Ai sẽ thay ông Nguyễn Văn Thắng ngồi 'ghế nóng' VietinBank?

14/07/2018 09:05

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Vietinbank, vừa được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh và thôi làm đại diện 40% vốn Nhà nước tại ngân hàng này. Câu hỏi đặt ra, ai sẽ là người ngồi vào 'ghế nóng' thay ông Nguyễn Văn Thắng?
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương trao quyết định cho đồng chí Nguyễn Văn Thắng (Ảnh: Nghĩa Đỗ))

Chiều 13.7, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã có thông báo về người đại diện vốn nhà nước tại Vietinbank. Theo đó, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT đương nhiệm, sẽ không còn là đại diện phần vốn nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có quyết định miễn nhiệm người đại điện 40% phần vốn Nhà nước tại VietinBank với ông Thắng vào ngày 13.7. Quyết định có hiệu lực cùng ngày.

Trước đó một ngày, Văn phòng Trung ương Đảng đã ban hành công văn luân chuyển cán bộ. Trong công văn này, ông Thắng sẽ thôi tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối doanh nghiệp trung ương, luân chuyển chỉ định tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2015-2020.

Ông Nguyễn Văn Thắng được giới thiệu bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đã được HĐND tỉnh Quảng Ninh bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh với 66/67 phiếu, đạt 98,5% số đại biểu có mặt, đạt 89,1% tổng số đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ninh.

Vậy ai sẽ là người ngồi ghế nóng thay ông Nguyễn Văn Thắng hay lại sẽ hoạt động như mô hình hiện tại của BIDV là không có chủ tịch HĐQT, mà sẽ bầu một thành viên HĐQT phụ trách điều hành HĐQT.

Ứng viên sáng giá cho "ghế nóng" Vietinbank

Trước khi miễn nhiệm người đại điện 40% phần vốn Nhà nước tại VietinBank với ông Thắng vào ngày 13.7.2018, năm 2014, Thống đốc NHNN đương nhiệm khi đó là ông Nguyễn Văn Bình đã có quyết định 808/QĐ-NHNN về việc cử người đại diện 100% phần vốn Nhà nước tại Vietinbank cho 3 ông: Nguyễn Văn Thắng, Lê Đức Thọ, Cát Quang Dương làm đại diện.

Nguyễn Văn Thắng khi đó là Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Vietinbank trở thành cá nhân đại diện 40% vốn Nhà nước tại ngân hàng từ tháng 4.2014)

Sau quyết định này, ông Phạm Huy Hùng thôi chức Chủ tịch HĐQT và không còn là đại diện 40% vốn Nhà nước tại ngân hàng này. Ông Nguyễn Văn Thắng, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vietinbank trở thành cá nhân đại diện 40% vốn và trở thành chủ tịch HĐQT trẻ nhất nhóm Ngân hàng có vốn Nhà nước thời điểm đó. Ông Thắng sinh năm 1973.

Người đại diện 30% vốn tiếp theo là ông Lê Đức Thọ, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vietinbank. Ông Thọ là tiến sỹ kinh tế, công tác tại VietinBank từ năm 1990 trước khi được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng NHNN kể vào tháng 8.2013 và được bổ nhiệm làm tổng giám đốc Vietinbank nhiệm kỳ 2014 - 2018 với số phiếu 101% phiếu bầu.

Ông Lê Đức Thọ đại diện 30% vốn Nhà nước tại VietinBank (Ảnh: Tiến Lâm))

Trong thời gian làm việc tại VietinBank, ông Thọ từng đảm nhiệm khá nhiều vị trí như tổ trưởng tổ thẩm định thuộc phòng kinh doanh chi nhánh VietinBank Vĩnh Phú; phó trưởng phòng kinh doanh chi nhánh VietinBank Phú Thọ; phó trưởng phòng cân đối tổng hợp, phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp và đầu tư, trưởng phòng đầu tư và từ tháng 4.2010 giữ chức Phó tổng giám đốc VietinBank.

