Bamboo Capital rót nghìn tỷ gom cổ phiếu ngân hàng

31/10/2021 08:00

Để tài trợ cho các hoạt động đầu tư lớn, Bamboo Capital cũng đẩy mạnh vay nợ tài chính khiến hệ số nợ/vốn chủ sở hữu lên mức cao.

Trong cuộc họp với nhà đầu tư vào nửa cuối tháng tháng 8, lãnh đạo Bamboo Capital (BCG) chia sẻ thành lập công ty tài chính để tiến vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm… nhằm hỗ trợ việc huy động vốn, tài trợ dự án và thực hiện các thương vụ M&A.

Thực tế cho thấy công ty bất động sản này đã nhanh chóng đầu tư hơn nghìn tỷ đồng vào nhiều đơn vị trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và bảo hiểm trong quý vừa qua.

Gom cổ phiếu ngân hàng

Danh mục chứng khoán kinh doanh của Bamboo Capital bất ngờ tăng mạnh lên hơn 1.670 tỷ đồng, tức tăng hơn 1.100 tỷ so với thời điểm kết thúc quý II. Trong đó phần tăng lên toàn bộ là do rót tiền vào cổ phiếu ngân hàng.

Đáng kể nhất chính là khoản đầu tư mới vào ngân hàng TPBank (TPB) với giá trị ghi sổ 990 tỷ đồng và tại ngân hàng PGBank (PGB) là hơn 113 tỷ đồng.

Trước đó trong tháng 9, Bamboo Capital và công ty con Tracodi thông báo đã mua tổng cộng 30 triệu cổ phiếu TPB trong đợt phát hành riêng lẻ của ngân hàng để sở hữu tổng cộng 2,56% vốn. Giá thực hiện là 33.000 đồng/cổ phiếu.

Thực tế đây là 2 đối tác kinh tế quan trọng với nhau, như việc ngân hàng này trong năm 2020 ký kết thỏa thuận tài trợ đến 11.000 tỷ đồng cho các dự án năng lượng tái tạo của Bamboo Capital. Trước đó còn cấp gói tín dụng cho Nhà máy điện mặt trời GAIA với tổng mức đầu tư trên 2.200 tỷ đồng.

Trong khi đó, việc đầu tư vào PGBank là giao dịch mua lại từ cổ đông hiện hữu bởi ngân hàng này không có đợt tăng vốn nào trong quý III. Tạm tính theo thị giá cuối quý tại 23.100 đồng/cổ phiếu, Bamboo Capital có thể đang nắm khoảng 4,9 triệu cổ phiếu PGB.

z2891977370864-6220d9bbf9acc4764a8efcab40121e46-1635641876.jpg

Không chỉ quan tâm đến ngành ngân hàng, Bamboo Capital còn đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực tài chính và bảo hiểm.

Giữa tháng 8, công ty thông báo tham gia góp 80% vốn thành lập công ty con BCG Financial. Đây là công ty con hoạt động trong lĩnh vực mua bán nợ, tư vấn và môi giới mua bán nợ với vốn điều lệ 400 tỷ đồng.

Vào đầu tháng 10, Bamboo Capital lại thông tin về việc dự kiến đầu tư vào Bảo hiểm AAA. Khối lượng nhận chuyển nhượng dự kiến là 79,7 triệu cổ phần, tương đương với 71% vốn điều lệ Bảo hiểm AAA và đang chờ Bộ Tài chính phê duyệt.

Hiện Bamboo Capital phát triển theo hướng tập đoàn đa ngành với hàng chục công ty thành viên trên 4 lĩnh vực chính bao gồm: Cơ sở hạ tầng & Bất động sản, Sản xuất & Nông nghiệp, Xây dựng & Thương mại, Năng lượng tái tạo.

Với những thay đổi lớn trong danh mục đầu tư thời gian gần đây, doanh nghiệp đang cho thấy một tham vọng mới trong lĩnh vực tài chính.

Cấu trúc nợ vay ở mức cao

Đương nhiên đi kèm với việc mở rộng hệ sinh thái, cấu trúc tài chính của Bamboo Capital cũng có nhiều biến động lớn, nhất là tỷ trọng nợ vay dài hạn tăng rất nhanh để tài trợ cho các hoạt động đầu tư.

Tính đến hết quý, tổng nợ phải trả ghi nhận con số vượt 29.000 tỷ đồng, chiếm hơn 82% tổng nguồn vốn doanh nghiệp. Tổng số dư nợ vay là hơn 12.900 tỷ đồng, tương ứng hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 2 lần. Đây là một tỷ lệ khá cao so với phần lớn công ty niêm yết quy mô lớn trên sàn chứng khoán.

Về cấu trúc, nợ vay tài chính ngắn hạn ghi nhận giảm nhẹ so với đầu năm khi có số dư còn gần 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra khoản nợ trái phiếu chuyển đổi cũng giảm đáng kể về 1.370 tỷ đồng.

Tuy nhiên nợ vay dài lại tăng đột biến lên gần 11.000 tỷ đồng, tức tăng hơn 8.400 tỷ so với thời điểm đầu năm. Biến động này chủ yếu do Bamboo Capital đẩy mạnh phát hành trái phiếu dài hạn với giá trị huy động thêm 7.100 tỷ so với đầu năm. Phần tăng còn lại là do tăng vay nợ tại TPBank, Nam Á Bank, LionCity…

z2891977670470-73a40fa2e490f6a2b29cce26e0c91ff2-1635641908.jpg

Hàng loạt biến động trên cũng tác động đáng kể đến dòng tiền của doanh nghiệp. Trong đó lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 7.000 tỷ đồng (do tăng đầu tư chứng khoán, tăng các khoản phải thu, phải trả). Lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư âm hơn 3.100 tỷ (do tăng đầu tư các đơn vị khác và tăng cho vay). Ngược lại Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính dương hơn 9.900 tỷ đồng để tài trợ cho các hoạt động trên (do tăng đi vay nợ tài chính).

Về hoạt động kinh doanh, Bamboo Capital báo cáo doanh thu thuần quý III giảm 41% về 457 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp có sự cải thiện đáng kể lên hơn 48%, do đó lợi nhuận gộp chỉ giảm nhẹ về 221 tỷ đồng.

Hoạt động tài chính gây chú ý khi mang về doanh thu gần 600 tỷ đồng, gấp gần 6 lần cùng kỳ năm ngoái. Chủ yếu do lãi đầu tư cổ phiếu, trái phiếu và lãi phải thu theo hợp đồng hợp tác đầu tư gấp nhiều lần cùng kỳ. Tuy nhiên do tăng vay nợ nên chi phí lãi vay của doanh nghiệp cũng tăng mạnh 4 lần lên hơn 318 tỷ đồng.

Hiệu quả cao ở hoạt động tài chính đã giúp công ty báo lãi sau thuế gần 218 tỷ đồng, gấp 2,9 lần cùng kỳ. Riêng phần lãi thuộc cổ đông công ty mẹ đạt xấp xỉ 166 tỷ đồng, gấp 5 lần quý III năm ngoái.

Tính lũy kế từ đầu năm, Bamboo Capital báo doanh thu thuần đạt 1.905 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 701 tỷ đồng, lần lượt tăng 13% và gấp gần 7 lần cùng kỳ. Tuy nhiên công ty mới thực hiện được 35% mục tiêu doanh thu và 87% kế hoạch về lợi nhuận năm.

Theo Huy Lê/Zing
Bạn đang đọc bài viết "Bamboo Capital rót nghìn tỷ gom cổ phiếu ngân hàng" tại chuyên mục Tài chính.