WinEco

'Đánh chuột' chứng khoán, trái phiếu FLC, Tân Hoàng Minh sẽ không có chuyện 'vỡ bình'

29/04/2022 06:29

Phó trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Văn Yên khẳng định, việc xử lý các vụ việc về chứng khoán, trái phiếu tại Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh sẽ không có chuyện "đánh chuột vỡ bình", ngược lại về lâu dài sẽ làm lành mạnh hóa thị trường.

Đã tính toán kỹ lưỡng được gì, mất gì

Chiều 27.4, Ban Nội chính T.Ư - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tổ chức cuộc làm việc với báo chí để thông báo về kết quả cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo sáng cùng ngày.

'Đánh chuột' chứng khoán, trái phiếu FLC, Tân Hoàng Minh sẽ không có chuyện 'vỡ bình' - ảnh 1

Phó trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Văn Yên trao đổi tại buổi làm việc. Gia Hân

Tại buổi làm việc, trả lời câu hỏi về việc thời gian qua các cơ quan chức năng xử lý nhiều vụ án liên quan tới kinh tế trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp liệu có ảnh hưởng tới các thị trường này hay không, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Văn Yên khẳng định, việc xử lý các vụ án này "đã được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng".

"Khi giải quyết những vụ án này, Đảng, Nhà nước đã cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng: nếu như không xử lý thì mất gì, được gì; còn nếu như xử lý thì được cái gì", ông Yên nói và cho biết, sau khi xử lý các vụ án về kinh tế nói trên, những ngày qua thị trường "vẫn ổn và bình thường".

Theo ông Yên, nếu nhìn dưới góc độ kinh tế có thể có nhiều góc độ đánh giá khác nhau nhưng nguyên lý chung mà cả thế giới đang hướng đến là nếu như hoạt động kinh tế nói chung, tài chính, tín dụng ngân hàng, chứng khoán mà thực hiện đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch, bình đẳng thì quyền lợi giữa các bên sẽ được đảm bảo.

Do đó, ông Yên cho rằng, việc xử lý các vụ án về kinh tế như vụ án thao túng thị trường chứng khoán của Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết hay lừa đảo trái phiếu doanh nghiệp của Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng là "cần thiết, đã chín muồi và hoàn toàn có lợi".

"Tất nhiên, không thể tránh được tác động nào đó, nhưng Đảng, Nhà nước đã có chủ trương, biện pháp, giải pháp sao cho các doanh nghiệp có các ông chủ là đối tượng trong các vụ án vẫn hoạt động bình thường và về lâu dài sẽ có lợi cho thị trường", ông Yên nhấn mạnh và khẳng định, "không có chuyện đánh chuột vỡ bình trong việc xử lý các vụ án này".

"Quan điểm của Ban Chỉ đạo là sai đến đâu sẽ xử đến đó. Sự việc có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố, mà đã khởi tố thì phải điều tra, mà đã điều tra thì phải truy tố và xét xử. Chúng ta đã nhất quán nguyên tắc chỉ đạo là gì: không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và hoàn toàn không chịu sự tác động không đúng của bất cứ cơ quan, tổ chức lực lượng nào", Phó ban Nội chính T.Ư nhấn mạnh.

Không hình sự hóa nhưng không phải không được xử lý

Trao đổi thêm, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Thái Học cũng nhấn mạnh, việc xử lý những hành vi vi phạm trong các vụ án liên quan tới thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp là đúng quy định của luật pháp.

Ông Nguyễn Thái Học trao đổi với báo chí tại cuộc làm việc. Gia Hân

"Mục đích của việc xử lý vi phạm như vậy là làm lành mạnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu", ông Học nói.

Theo ông Học, các thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo nhận định, thời gian vừa qua thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu rất "ảo", không phản ánh đúng giá trị thực. Do đó, việc xử lý như vậy nhằm đưa thị trường này về đúng giá trị thực của nó và đảm bảo quyền lợi chính đáng của mọi công dân tham gia vào các hoạt động này. Trong đó, đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp có liên quan.

Tuy nhiên, ông Học cũng khẳng định, bên cạnh việc xử lý những cá nhân sai phạm, các hoạt động của các doanh nghiệp vẫn được đảm bảo bình thường.

"Chúng ta thấy máy bay của Bamboo Airways vẫn bay trên bầu trời. Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ của các doanh nghiệp bị xử lý vẫn được đảm bảo. Tức là sai đến đâu xử lý đến đó, ai sai thì xử lý", ông Học nói, đồng thời cho biết, các cơ quan chức năng sẽ chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

"Chẳng hạn, có vi phạm pháp luật không và vi phạm có tới mức phải xử lý hình sự hay không? Khi họp liên quan nội dung này, Thủ tướng đã phát biểu rồi: không hình sự hóa quan hệ kinh tế, nhưng không phải là không được xử lý", ông Học nhấn mạnh.

Trình T.Ư đề án thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh vào tháng 5

Tại cuộc làm việc, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Thái Học cũng cho biết, tại cuộc họp sáng 27.4, Thường trực Ban Chỉ đạo đã cho ý kiến hoàn thiện Đề án thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.

Theo đó, đề án sẽ được trình T.Ư xem xét, quyết định tại Hội nghị T.Ư 5 diễn ra vào đầu tháng 5 tới. Sau khi T.Ư có chủ trương, Bộ Chính trị sẽ có thông báo, hướng dẫn để các tỉnh, thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh; Ban Bí thư cũng sẽ quy định về chức năng nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh.

Theo Lê Hiệp/Vietstock