Ông Diệp Dũng là cái tên đầy quyền lực trong giới tài chính ở TP. HCM, và là nhân tố quan trọng trong thương vụ tư nhân hoá khu đất số 1 Công Trường Quốc Tế.
Như Nhadautu.vn đã đưa tin, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM Dương Ngọc Hải ngày 27/7 đã triển khai quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy về đình chỉ sinh hoạt cấp ủy đối với ông Diệp Dũng - Thành ủy viên và đình chỉ các vai trò Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Bí thư Đảng ủy của ông Diệp Dũng tại Đảng bộ Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op).
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM xác định ông Diệp Dũng đã tổ chức chỉ đạo huy động tăng vốn trái pháp luật, tổ chức Đại hội Thường niên trái pháp luật, thực hiện công tác cán bộ trái quy định của Đảng và không trung thực với tổ chức khi có yêu cầu báo cáo.
Theo kết luận thanh tra, sai phạm lớn nhất của Saigon Co.op là về nguồn vốn góp. Các HTX thành viên huy động từ nguồn vốn bên ngoài chứ không phải là thành viên của HTX để góp vốn vào Saigon Co.op.
Một số HTX hoạt động mức lợi nhuận đạt sau thuế dưới 6 tỷ đồng nhưng không tham gia góp vốn, trong khi phần lớn các HTX lợi nhuận đạt được sau thuế chỉ 24 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng lại tham gia góp với số vốn góp hàng trăm tỉ đồng là điều không bình thường.
Từ kết luận thanh tra cho thấy có dấu hiệu thực hiện hành vi huy động góp vốn trái pháp luật và thâu tóm tại Saigon Co.op.
Theo tìm hiểu, ông Diệp Dũng sinh năm 1968, nguyên quán Rạch Giá, Kiên Giang. Ông được Thành ủy chỉ định tham gia Ban chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy, giữ chức Bí thư Đảng ủy Saigon Co.op nhiệm kỳ 2015-2020 và được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị Saigon Co.op từ tháng 9/2015.
Saigon Co.op là pháp nhân mẹ, nắm nắm 51% cổ phần tại CTCP Thương mại Dịch vụ Quảng trường Quốc tế (ISC) - chủ sở hữu lô đất vàng tại địa chỉ số 1 Công Trường Quốc Tế (Quận 3).
Tháng 11/2017, dự án này bắt đầu nhận được dư luận quan tâm khi Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) công bố đấu giá toàn bộ 30% cổ phần ISC. Lúc này, thực trạng của khu đất rộng gần 8.300 m2 nằm cạnh Hồ Con Rùa mới được hé lộ cho công chúng, ngoài Sawaco và Saigon Co.op, cổ đông còn lại được xác định là Công ty TNHH Bất động sản Thiên Thanh (19%).
Không chỉ riêng Sawaco mà trước đó, Saigon Co.op cũng đã không ít lần muốn rút khỏi dự án này khi chào bán cổ phần cho nhiều đối tác khác nhau.
Hai tuần sau khi công bố chào bán, Sawaco cuối tháng 11/2017 tiếp tục gây bất ngờ cho giới đầu tư khi thông báo ngừng đấu giá cổ phần ISC, với lý do chờ chỉ đạo từ UBND TP.HCM.
Theo nguồn tin của Nhadautu.vn, sau đợt đấu giá "hụt" của Sawaco, Bất động sản Thiên Thanh đã âm thầm nhận chuyển nhượng phần vốn từ Saigon Co.op, nâng tỷ lệ sở hữu trong dự án lên 69,99%.
Việc sang tay giữa hai cổ đông nội bộ dường như đã được các bên "dàn xếp" từ trước đó khá lâu bởi tháng 7/2017, đại diện của Saigon Co.op là ông Diệp Dũng đã nhường lại "ghế" Chủ tịch HĐQT ISC cho ông Nguyễn Văn Hiền (đại diện BĐS Thiên Thanh). Lưu ý rằng Thiên Thanh khi đó vẫn là cổ đông thiểu số, chỉ nắm 19% vốn ISC.
Bất động sản Thiên Thanh được thành lập tháng 9/2015 với hai cổ đông có liên hệ tới một tập đoàn BĐS lớn là các ông Nguyễn Văn Hiền và Nguyễn Quốc Hiển. Từ vốn điều lệ 20 tỷ đồng, Thiên Thanh tới đầu tháng 7/2017 tăng vốn lên 527,3 tỷ đồng với cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển BĐS Thắng Lợi (96,2%). Tháng 4/2018, phần vốn của Thắng Lợi trong Thiên Thanh được chuyển giao cho CTCP Đầu tư New Charm.
Lúc này, về cơ bản dự án đã đổi chủ khi Thiên Thanh tiếp tục được "sang tay" cho một tập đoàn địa ốc tên tuổi khác. Một số thương vụ tương tự giữa hai group này có thể kể tới như 2-4-6 Hai Bà Trưng (Quận 1), 152 Trần Phú (Quận 5), 78 Tôn Thất Thuyết (Quận 4), thậm chí một phần dự án lớn ở Đồng Nai.