BĐS tuần qua: Hưng Yên giao hơn 314ha đất cho Vinhomes, Quảng Ninh 'khai tử' quy hoạch 7 dự án

10/07/2021 13:22

Khánh Hòa xin Thủ tướng duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch KKT Vân Phong; Vinhomes được giao hơn 314ha đất để làm 'siêu dự án' Dream City; Sở Xây dựng Hà Nội xin ý kiến chuyển nhượng một phần dự án Ciputra hơn 2 tỷ USD... là những thông tin về bất động sản được quan tâm nhất trong tuần qua.

z2605223665768-2b52b109713a3413fed0c5748f983a7f-1625898009.jpg

Quảng Ninh thu hồi chủ trương nghiên cứu quy hoạch 7 dự án ở Vân Đồn

Ông Nguyễn Văn Đính: 'Bất động sản đang bị đẩy giá'

Đánh giá về tình hình thị trường bất động sản (BĐS) quý II và 6 tháng đầu năm 2021, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội môi giới BĐS Việt Nam cho biết: “Hiện tại, số lượng giao dịch BĐS giảm, nhưng tổng tiền đổ vào thị trường lại tăng. Có hiện tượng BĐS đang bị đẩy giá”.

Tổng Thư ký Hội môi giới BĐS Việt Nam cho hay, ngay từ đầu Quý II/2021, Việt Nam đối diện đợt dịch Covid lần thứ 4. Đợt dịch lần này nguy hiểm nhất, lây lan trên diện rộng và kéo dài nhiều tháng gây ảnh hưởng rất lớn cho cả nền kinh tế và thị trường bất động sản.

Từ đầu năm 2020 đến nay, mức độ hấp thụ trên thị trường rất thấp nên dù lượng cung mới hạn chế nhưng lượng lượng sản phẩm chào bán trên thị trường 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng cao so với cùng kỳ các năm 2019, 2020 (các sản phẩm chào bán hiện đa phần là hàng tồn từ trước)

Cũng do ảnh hưởng covid, thu nhập người dân trên tổng thể bị suy giảm. Và theo nguyên lý kinh tế vĩ mô, nhu cầu sử dụng sản phẩm giảm đi, giá bán cũng bị áp lực giảm.

Tuy nhiên, trên thực tế thị trường lại cho thấy những dấu hiệu không phù hợp quy luật và nguyên lý, đó là: Cầu thực giảm (thể hiện ở số lượng giao dịch giảm), nhưng tổng tiền vào thị trường bất động sản lại đang tăng mạnh lên.

Nguyên nhân bởi một lượng tiền lớn rút từ các lĩnh vực khác (chứng khoán, ngoại hối, các ngành kinh tế suy yếu khác) đang đổ mạnh vào thị trường bất động sản tìm cơ hội đầu tư mua sắm.

Nguồn tiền thực tế vào thị trường bất động sản rất lớn nhưng nguồn hàng lại khan hiếm là nguyên nhân chính giá bất động sản bị đẩy mạnh, tạo các cơn sốt trong tháng 2, tháng 3/2021 vừa qua.

Ngoài ra, mức giá BĐS bị đẩy lên cao một phần cũng là do khung giá đất ở rất nhiều địa phương bị điều chỉnh tăng lên 15%. Vật liệu xây dựng và các yếu tố đầu tư xây dựng đều đã tăng khoảng 50% (nhóm chi phí này chiếm tỷ trọng trên 50% giá thành đầu vào bất động sản). 

Khánh Hòa xin Thủ tướng duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch KKT Vân Phong

 UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có tờ trình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, phạm vi, ranh giới, diện tích nghiên cứu lập điều chỉnh quy hoạch khu kinh tế Vân Phong là phần diện tích 150.000ha (diện tích phần mặt nước khoảng 80.000ha, phần đất liền khoảng 70.000ha) thuộc Vạn Ninh và Ninh Hòa.

Ranh giới như sau: phía bắc giáp tỉnh Phú Yên; phía nam giáp phường Ninh Hà, các xã Ninh Quang, Ninh Phú và Ninh Vân của thị xã Ninh Hòa; phía tây giáp tỉnh Phú Yên và các xã Ninh Sơn, Ninh Trung, Ninh Đông, Ninh Bình của thị xã Ninh Hòa; phía đông giáp Biển Đông.

