Đại gia nào đứng sau Cảng Mỹ Thủy hơn 14.000 tỉ sắp khởi công tại Quảng Trị?

06/03/2024 13:00

Từ giai đoạn 2015 - 2018, chủ đầu tư Cảng Mỹ Thủy tăng mạnh vốn điều lệ từ 500 tỉ đồng lên 2.500 tỉ đồng. Đáng chú ý, công ty này có sự tham gia đầu tư, góp vốn của SAM Holdings với tỉ lệ sở hữu 36%.

Danh tính chủ đầu tư Cảng Mỹ Thủy

Theo UBND tỉnh Quảng Trị, dự án Cảng Mỹ Thủy sẽ tái khởi công trong tháng 3 năm nay. Dự án này được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng vào tháng 10 năm 2019, khởi công từ tháng 2.2020 tại xã Hải An, huyện Hải Lăng thuộc khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Tuy nhiên sau đó, dự án chậm tiến độ kéo dài do gặp nhiều khó khăn liên quan đến nguồn vốn đầu tư; vướng mắc về thủ tục và công tác giải phóng mặt bằng nên dự án vẫn chưa thi công.

Quy mô dự án là 685ha, trong đó gồm 10 bến, được phát triển theo ba giai đoạn. Giai đoạn 1 kéo dài từ năm 2018 - 2025 với 4 bến, giai đoạn 2 từ năm 2026 - 2031 với 3 bến, 3 bến còn lại được triển khai trong giai đoạn 2032 - 2036.

Dự án Cảng Mỹ Thuỷ 14.000 tỉ có sự tham gia đầu tư, góp vốn của SAM Holdings. Ảnh: Sam Holdings.

Dự án Cảng Mỹ Thủy hơn 14.000 tỉ có sự tham gia đầu tư, góp vốn của SAM Holdings. Ảnh: Sam Holdings.

Mục tiêu đầu tư xây dựng và kinh doanh khu bến cảng chuyên dùng đảm bảo tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 tấn và được xem là công trình cấp đặc biệt.

Dự án có tổng mức đầu tư là 14.234 tỉ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư - CTCP Liên doanh Cảng Quốc tế Mỹ Thủy là 2.143 tỉ đồng, phần còn lại là 12.091 tỉ đồng là vốn huy động và vốn khác.

Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp, Công ty Cảng quốc tế Mỹ Thủy thành lập ngày 14.1.2015 với vốn điều lệ đăng ký 500 tỉ đồng. Danh sách cổ đông sáng lập gồm Công ty TNHH Đầu tư phát triển dịch vụ xây dựng Việt Nam (350 tỉ đồng - 70%), Công ty TNHH phát triển khoáng sản Duy Tân (125 tỉ đồng - 25%) và ông Trần Khánh Hưng (25 tỉ đồng - 5%).

Tuy nhiên, Công ty Khoáng sản Duy Tân sau đó không thực hiện góp vốn theo cam kết, khiến Cảng quốc tế Mỹ Thủy phải điều chỉnh giảm vốn điều lệ xuống còn 375 tỉ đồng.

Cuối năm 2017, doanh nghiệp nâng vốn điều lệ lên 750 tỉ đồng. Tháng 8.2018, công ty tiếp tục tăng mạnh vốn điều lệ lên 2.250 tỉ đồng, trong đó Công ty xây dựng Việt Nam góp 1.575 tỉ đồng tương ứng tỉ lệ 70%, bà Mai Chi giảm tiếp tỉ lệ sở hữu xuống 0,66%. Tại thời điểm tháng 12.2023, ông Dương Viết Roãn là người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc công ty.

Trong cơ cấu cổ đông, cổ đông lớn của Mỹ Thủy là Công ty TNHH Đầu tư phát triển dịch vụ xây dựng Việt Nam. Công ty này được thành lập vào tháng 5.2009 do ông Cho Gilhyung làm Giám đốc với số vốn điều lệ 100 tỷ đồng.

