Vốn hóa sàn chứng khoán TP.HCM 'bốc hơi' hơn 111.400 tỉ

23/02/2023 07:26

Chỉ số chứng khoán VN-Index bị giảm gần 28 điểm trong phiên giao dịch hôm nay 22-2, khiến vốn hóa của sàn chứng khoán TP.HCM bị 'bốc hơi' hơn 111.400 tỉ đồng.

base64-16770632889611032787939-1677111979.png

Áp lực bán xuất hiện ngay từ đầu, sau đó diễn ra trên diện rộng, gia tăng mạnh đến cuối phiên giao dịch hôm nay 22-2. Đóng cửa, chỉ số chứng khoán VN-Index bị giảm mạnh 27,95 điểm (-2,58%) lùi về mốc 1.054,28 điểm. Với diễn biến này, vốn hóa của sàn TP.HCM bị "bốc hơi" hơn 111.400 tỉ đồng.

Như vậy, thị trường chứng khoán trong nước có phiên giảm thứ hai liên tiếp và nằm trong tốp đầu thế giới về giảm mạnh trong ngày.

"Thị trường giảm mạnh mang yếu tố cộng hưởng từ tác động của chứng khoán thế giới", đội ngũ phân tích của Chứng khoán MB (MBS) giải thích.

Tuy nhiên, việc nhiều cổ phiếu đang tăng tốt trước phiên ATC (khớp lệnh xác định giá đóng cửa) bỗng quay đầu giảm mạnh, thậm chí đóng cửa ở mức giá sàn là tín hiệu khiến tâm lý nhà đầu tư "quan ngại".

"Không ít các phiên trong lịch sử đã diễn ra như vậy, do đó nhà đầu tư không cần đi tìm nguyên nhân, tập trung quản trị danh mục, thực hiện đúng kỷ luật giao dịch đối với cổ phiếu cụ thể, bảo toàn vốn trước khi thị trường phục hồi trở lại", phía MBS chia sẻ.

Trong phiên, thị trường bị kéo xuống bởi hàng loạt cổ phiếu có vốn hóa lớn như VHM (Vinhomes), BID (BIDV), VCB (Vietcombank), CTG (Vietinbank), MSN (Masan), VRE (Vincom Retail)...

Các cổ phiếu ngành chứng khoán như HCM (Chứng khoán TP.HCM), CTS (Chứng khoán Vietinbank), APS (Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương)... cũng bị nhà đầu tư bán mạnh, rớt giá. Nhiều mã trong ngành bất động sản như DXG (Đất Xanh), NVL (Novaland), HPX (Đầu tư Hải Phát), SZC (Sonadezi Châu Đức)... không thoát khỏi cảnh bị giảm mạnh.

Dù vậy, đà giảm cũng được một số mã như TMP (Thủy điện Thác Mơ), HQC (Địa ốc Hoàng Quân), STG (Kho vận Miền Nam)... kìm hãm phần nào.

Tổng giá trị mua bán cổ phiếu trong ngày đạt hơn 15.400 tỉ đồng, cao nhất kể từ đầu tháng 2 này. Khối ngoại bán ròng hơn 364 tỉ đồng trên sàn TP.HCM.

Về góc nhìn kỹ thuật, đội ngũ phân tích của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định: chỉ số VN-Index kết phiên tiếp tục tạo nến đỏ giảm điểm cho thấy sự thận trọng trong tâm lý nhà đầu tư trước những diễn biến tiêu cực của chứng khoán thế giới. Bên cạnh đó, tất cả các chỉ báo đều đang cho tín hiệu tiêu cực.

Nếu tình hình không được cải thiện, VN-Index hoàn toàn có thể giảm về quanh khu vực 1.000 - 1.020 điểm, đây cũng là kháng cự gần nhất của thị trường trong ngắn hạn.

Với diễn biến hiện tại, VCBS cho rằng nhà đầu tư cần chủ động đưa ra quyết định nâng cao tỉ trọng tiền mặt kịp thời, bán giảm những mã cổ phiếu đã suy yếu và có dấu hiệu tạo đỉnh để có thể quản trị rủi ro tối đa trong ngắn hạn.

Báo cáo mới tuần trước của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) chi nhánh New York cho biết, tính đến quý 4-2022, tổng nợ hộ gia đình tại Mỹ đã tăng 394 tỉ USD lên 16.900 tỉ USD (+2,4% so với quý liền trước). Số dư thẻ tín dụng đi lên 61 tỉ USD (+7%) để chạm mức 986 tỉ USD, vượt qua mức cao nhất trước đại dịch là 927 tỉ USD.

Mặt khác, Morgan Stanley ước tính chỉ riêng năm ngoái người Mỹ đã chi khoảng 30% số tiền tiết kiệm được trong đại dịch. Riêng tỉ lệ này ở nhóm người tiêu dùng có thu nhập thấp đạt gần 50%. Đồng thời, dữ liệu cho thấy tỉ lệ tiết kiệm cá nhân đã giảm từ mức 9,3% vào tháng 2-2020 xuống chỉ còn 3,4% vào tháng 12 năm ngoái.

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 21-2 đồng loạt lao dốc khi lợi suất trái phiếu kho bạc lên cao ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư. Kết quả kinh doanh mới được các doanh nghiệp bán lẻ công bố cũng làm dấy lên lo ngại về năng lực tài chính của người tiêu dùng.

Theo Bông Mai/Tuổi trẻ