Hiện tượng phần tử ngoài xã hội tìm cách chui vào Ban quản trị chung cư, để trục lợi cá nhân, làm thiệt hại đến lợi ích của cư dân, là một trong những cảnh báo của HoREA, liên quan đến việc quản lý chung cư hiện nay.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thủ đoạn của những kẻ muốn trục lợi là mua căn hộ nhỏ, vận động để được bầu làm Trưởng ban quản trị. Sau đó thực hiện hành vi trục lợi. Đặc biệt, có cả trường hợp bán lại căn hộ chung cư, mà cư dân không hay biết, thậm chí từ bỏ vị trí Trưởng ban quản trị, sau khi đã trục lợi xong.
HoREA cũng cho rằng, việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư hiện còn nhiều vướng mắc. Trong đó, về chủ tài khoản của Ban quản trị chung cư, tại Khoản (2.c) Điều 36 Thông tư 02/2016/TT-BXD quy định: "Có thể là một thành viên hoặc nhiều thành viên Ban quản trị đứng tên đồng chủ tài khoản". Thực tế, nhiều hội nghị chung cư chỉ quy định 1 người trong Ban quản trị làm chủ tài khoản. Điều này có thể dẫn đến tình trạng lạm quyền, lạm chi, trục lợi cá nhân gây thiệt hại cho cư dân.
Một điểm vướng mắc khác cũng được Hiệp hội nêu ra là việc đóng góp kinh phí bảo trì, đối với các chung cư được thực hiện trong giai đoạn Luật Nhà ở 2005 có hiệu lực. Luật này quy định không rõ như Luật Nhà ở 2014, dẫn đến tranh chấp do người mua nhà cho rằng đã nộp phí bảo trì, khi ký hợp đồng mua nhà, trong lúc chủ đầu tư cho rằng chưa thu phí bảo trì này.
Ngoài ra, theo HoREA, khi cơ quan nhà nước, cảnh sát PCCC kiểm tra xử phạt vi phạm xây dựng đối với phần diện tích thuộc sở hữu chung, hoặc vi phạm PCCC và ra quyết định xử phạt thì trách nhiệm nộp phạt, nguồn tiền nộp phạt chưa được xác định rõ, vì Ban quản trị chung cư chỉ quản lý quỹ bảo trì hoặc quỹ quản lý, vận hành chung cư.
Được biết, TP.HCM hiện có 1.367 nhà chung cư với 141.062 căn hộ (tăng gấp 2 lần so với năm 2009 và gấp 5,5 lần so với năm 1975), với tổng diện tích sàn xây dựng là 10.645.970m2, diện tích bình quân căn hộ là 75m2. Tỷ lệ căn hộ chung cư chiếm tỷ trọng 8,4% tổng số nhà ở trên địa bàn thành phố và đang có xu thế tăng mạnh trong quá trình đô thị hóa. Chỉ trong khoảng 5 năm trở lại đây, căn hộ chung cư chiếm tỷ trọng 24,6% tổng số nhà ở xây dựng mới (trong khi tỷ lệ này ở các giai đoạn trước đây chỉ chiếm từ 3-10%).
“Tình hình tranh chấp tại các nhà chung cư có biểu hiện gia tăng do xu thế phát triển ngày càng nhiều nhà chung cư và do các tầng lớp nhân dân đô thị đang có xu thế lựa chọn sinh sống tại căn hộ. Toàn thành phố có khoảng 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau, trong đó, có 9 chung cư có tranh chấp gay gắt, phức tạp”, HoREA cho biết.
Theo VietNam.net
Link nội dung: https://www.thuongtruong24h.vn/canh-bao-bay-truc-loi-chua-tung-co-o-chung-cu-a76699.html