Các đại gia Pháp hưởng lợi khi quyên góp tiền xây lại Nhà thờ Đức Bà Paris?

20/04/2019 12:10

Nhiều người cho rằng các đại gia Pháp đang được hưởng lợi khi quyên góp số tiền khổng lồ xây lại Nhà thờ Đức Bà Paris.

Nhiều người cho rằng các đại gia Pháp đang được hưởng lợi khi quyên góp số tiền khổng lồ xây lại Nhà thờ Đức Bà Paris.

Tháp nhọn cao 93m của Nhà thờ Đức Bà Paris bị đổ sập trong vụ hỏa hoạn chiều tối ngày 15/4

Sau thảm họa hỏa hoạn kinh hoàng phá hủy phần lớn Nhà thờ Đức Bà Paris, những lời cam kết quyên góp tiền từ giới doanh nhân Pháp đã liên tiếp được đưa ra.

Chỉ tính đến ngày 17/4, các tỷ phú Pháp đã cam kết tài trợ khoản đóng tiền khổng lồ 850 triệu euro (hơn 960 triệu USD) cho chính phủ để trùng tu lại Nhà thờ Đức Bà Paris, công trình văn hóa và lịch sử hơn 850 năm tuổi.

Nhưng vấn đề phát sinh là theo luật của Pháp, những nhà đóng góp từ thiện sẽ được giảm thuế 66% tính trên số tiền từ thiện và số tiền thuế khấu trừ sẽ không được lớn hơn 0,5% doanh thu/ thu nhập của doanh nghiệp/ cá nhân từ thiện.

Nhiều ý kiến cho rằng, các đại gia Pháp đang được dịp “đánh bóng tên tuổi” của mình từ những khoản tiền từ thiện khổng lồ, vì họ sẽ được khấu trừ thuế lên tới 66% số tiền đã từ thiện.

Theo tính toán này, nếu công ty Kering của tỷ phú François-Henri Pinault từ thiện 100 triệu euro, thì hãng này sẽ được khấu trừ tiền thuế tương ứng 66 triệu euro.

Trong khi, công ty LVMH của tỷ phú Bernard Arnault cam kết tài trợ 200 triệu euro cho các nỗ lực tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris, sẽ được khấu trừ thuế 132 triệu euro nếu đủ điều kiện về ngưỡng 0,5% doanh thu.

Tỷ phú Bernard Arnault, Giám đốc điều hành LVMH

Doanh thu năm vừa rồi của Kering đạt gần 14 tỷ euro. Như vậy, 0,5% doanh thu của tập đoàn này ở ngưỡng 70 triệu euro. Còn doanh thu năm 2018 của LVMH đạt 46,8 tỷ euro. Như vậy, khoản khấu trừ thuế tối đa mà LVMH được hưởng là 0,5% mức doanh thu này, là 234 triệu euro.

Từ những tính toán này, cả hai công ty sở hữu những thương hiệu thời trang xa xỉ Gucci và Louis Vuitton đều đủ điều kiện khấu trừ khoản 66 triệu euro và 132 triệu euro tương ứng với những số tiền tài trợ cho việc xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris.

Do đó, các công ty Kering và LVMH sẽ chỉ thực tế bỏ ra khoản tiền 34 triệu euro và 68 triệu euro tương ứng cho các khoản tài trợ mà họ cam kết.

Tương tự, tập đoàn Bettencourt-Meyers & family, sở hữu thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng L’Oreál, cũng tuyên bố tăng khoản quyên góp từ 100 triệu euro lên 200 triệu euro cho các nỗ lực phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris thông qua Quỹ Bettencourt Schueller.

Theo đó, khoản khấu trừ thuế mà Bettencourt-Meyers & family sẽ được nhận là 132 triệu euro, nhỏ hơn 0,5% doanh thu của tập đoàn này trong năm 2018 (26,9 tỷ euro).

Tỷ phú giàu thứ hai nước Pháp François-Henri Pinault

Điều này cũng có nghĩa là, một dòng tiền rất lớn (66% tiền từ thiện trên toàn nước Pháp) thay vì đi qua Sở thuế vào ngân sách nhà nước sẽ được chuyển thẳng tới các tổ chức từ thiện.

Và khi ngân sách nhà nước thâm hụt cho các hoạt động an sinh xã hội và các khoản đầu tư vào trường học, bệnh viện, giao thông, thủy lợi,…, thì chính phủ sẽ buộc phải tiếp tục tăng thuế thu nhập và các loại thuế khác. Ví dụ như, tăng thuế xăng dầu, điều đã gây ra biểu tình của phe Áo vàng trong suốt nhiều tháng qua tại Pháp.

Đây cũng là vấn đề Tổng thống Pháp Macron đang phải nỗ lực gỡ rối.

Làn sóng chỉ trích đối với việc tài trợ những khoản tiền khổng lồ dưới danh nghĩa công ty mà gia đình các tỷ phú sở hữu lại càng tăng lên khi ông Jean-Jacques Aillagon, cựu Bộ trưởng Văn hóa và hiện là cố vấn cho cha của tỷ phú Pinault, đề xuất rằng khoản tiền quyên góp nên được khấu từ 90% thuế thay vì 66% theo quy định.

Bình luận viên Pierre Haski của đài phát thanh France-Inter khi đó nhận xét rằng: “Điều này gây ra làn sóng phẫn nộ, khiến mọi người cho rằng hành động hào phóng trở thành lợi ích tài chính”.

Phản ứng của công chúng dữ dội đến mức ông Aillagon phải xuất hiện trên sóng radio sáng ngày 17/4 để rút lại lời đề nghị của mình.

Gia đình Pinault sau đó tuyên bố rằng họ sẽ không tìm cách khấu trừ thuế cho khoản tiền quyên góp.

Thùy Dương

Theo Giao Thông