Chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường chứng khoán Việt Nam

13/10/2021 08:33

Năm 2020 và nửa đầu 2021, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có sự phát triển bùng nổ tạo ra sự thay đổi về lượng và về chất so với các giai đoạn phát triển trước đó. Sự thay đổi về quy mô, chất lượng đã đưa TTCK Việt Nam lên một tầm cao mới, tiến gần hơn tới các chuẩn mực quốc tế và sẵn sàng cho một giai đoạn tăng trưởng mới trong giai đoạn 2021 - 2025.

Chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường chứng khoán Việt Nam

Thị trường chứng khoán Việt Nam sẵn sàng cho một chu kỳ tăng trưởng mới.

TTCK Việt Nam năm 2020 đã thể hiện sức chống chịu mạnh mẽ trước những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19. Kết thúc năm 2020, chỉ số VN-Index đạt 1.103,87 điểm, tăng mạnh tới 67% so với thời điểm thấp nhất của năm 2020 và tăng 14,9% so với thời điểm cuối năm 2019. Trong nửa đầu năm 2021, TTCK Việt Nam tiếp tục thăng hoa và có mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới. Chỉ số VN-Index đã liên tục lập đỉnh mới, đạt mức cao nhất tính đến thời điểm hiện tại là 1.420,27 điểm, vốn hóa thị trường đạt 5.329.318 tỷ đồng vào ngày 2/7/2021.

TTCK Việt Nam thay đổi cả về lượng và chất

Tăng trưởng về thanh khoản: Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu năm 2020 đạt 7.566 tỷ đồng/phiên, tăng 62,46% so với bình quân năm 2019. Bước sang năm 2021, giá trị giao dịch bình quân 7 tháng đầu năm đạt trung bình 18.775 tỷ đồng, tăng trưởng 148% so với giá trị giao dịch bình quân năm 2020.

Tăng trưởng về quy mô: Đến cuối năm 2020, giá trị vốn hóa của TTCK Việt Nam đạt hơn 5,3 triệu tỷ đồng. Quy mô vốn hóa của thị trường đạt 81,11% GDP năm 2020, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra (đến năm 2020 đạt 70% GDP). Lũy kế nửa đầu năm 2021, vốn hóa TTCK Việt Nam tiếp tục tăng 29,2% so với cả năm 2020, đạt mức 108,8% GDP. Tỷ lệ vốn hoá thị trường trên GDP của Việt Nam đã ở mức cao nếu so sánh với một vài nước châu Á như Thái Lan (99%), Hàn Quốc (89,5%), Trung Quốc (68,14%) vào cuối năm 2019.

Tăng trưởng về số lượng nhà đầu tư: Số lượng tài khoản giao dịch nhà đầu tư trong nước mở mới tăng kỷ lục. Tính đến 31/8/2021, số tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới đạt 842.405 tài khoản, vượt gần 114% so với số lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020 (393.659 tài khoản). Lũy kế đến hết tháng 8/2021, tổng số lượng tài khoản chứng khoán Việt Nam đạt hơn 3,5 triệu tài khoản, một con số rất lớn gấp đến cả chục lần so với số lượng tài khoản ở thời kỳ bùng nổ năm 2007. Số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cũng duy trì sự tăng trưởng đều đặn, luỹ kế đến hết tháng 8/2021 đạt 38.154 tài khoản, tăng 8,8% so với thời điểm cuối năm 2020.

Bên cạnh đó, TTCK phái sinh đã có những bước phát triển nhanh chóng và bùng nổ trong giai đoạn 2020 - nửa đầu 2021. Năm 2020, khối lượng giao dịch bình quân đạt 156.852 hợp đồng/phiên, tăng 77% so với bình quân năm 2019. Trong 7 tháng năm 2021, kỷ lục giao dịch mới tiếp tục được xác định với 403.266 hợp đồng vào phiên giao dịch ngày 12/7/2021.

Song song với đó, thị trường chứng quyền có bảo đảm (CW) mới triển khai từ năm 2019 đã vận hành an toàn, ổn định. Tính đến ngày 30/6/2021, đã có 359 mã CW trên 26 cổ phiếu cơ sở của 9 tổ chức phát hành được niêm yết và giao dịch. Riêng tháng 6/2021, tổng khối lượng giao dịch đạt 215 triệu CW với giá trị giao dịch đạt trên 1.254 tỷ đồng.