Với diễn biến hiện tại, ông Lê Đức Thọ được coi là ứng cử viên sáng giá cho "ghế nóng" mà ông Nguyễn Văn Thắng vừa bỏ trống,

Người cuối cùng đại diện 30% phần vốn Nhà nước tại Vietinbank là ông Cát Quang Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, Thành viên HĐQT (kiêm nhiệm) tại VietinBank.

Vietinbank kinh doanh ra sao dưới thời ông Nguyễn Văn Thắng?

Trong hơn 4 năm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT, VietinBank dưới sự chèo lái của ông Nguyễn Văn Thắng đã có khá nhiều thay đổi, Vietinbank có nhiều cải thiện về lợi nhuận, cơ cấu lợi nhuận.

Dù vậy, kết quả hoạt động của Vietinbank dưới thời ông Nguyễn Văn Thắng cho thấy những chuyển biến rõ rệt về một ngân hàng hoạt động hiệu quả theo hướng tăng nguồn thu từ doanh thu, cơ cấu vốn tập trung vào lĩnh vực ưu tiên.

Nếu như tính đến 31.12.2014, tổng tài sản của VietinBank là 661.131,6 tỷ đồng, tăng 84.763,2 tỷ đồng, tương đương 14,71% so với cuối năm 2013 thì tới 31.3.2018, tổng tài sản của VietinBank đã tăng gần gấp đôi, đạt hơn 1,114 triệu tỷ đồng.

Về hoạt động kinh doanh, hoạt động huy động tiền gửi, vàng từ khách hàng của ngân hàng tại 31.12.2014 đạt 424.181,2 tỷ đồng, tăng 16,37% so với cuối năm 2013. Tăng trưởng tín dụng trong năm 2014 của VietinBank đạt 16,9%, với tổng cho vay khách hàng đạt 439.869 tỷ đồng.

Hoạt động đầu tư chứng khoán kinh doanh của VietinBank quý IV.2014 mang về 76,4 tỷ đồng, tăng vọt so với mức 1,7 tỷ đồng quý IV.2013. Lũy kế cả năm 2014, lãi từ chứng khoán kinh doanh của VietinBank là 192,4 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần năm 2013. Tuy nhiên, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của Ngân hàng quý IV lại lỗ hơn 20 tỷ đồng, đưa khoản lỗ cả năm 2014 lên 153,7 tỷ đồng.

Hoạt động khác cũng là khoản mục có mức tăng ấn tượng trong quý IV.2014 so với cùng kỳ năm trước, với lợi nhuận đạt 1.119 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ năm trước.

Chi phí hoạt động của VietinBank quý IV.2014 giảm 8,8% so với cùng kỳ, tuy nhiên lũy kế cả năm 2014 vẫn tăng 4,39% lên 9.826,7 tỷ đồng.

Trước dự phòng rủi ro, VietinBank ghi nhận lãi 3.231,6 tỷ đồng trong quý IV.2014, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí dự phòng giảm 3,81% trong quý IV, cả năm 2014 cũng giảm 5,37% xuống còn 3.901,97 tỷ đồng.

Báo cáo cho biết, lợi nhuận trước thuế quý IV của VietinBank là 1.822,35 tỷ đồng, tăng 158% so với cùng kỳ 2013. Lợi nhuận sau thuế quý IV là 1.451,44 tỷ đồng, tăng 188,9% so với quý IV.2013.

Cả năm 2014, VietinBank lãi trước thuế 7.302,48 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra tại đại hội cổ đông là 7.280 tỷ đồng, tuy vậy giảm 5,78% so với năm 2013. Lợi nhuận sau thuế năm 2014 của Ngân hàng là 5.727,2 tỷ đồng, giảm 1,39% so với năm trước.

