Chuyện né thuế: 285.000 công ty bao gồm Coca-Cola, Apple, Google, Ford ... chen chúc nhau trong một ngôi nhà đơn sơ

15/01/2020 14:11

Một ngôi nhà hai tầng là nơi đăng kí kinh doanh chính thức của hơn 285.000 doanh nghiệp, bao gồm cả những tên tuổi như Coca-Cola, Apple, J.P. Morgan Chase, Bank of America, … Đây hoặc là ngôi nhà rộng rãi nhất thế giới hoặc là tụ điểm né thuế đông đúc nhất hành tinh.

Ngôi nhà số 1209 phố North Orange tại thiên đường thuế Delaware. Ảnh: New York Times.

Thoạt nhìn thì ngôi nhà số 1209 phố North Orange tại thành phố Wilmington, bang Delaware không có gì đặc biệt. Nhưng đằng sau lớp vỏ ngoài tầm thường này lại là một bộ sưu tập doanh nghiệp đồ sộ ít ai có thể tưởng tượng được. Theo New York Times và The Guardian, hơn 285.000 doanh nghiệp Mỹ cũng như từ khắp thế giới đăng kí hoạt động tại đây.

Những cái tên nổi bật trong số 285.000 doanh nghiệp này bao gồm Coca-Cola, Apple, Google, J.P. Morgan Chase, American Airlines, Bank of America, Ford, General Electric, Wal-Mart và cả Berkshire Hathaway của nhà đầu tư huyền thoại – tỉ phú Warren Buffett.

Delaware là nơi đăng kí kinh doanh của 65% số công ty trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ (Fortune 500) và của 80% số công ty giao dịch đại chúng của Mỹ.

Chẳng hạn với Coca-Cola, tòa nhà trụ sở chính hoành tráng của tập đoàn đồ uống này đặt ở thành phố Atlanta, bang Georgia nhưng địa chỉ pháp lí của hãng lại là ở số 1209 North Orange.

Hai ứng cử viên Tổng thống năm 2016 là Donald Trump và Hillary Clinton có thể là kẻ thù không đội trời chung trong nhiều vấn đề chính sách nhưng công ty của cả hai người đều đăng kí dưới chung một mái nhà số 1209 North Orange, bang Delaware.

Chuyện né thuế: 285.000 công ty bao gồm Coca-Cola, Apple, Google, Ford ... chen chúc nhau trong một ngôi nhà đơn sơ - Ảnh 2.

Minh họa: Chu Toàn.

Theo hồ sơ nộp lên Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC) năm 2016, ông Donald Trump có 515 công ty thì đến 378 công ty được đăng kí ở Delaware.

"Đầu tiên tôi nghĩ là chỉ có hai hoặc ba công ty ở Delaware thôi, nhưng cấp dưới của tôi thống kê và báo lại là có tới 378 công ty. Như vậy nghĩa là tôi trả cho các bạn rất nhiều tiền. Tôi chẳng cảm thấy tội lỗi chút nào", The Guardian dẫn lời ông Trump nói với các cử tri bang Delaware năm 2016.

Vậy điều gì khiến cho tiểu bang nhỏ bé này hấp dẫn đối với các tập đoàn đến vậy? Câu trả lời là chính sách thuế lỏng lẻo của Delaware.

Khi nói đến các thiên đường trốn thuế, người ta nghĩ ngay đến Cayman Islands, Virgin Islands, Panama hay Cyprus (Đảo Síp), … nhưng bang Delaware ngay tại nước Mỹ cũng là một điểm đến cho những doanh nghiệp không muốn đóng thuế.

Và nói chung là doanh nghiệp nào cũng "ngại" đóng thuế cả. Vì thế mà ở Delaware có nhiều công ty hơn là người dân. Theo phòng doanh nghiệp Delaware, hiện nay có hơn 1 triệu doanh nghiệp đăng kí kinh doanh tại bang này trong khi dân số toàn bang là hơn 970.000 người.