Ngoài ra, sản phẩm ETF đầu tư vào một rổ cổ phiếu đa dạng cũng tăng trưởng bùng nổ. Trong năm 2020, nhiều quỹ ETF như Vietnam Lending Financial, Vietnam Financial Select Sector Index và Vietnam Diamond Index dựa trên các chỉ số đại diện theo ngành, lĩnh vực cụ thể mà trước đó đã được cho ra mắt như: ETF MAFM VN30, ETF SSIAM VN30, ETF SSIAM VNFIN LEAD, ETF VFMVN DIAMOND, ETF VINACAPITAL VN100. Các quỹ ETF nội mặc dù mới ra đời nhưng đã nhanh chóng thu hút được hàng nghìn tỷ đồng. Đơn cử quỹ ETF VFMVN Diamond khi mới IPO hồi tháng 5/2020 với hơn 4,5 triệu USD thì đến lần cập nhật gần nhất, quy mô quỹ đã đạt 522 triệu USD, trở thành quỹ ETF nội lớn nhất tại thị trường Việt Nam.

Tái cấu trúc TTCK Việt Nam theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hướng tới chuẩn mực quốc tế

Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 với nhiều điểm mới như việc chào bán chứng khoán được thống nhất với Luật Doanh nghiệp, bổ sung thêm nhiều hành vi bị nghiêm cấm, quy định chặt chẽ điều kiện bán cổ phiếu của công ty… trong đó, có 2 điểm nhấn quan trọng về tái cấu trúc thị trường.

Thứ nhất là thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (Vietnam Exchange) theo mô hình công ty mẹ - con trên cơ sở sắp xếp lại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE). Việc thành lập được thực hiện theo Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hiệu lực từ ngày 20/2/2021. Vietnam Exchange có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, là công ty mẹ được tổ chức theo mô hình công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Thứ hai là thành lập Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam theo khoản 1, Điều 52 Luật Chứng khoán 2019, theo đó: “Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp, do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết”.

Song song với việc tái cấu trúc thị trường, ngành chứng khoán cũng đã nâng cấp và áp dụng công nghệ giao dịch mới nhằm giải quyết những điểm nghẽn về tình trạng quá tải giao dịch trên sàn HoSE cũng như những tính năng sản phẩm theo chuẩn mực của các thị trường quốc tế.

Cụ thể, sàn HoSE đã giải quyết tình trạng quá tải bằng hệ thống giao dịch cải tiến mới giúp nâng công suất tiếp nhận lệnh từ mức cũ 900.000 lệnh/ngày lên mức 3,5 – 4 triệu lệnh/ngày. Xa hơn nữa, dự kiến trong năm 2022 sẽ đưa hệ thống giao dịch mới hiện đại KRX trị giá hơn 600 tỷ đồng vào vận hành. Hệ thống KRX có thể giải quyết nhiều khó khăn mà hệ thống giao dịch hiện tại không làm được như lập một bảng riêng trên hệ thống mới cho nhà đầu tư giao dịch lô lẻ, giao dịch trong ngày (T+0), mô hình đối tác bù trừ thanh toán trung tâm (CCP) cho TTCK cơ sở…

Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng vượt bậc cả về quy mô, chất lượng là sự xác nhận cho những thay đổi về chất tiến gần hơn với các chuẩn mực quốc tế. Tính đến thời điểm đầu tháng 7/2021, TTCK Việt Nam đã có đến 15 công ty có vốn hoá thị trường hơn 5 tỷ USD, trong đó có đến 4 công ty có vốn hoá hơn 10 tỷ USD là Tập đoàn Vingroup (VIC), Vietcombank (VCB), Vinhomes (VHM) và Tập đoàn Hòa Phát (HPG). Giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên năm 2020 là khoảng 350 triệu USD và 6 tháng đầu năm 2021 là khoảng 850 triệu USD. So sánh với Philippines, TTCK này hiện chỉ có 13 cổ phiếu vốn hoá trên 5 tỷ USD và giá trị mỗi phiên giao dịch khoảng 228 triệu USD, điều này cho thấy quy mô TTCK Việt Nam đã tiệm cận đến quy mô của TTCK các nước nhóm đầu trong khu vực.

Tăng cường vai trò là kênh dẫn vốn trung dài hạn trên thị trường tài chính

Thị trường tài chính Việt Nam có sự lệch pha, chủ yếu tập trung xoay quanh hệ thống ngân hàng thay vì thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu như các nước phát triển. Vì vậy, việc thúc đẩy sự phát triển TTCK trở thành một kênh dẫn vốn trung dài hạn cho doanh nghiệp và nền kinh tế bên cạnh kênh ngân hàng là một định hướng lớn của Chính phủ.

Trong năm 2020, định hướng này đã được hiện thực hoá dần thông qua việc ban hành Thông tư 08/2020TT-NHNN về lộ trình siết tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng. Theo đó, các ngân hàng được yêu cầu giảm dần tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn với lộ trình đến năm 2023 chỉ còn 30%. Cùng với đó, Nghị định 81/2020/NĐ-CP về kiểm soát thị trường trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực từ 1/9/2020 để đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư và doanh nghiệp cũng được Chính phủ ban hành.