Trong đó, ông Jung Tae Sung góp 49 tỉ đồng (49%), bà Đặng Thị Gầm góp 41 tỉ đồng (41%) và ông Nguyễn Quang Huy góp 10 tỉ đồng (10%). Đến tháng 1.2022, cổ đông Jung Tae Sung chuyển cổ phần sang cho bà Lã Thị Lụa (29%) và bà Đặng Thị Du (20%).

Cơ cấu cổ đông Công ty TNHH Đầu tư phát triển dịch vụ xây dựng Việt Nam - cổ đông lớn nắm 70% vốn của Cảng Mỹ Thuỷ. Ảnh: Công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp của CT TNHH ĐTPT DV Xây dựng Việt Nam.

Công ty TNHH Đầu tư phát triển dịch vụ xây dựng Việt Nam - cổ đông lớn nắm 70% vốn của Cảng Mỹ Thuỷ. Ảnh: Công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp của Công ty TNHH ĐTPT DV Xây dựng Việt Nam.

Sự xuất hiện của SAM Holdings tại Cảng Mỹ Thủy

Năm 2022 CTCP Sam Holdings (Mã CK: SAM) cho biết đã sở hữu đến 36% vốn cổ phần tại công ty Mỹ Thủy. Ngày 10.1.2022 Sam Holdings đã mua 2.154.083 cổ phần của Mỹ Thủy (cổ phần mệnh giá 100.000 đồng), giá trị theo mệnh giá hơn 215,4 tỉ đồng. Giá phí đầu tư cho thương vụ là gần 127,28 tỉ đồng.

Sau khi Mỹ Thủy nâng vốn điều lệ lên 2.250 tỉ đồng, SAM Holdings đã góp đủ vốn theo tỷ lệ sở hữu 36% và Mỹ Thủy trở thành công ty liên kết của SAM. Đầu năm 2023, SAM ghi nhận tổng giá trị đầu tư vào Mỹ Thủy gần 720 tỉ đồng. Tuy nhiên đến cuối năm 2023 ghi nhận khoản đầu tư này giảm về mức 671,4 tỉ đồng.

Giá trị đầu tư của SAM vào cảng Mỹ Thuỷ tại 31.12.2023. Ảnh: BCTC hợp nhất quý 4.2023 SAM Holdings.

Giá trị đầu tư của SAM vào cảng Mỹ Thủy tại ngày 31.12.2023. Ảnh: BCTC hợp nhất quý 4.2023 SAM Holdings.

Song song với việc góp vốn vào Cảng Mỹ Thủy, tháng 1.2022, ông Nguyễn Minh Tùng lên làm Tổng Giám đốc công ty, thay cho ông Cho GilHyung. Thời điểm đó, ông Tùng là Phó Tổng Giám đốc của SAM Holdings.

Về SAM Holdings, ngoài Cảng Mỹ Thủy, doanh nghiệp này còn sở hữu nhiều công ty con và công ty liên kết gây nhiều chú ý trên thị trường như: Sacom – Tuyền Lâm, Địa ốc Sacom, Capella,…

Bên cạnh dự án có tổng mức đầu tư “khủng” như Cảng Mỹ Thủy, SAM còn tham gia đầu tư một số dự án lớn như dự án Sacom Tuyền Lâm với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng, dự án Chung cư Samland Riverside với giá trị xây dựng dở dang ghi nhận đến cuối năm 2023 đạt 530 tỉ đồng.

Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 2017 – 2021, SAM ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu hàng nghìn tỉ và lợi nhuận hàng trăm tỉ đồng.

Trong đó, năm 2017, lợi nhuận sau thuế đạt 114 tỉ đồng, năm 2018 ghi nhận 115 tỉ đồng, hai năm tiếp theo ổn định ở mức 101 tỉ đồng. Đến năm 2021, SAM đạt mức lợi nhuận cao kỷ lục với 160 tỉ đồng. Tuy nhiên, năm 2022, lãi sau thuế của doanh nghiệp giảm mạnh về mức 7 tỉ và năm 2022 ghi nhận mức 34 tỉ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SAM giao dịch quanh vùng giá 6.000 đồng/cổ phiếu, kết thúc phiên giao dịch ngày 5.3, SAM đạt thị giá 6.650 đồng/cổ phiếu, tăng nhẹ so với đầu phiên.

Theo Lục Dương/Lao động