Hoàn thành thủ tục thành lập một doanh nghiệp tại Delaware chỉ mất chưa đến một giờ. Bang này tỏ ra hiếu khách đối với các doanh nghiệp tới mức văn phòng chính quyền bang mở cửa cho tới nửa đêm từ thứ Hai đến thứ Năm và đến 22h30 ngày thứ Sáu hàng tuần.

Delaware không đánh thuế thu nhập doanh nghiệp được tạo ra từ hoạt động bên ngoài bang này, không đánh thuế thu nhập từ lãi vay và đầu tư, và không đánh thuế thu nhập từ "tài sản vô hình" (intangible assets).

Tài sản vô hình là những loại tài sản tồn tại và có giá trị nhưng không có hình dạng vật lí, không sờ nắm được giống như ngôi nhà hay chiếc xe. Ví dụ về tài sản cố định vô hình bao gồm thương hiệu, quyền tác giả, bằng sáng chế, …

Giả sử một tập đoàn có tên Loca hoạt động chính tại bang Florida và có thu nhập chịu thuế là 100 triệu USD. Để giảm số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp, Loca có thể đăng kí kinh doanh tại Delaware; sau đó văn phòng tại Florida thực hiện thủ thuật kế toán trả 90 triệu USD tiền chi phí sử dụng thương hiệu "Loca" cho văn phòng tại Delaware.

Lúc này, văn phòng Loca tại Florida sẽ chỉ còn lại lợi nhuận 10 triệu USD và sẽ chỉ phải nộp thuế TNDN theo qui định của bang Florida đối với 10 triệu USD này.

Văn phòng Loca tại Delaware có thu nhập 90 triệu USD do nhận được tiền thuê thương hiệu mà văn phòng ở Florida trả. Tuy nhiên, do bang Delaware không đánh thuế thu nhập từ tài sản vô hình nên Loca không phải nộp một đồng thuế nào đối với toàn bộ 90 triệu USD này.

Nếu Loca muốn tiết kiệm tiền thuế hơn nữa, doanh nghiệp này có thể ghi nhận chi phí thương hiệu lên tới 100 triệu USD, hay 120 triệu USD. Lúc này văn phòng Loca ở Florida không phải trả đồng thuế nào (do công ty không có lợi nhuận) và văn phòng Loca ở Delaware cũng không phải trả đồng thuế nào (vì thuế suất ở đây bằng 0).

Những người trong ngành thuế gọi kế hoạch trốn thuế kiểu này là "Lỗ hổng Delaware". Theo New York Times, số tiền thuế mà các tập đoàn trốn được thông qua Lỗ hổng Delaware lên tới nhiều tỉ USD.

Luật của bang Delaware chỉ yêu cầu các doanh nghiệp có một địa chỉ với hòm thư để nhận các tài liệu, văn bản pháp lí khi cần thiết; có nhân viên làm việc ở địa chỉ đó hay không cũng không quan trọng. Vì thế nên mới có chuyện một ngôi nhà hai tầng có 285.000 doanh nghiệp cùng đăng kí kinh doanh.

Tòa nhà 5 tầng có tên Ugland House tại thiên đường thuế Cayman Islands là nơi đăng kí kinh doanh của 18.000 doanh nghiệp. Tổng thống Mỹ Barack Obama từng gọi Ugland House là "tòa nhà rộng rãi nhất thế giới hoặc tụ điểm trốn thuế lớn chưa từng thấy trong lịch sử".

Con số 285.000 doanh nghiệp tại ngôi nhà 1209 phố North Orange, bang Delaware còn lớn gấp 16 lần số doanh nghiệp của Ugland House.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng 

Nguồn: https://kinhtetieudung.phapluatxahoi.vn/chuyen-ne-thue-285000-cong-ty-bao-gom-coca-cola-apple-google-ford-chen-chuc-nhau-trong-mot-ngoi-nha-don-so-20200115110928255.htm