Thị trường chứng khoán 2020 và nửa đầu năm 2021 bùng nổ đã thể hiện được phần nào vai trò dẫn vốn trung dài hạn của thị trường đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế. Tổng giá trị huy động vốn qua TTCK năm 2020 đạt 413.700 tỷ đồng, tăng 30% so với cuối năm 2019. Theo số liệu của UBCKNN, trong giai đoạn 2016 - 2020, quy mô huy động vốn qua TTCK ước đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng gấp gần 1,3 lần so với giai đoạn 2011 – 2015. Tính trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức huy động vốn trên thị trường cũng đạt con số ấn tượng khoảng 176.745 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong vai trò kênh dẫn vốn trung dài hạn cho các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế theo đúng định hướng phát triển của Chính phủ sẽ giúp thị trường tài chính Việt Nam trở nên cân bằng hơn, bám sát theo những mô hình thị trường tài chính tiên tiến của các nước phát triển. Điều này sẽ giúp giảm thiểu gánh nặng cho ngành ngân hàng cũng như giảm thiểu rủi ro tài chính cho cả nền kinh tế Việt Nam.

Xu hướng và động lực phát triển của TTCK Việt Nam giai đoạn 2020 – 2025

Theo dự báo của nhiều tổ chức trong và ngoài nước, 2021 – 2025 sẽ tiếp tục là giai đoạn mà tăng trưởng GDP hằng năm của Việt Nam duy trì ở mức cao, đạt 6,3%/năm và trong kịch bản lạc quan hơn là 6,8%/năm.

Động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam đến từ nhiều yếu tố nhưng có thể kể ra một vài động lực chính như: chính sách của Chính phủ thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng trong vòng 5 năm tới đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng khu vực phía nam; tác động tích cực của các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, RCEP; đầu tư công tăng trưởng dự báo cũng sẽ tiếp tục kéo theo dòng vốn FDI tăng trưởng mạnh và quay lại tác động tích cực lên nền kinh tế Việt Nam; tiêu dùng nội địa tăng trưởng mạnh theo sự hồi phục sau dịch Covid-19 cũng như sự tăng lên của thu nhập bình quân đầu người dự báo ở mức 4.500 – 5.000 USD vào năm 2025.

Thị trường chứng khoán với vai trò là kênh dẫn vốn, là “hàn thử biểu” của nền kinh tế tại mỗi quốc gia cũng sẽ có sự tăng trưởng tương ứng với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế của quốc gia đó. Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ và TTCK Việt Nam cũng nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân 2 con số trong giai đoạn 2020 - 2025.

Mặc dù có sự gia tăng mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân nội vào TTCK Việt Nam nhưng tính đến hết tháng 8/2021 cũng mới chỉ có hơn 3,5 triệu tài khoản giao dịch, chiếm khoảng hơn 3,5% dân số Việt Nam. So sánh với lịch sử phát triển TTCK của các nước đã phát triển trên thế giới, TTCK Việt Nam cũng mới chỉ đang ở trong giai đoạn đầu của quá trình tăng trưởng kéo dài với mức độ tham gia kênh đầu tư chứng khoán của người dân còn rất nhỏ. Vì vậy, tiềm năng và không gian phát triển của TTCK Việt Nam còn rất lớn và kéo dài trong nhiều năm tới.

Chính phủ Việt Nam cũng đặt mục tiêu tỷ lệ người dân tham gia kênh đầu tư chứng khoán đạt 5% vào năm 2025 và 10% vào năm 2030. Đây là mục tiêu hoàn toàn khả thi dựa trên tốc độ tăng trưởng 2 con số của TTCK Việt Nam trong 20 năm trở lại đây. Quá trình tham gia TTCK của người dân sẽ được gia tốc rất nhanh trong giai đoạn 2020 – 2025 dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, công nghệ số hoá của thời kỳ công nghệ 4.0. Trong năm 2021, nhờ áp dụng những công nghệ mới như mở tài khoản định danh online eKYC và sự cộng hưởng tác động của dịch Covid-19 mà 8 tháng đầu năm 2021, lượng tài khoản mở mới còn lớn hơn cả 3 năm trước cộng lại.

Có thể thấy, bất chấp những khó khăn do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, TTCK Việt Nam, với những thay đổi mạnh mẽ cả về chất và lượng trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021, đang cho thấy những dấu hiệu của sự chuyển mình bứt phá để bước vào một giai đoạn tăng trưởng bùng nổ. Động lực của sự tăng trưởng này đến từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế dựa trên những cải cách sâu rộng của Chính phủ cũng như những hiệp định thương mại được ví như những con đường cao tốc nối dài. Nếu như điều kiện cần là sự tăng trưởng kinh tế ở tốc độ cao thì sức mạnh dòng tiền to lớn của nhà đầu tư nội sẽ là điều kiện đủ để giúp cho TTCK Việt Nam bước vào một chu kỳ tăng giá mới mạnh mẽ và bền bỉ.

Theo Th.S Trần Anh Thắng/Vietnamfinance