng những khó khăn, ông không muốn đề cập hay sao?
Có nhiều khó khăn lắm chứ, nhưng phải vượt qua hết. Tôi không hay nói về những khó khăn vì với doanh nhân, ai cũng gặp khó khăn. Nhưng với tôi, tôi là người trực tiếp làm và cái gì tôi cũng làm. Tôi không biết sợ, vì tôi tự lực đi lên với nỗ lực của mình.
DOTS và 13 chấm
Đến bây giờ, DOTS đã có đủ 13 chấm như định hướng ban đầu. DOTS có 10 nhà hàng, 2 vũ trường, 1 gallery tranh và nghệ thuật sắp đặt đương đại - sử dụng khoảng 300 nhân công, tất cả là người nước ngoài. Tại các nhà hàng, DOTS phục vụ rất nhiều loại đồ ăn khác nhau, gồm cả các món ăn đậm đà hương vị châu Á.
Ngoài ra, DOTS đã mua lại Tạp chí Golf Perfect Eagle của Áo, xuất bản sách nấu ăn DOTS Booking giới thiệu về văn hóa ẩm thực Việt và quốc tế. Tiền bán sách hàng năm được trích tặng Quỹ người tàn tật của Áo.
Theo Đầu tư