Một trong những mục tiêu để lập điều chỉnh quy hoạch khu kinh tế Vân Phong là xây dựng thành một trung tâm kinh tế, có sức lan tỏa trong vùng và cả nước; trở thành vùng động lực phát triển, đô thị hiện đại, thông minh; khu vực đáng sống với biểu tượng xanh - tri thức - bản sắc; bảo đảm quốc phòng - an ninh góp phần giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Thanh tra Chính phủ: Sabeco gây lãng phí khi ‘bỏ quên’ 24ha đất vàng tại KCN Tây Bắc Củ Chi

Thanh tra Chính phủ vừa thông báo kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường tại khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi (huyện Củ Chi, TP. HCM).

Qua thanh tra, cơ quan này phát hiện hàng loạt sai phạm tại khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi. Cụ thể, tính tiền thuê đất diện tích 919.095m2 không đúng thời gian của các hợp đồng thuê đất theo quy định, dẫn đến chậm nộp tiền vào ngân sách nhà nước; cho Công ty Cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) thuê đất nhưng đất trống 24ha và không có biện pháp xử lý gây lãng phí; sử dụng 1.943 triệu đồng nguồn duy tu trả cho việc xây dựng Văn phòng làm việc cơ quan Đảng, Đoàn thể tại khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi là không đúng quy định của Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi từ 215,7ha xuống 208ha làm giảm 7,7ha về quy mô, diện tích, ranh giới so với diện tích được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; không lấy ý kiến nhân dân trước khi phê duyệt điều chỉnh quy hoạch; không ban hành quy định quản lý quy hoạch điều chỉnh, dẫn đến không đảm bảo đúng quy trình, định hướng, sự công khai đối với người dân, đảm bảo việc xây dựng khu công nghiệp được thống nhất.

Được biết, Công ty thương mại Củ Chi và Sabeco đã ký Hợp đồng số 04/HĐCT ngày 1/6/2004 thuê 50ha để xây dựng và vận hành nhà máy sản xuất bia thời hạn 43 năm. Sabeco đã thanh toán toàn bộ số tiền thuê đất hơn 188 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra, Sabeco mới đầu tư và sử dụng khoảng 26ha, diện tích còn lại 24ha chưa đưa vào sử dụng trong suốt 9 năm. Hơn nữa, Sabeco không xin gia hạn thời gian sử dụng đất, vi phạm điều 15, Nghị định số 36/1997 của Chính phủ, gây lãng phí đất và tiền thuê đất đã thanh toán khoảng 18 tỷ đồng. 

Vinhomes được giao hơn 314ha đất để làm 'siêu dự án' Dream City

UBND tỉnh Hưng Yên vừa ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất (lần 1) cho Công ty Cổ phần Vinhomes để thực hiện dự án đầu tư khu đô thị sinh thái Dream City tại xã Long Hưng, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang.

Theo đó, tỉnh giao 3.146.627,6m2 đất cho Công ty Cổ phần Vinhomes để thực hiện khu đô thị sinh thái Dream City. Trong đó, 1.493.053,7m2 đất ở thuộc địa phận các xã Nghĩa Trụ, Long Hưng. Thời gian sử dụng đất tính từ ngày có quyết định giao đất đến ngày 30/12/2070.

Bên cạnh quyết định giao đất, tỉnh Hưng Yên cũng cho Công ty Cổ phần Vinhomes thuê 888.278,5m2 đất tại các xã Long Hưng và Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang để thực hiện dự án khu đô thị sinh thái Dream City. 

Sở Xây dựng Hà Nội xin ý kiến chuyển nhượng một phần dự án Ciputra hơn 2 tỷ USD

Bộ Xây dựng cho biết đã nhận được Văn bản số 2887 của Sở Xây dựng Hà Nội xin ý kiến hướng dẫn về việc thực hiện thủ tục chuyển nhượng một phần dự án khu đô thị Nam Thăng Long (khu đô thị Ciputra) quận Tây Hồ, Hà Nội.

Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng phản hồi về thẩm quyền cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản.

Theo Bộ Xây dựng, trước thời điểm Luật đầu tư 2020 có hiệu lực thi hành thì thẩm quyền cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 50 Luật Kinh doanh bất động sản 2014.

Còn từ thời điểm Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực thi hành thì thẩm quyền cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản được thực hiện theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 sửa đổi, bổ sung Điều 50 Luật Kinh doanh bất động sản 2014.

Về việc giải quyết các trường hợp hồ sơ thực hiện chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản đã nộp theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2014 nộp trước thời điểm Luật đầu tư 2020 có hiệu lực thi hành nhưng chưa giải quyết xong thì Bộ Xây dựng cho biết, tại khoản 5 Điều 115 Nghị định số 31 của Chính phủ đã quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư đã có quy định cụ thể.

