Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: TP.HCM là đô thị có tính chất mở, chấp nhận sự khác biệt và con người không quên hưởng thụ cuộc sống

13/09/2018 12:45

Phát biểu tại phiên thảo luận về đô thị 4.0 trong khuôn khổ WEF về ASEAN, Bí thư thành ủy TP.HCM chia sẻ về sự hấp dẫn của đô thị này và mô hình Singapore mà thành phố đang hướng tới.


Phát biểu tại phiên thảo luận về đô thị 4.0 trong khuôn khổ WEF về ASEAN, Bí thư thành ủy TP.HCM chia sẻ về sự hấp dẫn của đô thị này và mô hình Singapore mà thành phố đang hướng tới.

"Đô thị không còn là nơi người nông thôn đổ xô ra thành phố nữa. Đô thị không còn là nơi mà sự đông đúc là một đặc điểm chính, nó phải là nơi mà người ta sống thoải mái hơn và là hình mẫu của những nền kinh tế mới". Đó là nhận định của ông Yasu Ota đến từ Nikkei Asian Review tại phiên thảo luận "Thiết kế những thành phố 4.0" tại Diễn đàn kinh tế Thế giới về ASEAN ngày 12/09.

Phát triển kinh tế và những thay đổi về nhân khẩu học đang tạo ra nhiều áp lực cho các đô thị trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hà Nội và TP. HCM không phải là ngoại lệ. Vậy làm thế nào để các đô thị châu Á giải quyết được các vấn đề thường nhật như tắc đường hay sự thu hẹp các không gian công cộng và tiến tới những "thành phố thông minh" của tương lai?

Thiết kế thành phố cho xe hơi chứ không phải cho con người?

Bà Maria Rebecca Pelaez Plaza, Chủ tịch công ty Plaza & Partners của Phillipines, cho rằng việc nhìn lại kinh nghiệm trong quá khứ là điều cần thiết để xây dựng những thành phố của tương lai. Khoảng 4 tỷ người trên thế giới đang sống tại các đô thị. Con số này lớn gấp nhiều lần so với những năm 70 của thế kỷ trước. Vì vậy, hai vấn đề lớn mà các thành phố phải đối mặt là cơ sở hạ tầng và sức ép dân số.

Theo bà Plaza, các nhà hoạch định chính sách cần tính đến yếu tố con người. Trước đây, vào những năm 60 – 70, nhiều đô thị mọc lên với những con đường rộng lớn có 6–10 làn dành cho ô tô. "Nhưng hồi đó chúng ta thiết kế đô thị cho xe hơi chứ không phải con người. Chúng ta quên mất con người, quên mất chính bản thân mình trong thiết kế đô thị những năm 60", bà cho biết.

"Ở Hà Nội, đô thị được thiết kế cách đây nhiều năm rồi, đặc biệt là khu vực phố cổ, họ đặt con người làm trung tâm và điều đó tạo ra sự đan xen rất tốt", bà Plaza nhận định.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: TP.HCM là đô thị có tính chất mở, chấp nhận sự khác biệt và con người không quên hưởng thụ cuộc sống - Ảnh 1.

Bà Maria Rebecca Pelaez Plaza: "Ở Hà Nội, đô thị được thiết kế cách đây nhiều năm rồi, đặc biệt là khu vực phố cổ, họ đặt con người làm trung tâm và điều đó tạo ra sự đan xen rất tốt". Ảnh: Nam Khánh.

Tuy nhiên, hiện nay các thành phố lớn của Việt Nam cũng đang đối mặt với vấn đề về tư duy thiết kế. Những tòa nhà chọc trời bằng bê tông, sắt thép mọc lên ở khắp nơi đang dần chiếm chỗ của không gian công cộng và những địa điểm mang tính văn hóa. Những khu đô thị đại diện cho "văn minh" nhốt con người trong không gian bức bối hoặc đẩy một số người ra khỏi không gian sống quen thuộc trước đây.

Kiến tạo những thành phố đáng sống đòi hỏi một bước chuyển trong tư duy thiết kế, con người cần được đặt vào trung tâm. "Con người phải là huyết mạch, là trái tim của đô thị và đặt con người lên trên hết trong thiết kế đô thị", bà Plaza nhận xét.

