Các quốc gia mà tiền có thể mua được tấm hộ chiếu thứ hai và trạng thái cư trú 'ưu tú

25/08/2020 17:05

Thị trường mua bán quốc tịch tại nhiều nước đang trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết do nhu cầu ngày càng tăng cao của giới siêu giàu. Hiện nay, giới siêu giàu không ngại mạnh tay chi tiền để "sắm" cho mình quyển hộ chiếu thứ hai, thứ ba và thậm chí nhiều hơn nữa.

Nhiều quốc gia hiện áp dụng việc đầu tư để mua được tấm hộ chiếu thứ hai và trạng thái cư trú "ưu tú".
Nhiều quốc gia hiện áp dụng việc đầu tư để mua được tấm hộ chiếu thứ hai và trạng thái cư trú "ưu tú".)

Khảo sát lần thứ hai của CS Global Partners cho thấy 89% người muốn sở hữu hộ chiếu thứ hai và hơn 34% cho biết họ đã xem xét đầu tư vào quốc tịch thứ hai. Đáng chú ý hơn nữa là 80% cho biết họ sẵn sàng đầu tư hoặc bỏ ra 5% tiền lương hàng năm để có quốc tịch thứ hai - nhiều hơn số tiền họ chi cho tiền thuê nhà hàng tháng.

May mắn thay, một số quốc gia hiện cung cấp các chương trình Quốc tịch thông qua đầu tư (CIP). Theo đó, các cá nhân sẽ có thể sử dụng các khoản tiền (thường được đầu tư vào bất động sản), để mua hộ chiếu thứ hai tại nước đó.

Ngoài ra, các chương trình khác cũng cung cấp trạng thái "cư trú ưu tú" - một thị thực mở rộng với các đặc quyền - để đổi lấy các khoản đầu tư tương tự.

Nuri Katz, Chủ tịch của Apex Capital Partners, một công ty tư vấn quốc tế chuyên về CIP cho biết: "Đối với nhiều người giàu có, hộ chiếu thứ hai hoặc thứ ba rất quan trọng và nó ảnh hưởng đến khả năng đi lại. Đối với một số người, nó còn là một biểu tượng cho địa vị".

Ông nói thêm rằng cùng với những lợi ích về du lịch và khả năng sở hữu bất động sản trên khắp thế giới, các chương trình cũng cho phép mọi người giải quyết các gánh nặng về thuế của họ.

Tuy nhiên, Chủ tịch Katz giải thích rằng có sự khác biệt giữa CIP và các chương trình cư trú.

Ông nói: "Quyền công dân là mãi mãi, và không thể bị tước bỏ trừ khi bạn nhận được nó trong những trường hợp gian dối. Trong khi đó, khi luật thay đổi, thị thực cư trú có thể bị tước bỏ - nhưng đó vẫn là một cách hợp lý hơn để nhận được các đặc quyền đi kèm với việc sống ở một quốc gia khác".

Hiện trên thế giới có khoảng 23 quốc gia đưa ra các chương trình mà mọi người có thể dùng tiền để mua một tấm hộ chiếu thứ hai, hoặc ít nhất là cơ hội sống lâu dài ở nước ngoài. Sau đây, Nhadautu.vn xin được giới thiệu một vài quốc gia tiêu biểu đang áp dụng hình thức này.

Chính phủ Thái Lan đang cung cấp thị thực cư trú "ưu tú" cho những công dân nước ngoài giàu có, cho phép họ sống ở nước này với mức tiền khoảng 3.000 USD một năm. Có bảy gói khác nhau, trong đó đắt nhất là chương trình "Elite Ultimate Privilege" với giá 60.000 USD cho 20 năm cư trú.

Tại Thái Lan, các người nước ngoài thường lựa chọn 3 gói phổ biến: Elite Easy Access - thị thực cư trú 5 năm với phí một lần 500.000 THB (15.253 USD); Elite Family Excursion - thị thực 5 năm dành cho hai người với lệ phí một lần là 800.000 THB (24.405 USD), cộng với khoản phụ phí 300.000 THB (9.152 USD) cho mỗi người phụ thuộc; Elite Superiority Extension/Elite Ultimate Privilege - thị thực cư trú 20 năm với lệ phí một lần là 2,14 triệu THB (65,283 USD), gói này bao gồm các đặc quyền VIP như dịch vụ trợ giúp đặc biệt của chính phủ và dịch vụ sân bay.

Campuchia cũng đã cho phép người nước ngoài nhập tịch sau khi họ đầu tư tại nước này. Mặc dù thượng viện Campuchia đã thông qua dự thảo luật vào năm 2018 và có thể thay đổi một số quy định (tăng ngưỡng đầu tư), song hiện tại chính phủ nước này vẫn đang áp dụng:

Đầu tư 1,2 tỷ riel Campuchia (294.276 USD hoặc 229.571 bảng Anh) vào quốc gia này. Đầu tư phải được sự chấp thuận của Hội đồng Phát triển Campuchia hoặc Chính phủ Hoàng gia, hoặc quyên góp 1 tỷ riel Campuchia (245.230 USD hoặc 191.309 bảng Anh) để khôi phục và xây dựng lại nền kinh tế Campuchia.

Ứng viên cũng phải có kiến thức về lịch sử và ngôn ngữ Khmer, đồng thời phải đến Campuchia để xin giấy chứng nhận cũng như ký vào lời tuyên thệ nhập tịch có liên quan.