Theo đó, trường hợp nhà đầu tư đã nộp hồ sơ thực hiện thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản trước ngày 1/1/2021 nay thuộc đối tượng phải thực hiện thủ tục chuyển nhượng dự án theo quy định của Luật đầu tư thì nhà đầu tư được lựa chọn tiếp tục áp dụng thủ tục theo quy định về kinh doanh bất động sản hoặc thực hiện theo quy định về đầu tư.

“Đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội đối chiếu trường cụ thể với quy định của pháp luật đầu tư và pháp luật kinh doanh bất động sản hiện hành để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”, Bộ Xây dựng cho biết. 

Quảng Ninh thu hồi chủ trương nghiên cứu quy hoạch 7 dự án ở Vân Đồn

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành quyết định thu hồi các chủ trương nghiên cứu quy hoạch chi tiết đã quá hạn hoặc không còn phù hợp với quy hoạch chung cũng như quy hoạch phân khu Khu kinh tế Vân Đồn.

Theo đó, tỉnh đồng ý đề xuất của Ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn về việc thu hồi, hủy bỏ chủ trương nghiên cứu lập quy hoạch đối với 7 dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận.

7 dự án này đều thuộc huyện Vân Đồn gồm: các dự án của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tại xã Hạ Long, được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương nghiên cứu vào ngày 20/1/2017; Khu công nghiệp Y - dược công nghệ cao tại huyện Vân Đồn được tỉnh chấp thuận chủ trương ngày 24/9/2019; Khu phức hợp thương mại cao cấp bán đảo cổng chào, thị trấn Cái Rồng được tỉnh chấp thuận chủ trương nghiên cứu ngày 26/4/2019;

Bên cạnh đó là các dự án Khu cảng và đô thị phía bắc đảo Cái Bầu được tỉnh chấp thuận nghiên cứu ngày 30/1/2018; Khu đô thị tại xã Minh Châu được tỉnh chấp thuận nghiên cứu ngày 11/3/2016; Sân golf, khu du lịch sinh thái tại đảo Minh Châu - Quan Lạn, được chấp thuận chủ trương nghiên cứu ngày 22/2/2019; Tổ hợp công nghệ cao, thương mại tự do và khu đô thị thông minh Vân Đồn được tỉnh chấp thuận chủ trương nghiên cứu ngày 11/2/2019. 

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị sổ đỏ cần ghi tên cả vợ và chồng

Bộ Tài nguyên và Môi trường mới có công văn về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mang tên cả vợ và chồng.

Công văn của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ, tránh các khiếu nại, khiếu kiện khi giải quyết các tranh chấp về đất đai, từng bước tạo điều kiện để người phụ nữ được chủ động tham gia các hoạt động về kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan 2 nội dung chính.

Thứ nhất là khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thay sang ghi cả họ tên vợ và chồng khi có nhu cầu theo quy định của pháp luật về đất đai. Hiện nay, nhiều giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng.

Thứ hai là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bình đẳng giới, về quyền của người phụ nữ đối với tài sản của chung vợ và chồng, trong đó có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất giúp người dân hiểu được tầm quan trọng và nâng cao tính tự tin, thúc đẩy sự sáng tạo để nâng cao vị thế, vai trò của người phụ nữ, tạo sự bình đẳng trong xã hội.

Dự án King Palace tại Đà Lạt của Công ty TNHH Hoàn Cầu thoát 'án tử'

Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận số 1033/KL-TTCP về việc sửa đổi một số nội dung kết luận thanh tra số 929/KL-TTCP ngày 12/6/2020 về quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Nội dung sửa đổi theo hướng bỏ gạch đầu dòng thứ 3, mục 1.3 trang 32 và bổ sung mục 1.12 (phần C, mục II) của kết luận thanh tra.

Theo đó, nội dung được Thanh tra Chính phủ sửa đổi là chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của 2 dự án do qua kiểm tra, xác minh có vi phạm pháp luật đất đai và đầu tư.

Đầu tiên là dự án vườn ươm do Công ty Cổ phần dịch vụ đô thị Đà Lạt thuê tại phường 7, thành phố Đà Lạt với diện tích 79.995,3 m2.

Thứ hai là dự án xây dụng khu dịch vụ du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp (King Palace) do Công ty TNHH Hoàn Cầu làm chủ đầu tư tại đường Trần Quang Diệu, phường 10, thành phố Đà Lạt.

Thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết trường hợp Công ty TNHH Hoàn Cầu có nhu cầu thuê lại Dinh I và các biệt thự, đất trong khuôn viên thì xác định lại giá, cho thuê tài sản theo đúng quy định, tránh làm thất thu ngân sách nhà nước.

Theo Lệ Chi/VietnamFinance