Để đạt được mục tiêu đó, việc thiết kế cần có sự tham gia của các bên liên quan. Các kỹ sư cũng như các nhà hoạch định chính sách cần lắng nghe những tiếng nói khác nhau từ người dân trong quá trình tham vấn.

Một điểm sáng tại TP. HCM là thành phố tiến hành thu thập ý kiến của người dân. Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, những gợi ý đó giúp chính quyền có thể giải quyết các vấn đề theo góc nhìn của công dân.

Đô thị 4.0

Những thành phố thế kỷ 21 hướng tới sự thông minh. Singapore là một ví dụ điển hình. Bộ trưởng Bộ Giao thông Singapore, ông Janil Puthucheary, cho biết: "Singapore là quốc gia hạn chế về nguồn lực và tài nguyên, nên buộc phải thay đổi và tư duy khác đi". Quốc đảo sư tử đặt ra mục tiêu trở thành một quốc gia thông minh (smart nation) nhờ tận dụng công nghệ 4.0. Đất nước này áp dụng công nghệ số trong hệ thống tàu điện ngầm, quản lý công trình và bảo trì bảo dưỡng.

Công nghệ số có thể giúp xác định tình trạng lưu thông ở các nhà ga hay bến xe. Từ những dữ liệu có được, kỹ sư có thẻ thiết kế các hệ thống một cách hiệu quả hơn. Một ý tưởng khác là sử dụng công nghệ nhằm hỗ trợ các lái xe tìm bãi đỗ xe trong thành phố dễ dàng hơn.

Ông Markus Lorenzini, Chủ tịch kiêm CEO của Siemens Thái Lan, cho rằng các đô thị trong tương lai cần áp dụng Internet vạn vật, nền tảng đám mây và những công nghệ 4.0.

"Tất cả là để không lãng phí thời gian. Dữ liệu giúp con người có cuộc sống tốt hơn ở các đô thị… để con người có nhiều thời gian hơn trong cuộc sống", ông nói. Bên cạnh đó, nền kinh tế chia sẻ dựa trên công nghệ cũng giúp các thành phố giảm tải áp lực giao thông.

Thực tế, Bí thư Thành ủy TP. HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân, cho biết thành phố cũng đang học hỏi mô hình của Singapore. Để giải quyết tình trạng tắc đường, thành phố đang áp dụng quản lý thông minh dựa trên phân tích và dự báo.

Một Sài Gòn tắc đường nhưng náo nhiệt!

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: TP.HCM là đô thị có tính chất mở, chấp nhận sự khác biệt và con người không quên hưởng thụ cuộc sống - Ảnh 2.

Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân: "TP.HCM là nơi con người không quên hưởng thụ cuộc sống". Ảnh: Nam Khánh

Một thành phố cần điều gì để trở nên hấp dẫn, bên cạnh tính hiện đại và tiện nghi?

Ông Nguyễn Thiện Nhân mô tả TP. HCM là nơi con người không quên hưởng thụ cuộc sống. Đó là một thành phố trẻ với những con người đến từ nhiều vùng đất khác nhau. Sài Gòn đa dạng về mọi thứ từ ẩm thực cho đến sắc tộc.

Ông Nhân cho biết: "TP.HCM là một thành phố có tính chất mở, chúng tôi chấp nhận và dung nạp sự khác biệt. Và nó trở thành một trong những đặc điểm tạo ra sự khác biệt cho thành phố. Đó cũng là lý do người ta đến đây để thể hiện sự khác biệt của mình".

Cũng giống như TP. HCM, Bangkok, Thái Lan nổi tiếng về độ tắc đường cũng như sự nhộn nhịp của đời sống. "Tôi cảm thấy Bangkok thực sự có sức sống của những người thuộc nhiều sắc tộc khác nhau và rất ồn ào, rất là vui. Đó là điều tôi rất nhớ khi sống ở Singapore", ông Yasu Ota chia sẻ tình yêu đối với Bangkok.

Những nét riêng về văn hóa tạo ra sức hút không hề nhỏ cho một đô thị. Một thành phố thông minh có lẽ tuyệt vời hơn nếu nó có phần quyến rũ, giống như Sài Gòn – dù tắc đường nhưng náo nhiệt.