Trong năm 2014, VietinBank đã vay NHNN tổng cộng 4.731,12 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 147 tỷ đồng ghi nhận tại thời điểm 31.12.2013. Trong đó, vay chiết khấu, tái chiết khấu các giấy tờ có giá gần 3.500 tỷ đồng.

Cơ cấu dư nợ theo ngành năm 2017 của VietinBank
Cơ cấu dư nợ theo ngành năm 2017 của VietinBank)

Sau đó gần 4 năm, tới thời điểm 31.3.2018, dù các chỉ tiêu kinh doanh của VietinBank đều ghi nhận con số ấnh tượng hơn khá nhiều so với thời điểm 31.12.2014.

Cụ thể, tiền gửi tại NHNN của VietinBank giảm mạnh 31,7% xuống còn gần 14.200 tỷ đồng nhưng vẫn cao hơn rất nhiều so với con số ghi nhận cuối năm 2014.

Cho vay khách hàng đạt mức 816.300 tỷ đồng, tăng trưởng 4,3% so với đầu năm. Huy động tiền gửi của ngân hàng đến cuối tháng 3.2018 đạt mức gần 789.300 tỷ đồng, tăng 4,8%.

Nhìn chung, phần lớn các hoạt động kinh doanh trong kỳ của ngân hàng có mức tăng trưởng khá. Cụ thể, hoạt động tín dụng mang về khoản thu nhập lãi thuần 7.233 tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng 15,6%, đạt 592 tỷ; lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh tăng gấp đôi đạt 239 tỷ; lãi từ chứng khoán đầu tư đạt 79 tỷ trong khi cùng kỳ bị lỗ 17 tỷ đồng.

Chi phí hoạt động trong kỳ của ngân hàng ở mức 3.455 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng 13,9%, lên 2.351 tỷ đồng.

Kết thúc quý I.2018, VietinBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 3.027 tỷ đồng, tăng 19% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh kết quả lợi nhuận khả quan, Vietinbank cũng như các ngân hàng khác đều ghi nhận nợ xấu tăng lên do NHNN yêu cầu áp dụng theo chuẩn Basel II.

Tại ngày 31.3.2018, VietinBank đang có 10.295 tỷ đồng nợ xấu, tăng 1.284 tỷ đồng, tương đương tăng 14,26% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn ở mức 6.679 tỷ đồng, tăng 28% và chiếm 64,9% tổng số nợ xấu.

Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đến cuối tháng 3 ở mức 1,25%/tổng dư nợ cho vay khách hàng, tăng so với mức đầu năm là 1,14%.

Trước đó, vào năm 2014, nợ xấu của VietinBank là 4.905 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 1,11%, trong khi năm 2013 ngân hàng chỉ có 3.769 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ xấu giảm ở nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nhóm 5 (nợ nghi ngờ khả năng mất vốn) nhưng tăng mạnh gấp 2 lần ở nhóm 4 (nợ nghi ngờ).

Cần phải nói, thời ông Thắng điều hành Vietinbank, là thời điểm NHNN ban hành nhiều chính sách siết lại hoạt động kinh doanh như Thông tư 36, Thông tư 02 với các chuẩn mực quốc tế về phân loại nợ và trích lập dự phòng cho hệ thống NHTM, tiêu chuẩn Basel II. Do vậy, nợ xấu, trích lập dự phòng của các ngân hàng tuy có tăng lên nhưng đó việc đánh giá nợ xấu chuẩn hơn, chính xác hơn và sức khỏe ngân hàng tốt hơn, Vietinbank cũng không ngoại lệ.

Có lẽ, điểm đáng tiếc nhất thời kỳ ông Thắng làm chủ tịch HĐQT đó là kế hoạch sáp nhập PGBank vào hệ thống Vietinbank để tăng vốn điều lệ cấp 1 không thành công. Tuy nhiên, Vietinbank hy vọng sẽ có sự chuyển biến dưới sự điều hành của chủ tịch mới.

Theo Hoàng Thắng/Dân Việt