Trong khi đó, tại Bồ Đào Nha, để nhận được 'tấm hộ chiếu vàng', các cá nhân nước ngoài sẽ có 3 sự lựa chọn: Chuyển nhượng vốn (Chuyển khoản ít nhất 1 triệu euro vào tài khoản ngân hàng Bồ Đào Nha hoặc đầu tư 350.000 euro vào các hoạt động nghiên cứu thuộc hệ thống khoa học và công nghệ quốc gia, hoặc đầu tư vào sản xuất nghệ thuật hoặc di sản văn hóa quốc gia, hoặc đầu tư vào các quỹ đầu tư cam kết vốn hóa của các công ty được thành lập theo luật Bồ Đào Nha, với thời gian đáo hạn ít nhất là 5 năm); Sở hữu tài sản (Mua bất động sản với giá trị tối thiểu 500.000 euro, hoặc mua bất động sản trị giá ít nhất 350.000 euro để tân trang các bất động sản cũ hơn 30 năm hoặc trong khu vực tái tạo đô thị); Kinh doanh (Tạo ra tối thiểu 10 công việc mới, hoặc chi ra 350.000 euro để thành lập hoặc tăng vốn cổ phần của một công ty Bồ Đào Nha, tạo ra hoặc duy trì tối thiểu năm việc làm cố định, trong thời gian ba năm).

Hiện Tây Ban Nha cũng là một quốc gia áp dụng chương trình Golden Visa, và sau đó có thể chuyển sang quyền công dân. Theo đó, để được tham gia vào chương trình này, các cá nhân nước ngoài phải: Đầu tư tối thiểu 500.000 euro; Đầu tư tối thiểu 1 triệu euro vào cổ phiếu của các công ty Tây Ban Nha; Tiền gửi tối thiểu 1 triệu euro tại ngân hàng Tây Ban Nha; Đầu tư tối thiểu 2 triệu euro vào trái phiếu chính phủ.

Sau 5 năm, người nộp đơn có thể yêu cầu thường trú nhân. Sau 10 năm, họ có thể yêu cầu nhập quốc tịch.

Tại Mỹ, Visa EB-5 sẽ dẫn đến tình trạng cư trú có điều kiện (được gọi là thẻ xanh), sau đó có thể dẫn đến hộ chiếu Mỹ. Hai năm sau khi cư trú có điều kiện được cấp, các nhà đầu tư và gia đình của họ sẽ đủ điều kiện để được thường trú nhân.

Theo đó, các cá nhân nước ngoài sẽ phải: Đầu tư 500.000 USD vào một khu vực nông thôn hoặc khu vực có tỷ lệ thất nghiệp cao, hoặc vào một doanh nghiệp thương mại mới để tạo ra 10 công việc; Đầu tư trực tiếp 1 triệu USD vào một doanh nghiệp thương mại của Mỹ và họ có thể được tiếp tục đầu tư cho đến khi tình trạng thường trú nhân được cấp (thường là 4 năm).

Ngoài ra còn có chương trình Regional Center, nơi các ứng viên: Đầu tư 500.000 USD vào một dự án Trung tâm khu vực được chỉ định, trở thành đối tác hữu hạn của doanh nghiệp. Người nộp đơn sau đó được tự do sinh sống và làm việc ở bất kỳ đâu tại Mỹ. Tuy nhiên, họ phải có giá trị tài sản ròng ít nhất 1 triệu USD.

Úc luôn tự hào về chương trình cư trú có thể dẫn đến việc trở thành công dân trong thời gian dài của mình. Tuy nhiên, chi phí có điều này thường rất cao. Theo đó, giá trị tài sản ròng của cá nhân phải đạt ít nhất là 2,25 triệu đô la Úc (1,3 triệu bảng Anh) và đăng ký trong hai năm trước đó, hoặc đầu tư tối thiểu 1,5 triệu đô la Úc (885.299 bảng Anh) vào một dự án hoặc doanh nghiệp của Úc và đảm bảo nó sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế nước này.

Theo Arabian Business, Síp là một trong những quốc gia có chương trình CIP đắt nhất. Để có được 'tấm hộ chiếu vàng', các cá nhân nước ngoài phải đầu tư bất động sản ít nhất là 2 triệu euro, hoặc đầu tư ít nhất 2 triệu euro vào các doanh nghiệp hoặc công ty có trụ sở và hoạt động tại Síp, hoặc đầu tư ít nhất 2 triệu euro vào Quỹ đầu tư thay thế (AIF).

Ngoài ra, các cá nhân này cũng có thể giữ quyền cư trú với các tiêu chí: Mua bất động sản mới trị giá ít nhất 300.000 euro; Gửi tối thiểu 30.000 euro từ nước ngoài vào một tài khoản sẽ bị khóa trong ba năm; Có thu nhập hàng năm ít nhất 30.000 euro từ nước ngoài.

Mới đây, Síp đã thay đổi các chính sách đầu tư như sau: Vốn đầu tư 2 triệu euro vẫn giữ nguyên, nhưng quyên góp không hoàn lại đối với định cư lấy quốc tịch là 200.000 euro; Con phụ thuộc (tới dưới 28 tuổi) nếu đã kết hôn sẽ không được nộp đơn đi cùng ba/mẹ là đương đơn (trước kia con cái phụ thuộc dù đã kết hôn vẫn được đi cùng); Đối với định cư quốc tịch, ba mẹ của vợ/chồng đương đơn cũng được quyền nộp đơn cùng nếu mua bất động sản 500.000 euro đi kèm (tổng cộng ba mẹ 2 bên là thêm 1 triệu euro); Những người đi cùng đương đơn có thể nộp hồ sơ xin quốc tịch cùng lúc với đương đơn (trước kia đương đơn phải được chấp nhận quốc tịch trước khi người đi kèm được nộp đơn).

Nguồn: https://nhadautu.vn/cac-quoc-gia-ma-tien-co-the-mua-duoc-tam-ho-chieu-thu-hai-va-trang-thai-cu-tru-uu-tu-d41810.html