Một doanh nghiệp có năng lực tài chính khiêm tốn có thể bỏ ra hàng nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn tỷ đồng để mua phần vốn Nhà nước thoái khỏi các doanh nghiệp. Sau khi mua vốn thành công, thì những ông chủ thực sự mới đường hoàng lộ diện. Những thương vụ bán vốn như thế thường để lại không ít câu hỏi.
Việc bán vốn nhà nước khỏi những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ là một chủ trương đúng đắn, nhận được sự ủng hộ của nhiều giới, nhiều ngành. Vì thế việc xem xét đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư mới là vô cùng cần thiết để đảm bảo đó thực sự là nhà đầu tư khát khao thúc đẩy hoạt động của DN.
Cá bé nuốt... cá lớn
Cuối năm 2017, thương vụ bán 53,59% vốn nhà nước tại Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã làm rúng động giới đầu tư. Công ty trúng đấu giá là Công ty TNHH Vietnam Beverage đã bỏ ra 110 nghìn tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD) để mua 343 triệu cổ phần Sabeco, tương đương 53,59% vốn điều lệ với giá lên tới 320.000 đồng/cổ phần.
Thương vụ Sabeco là thành công lớn. Nhưng ẩn sau sự thành công đó, cũng là cách chơi của ông chủ người Thái khiến nhiều người giật mình
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tổng lượng nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đối với một doanh nghiệp Việt là 49%. Nhưng trong thương vụ của Sabeco, đại gia Thái Lan có thể được mua tới 51% cổ phần. Vì sao?
Công ty TNHH Vietnam Beverage chỉ được thành lập trước phiên bán vốn ít tháng (tháng 10/2017) với vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng. Chủ sở hữu khi thành lập của Vietnam Beverage là Công ty CP Đầu tư Nga Sơn. Đáng chú ý, Công ty CP Đầu tư Nga Sơn cũng mới được thành lập ngày 27/9/2017, trước Vietnam Beverage vài ngày.
Ngay sau đó, ngày 7/12, Vietnam Beverage đã tăng vốn điều lệ lên 681,6 tỷ đồng; đồng thời chuyển sở hữu sang cho Công ty CP Đầu tư F&B Alliance Việt Nam. Sở hữu 49% F&B Alliance Việt Nam là Beerco Limited - một công ty do Thai Beverage sở hữu 100%. Thai Beverage là tập đoàn đồ uống Thái Lan thuộc sở hữu của tỷ phú người Thái gốc Hoa Charoen Sirivadhanabhakdi.
Bằng cách này, Sabeco đã về tay người Thái sau một loạt các sở hữu vòng vèo.
Mới đây, phiên đấu giá cổ phiếu Vinaconex (VCG) do SCIC thoái vốn diễn ra hôm 22/11 tiếp tục mang đến sự ngỡ ngàng cho các nhà đầu tư. Nhà đầu tư Nguyễn Xuân Đông, chủ Công ty TNHH An Quý Hưng, trở thành người thắng cuộc, trúng thầu mua trọn lô 254,9 triệu cổ phiếu VCG từ SCIC để trở thành cổ đông chi phối (chiếm 57,7%).
An Quý Hưng đã mua với giá rất cao: 28.900 đồng/cổ phần, cao hơn nhiều giá khởi điểm 21.300 đồng/cổ phần, vượt xa giá đang giao dịch trên sàn chứng khoán là 18.500 đồng/cổ phần
Theo đó, tổng số tiền An Quý Hưng mua là hơn 7.360 tỷ đồng, cao hơn giá trị khởi điểm gần 2.000 tỷ đồng, cao hơn giá thị trường 2.600 tỷ đồng
An Quý Hưng là một cái tên khiêm tốn trên thị trường, có vốn điều lệ 360 tỷ đồng hồi đầu tháng 11/2018 và tăng lên mức 500 tỷ đồng hồi giữa tháng khi các doanh nghiệp đặt cọc và nộp đơn đăng ký đấu giá cổ phiếu VCG.
Kết thúc năm 2017, công ty An Quý Hưng có tài sản ngắn hạn gần 550 tỷ đồng, dài hạn 450 tỷ đồng và tổng cộng nguồn vốn gần 1.000 tỷ đồng. Năm 2017, công ty đạt 956 tỷ đồng doanh thu thuần và 62,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Với quy mô như vậy, để huy động được số tiền lên đến hơn 7.300 tỷ thì An Quý Hưng sẽ không thể chỉ dựa vào vốn vay ngân hàng. An Quý Hưng sẽ phải huy động từ các cá nhân, tổ chức khác ngoài ngân hàng.
Nếu chỉ xét thuần túy về mặt quy mô theo đăng ký, với tình hình tài chính của An Quý Hưng như vậy, thương vụ M&A An Quý Hưng thâu tóm Vinaconex như “cá bé nuốt cá lớn” vậy.
Hiệu quả doanh nghiệp sau thoái vốn
Nếu như ông chủ người Thái của Sabeco là tỷ phú lừng lẫy của Thái Lan, thì bảng thành tích của nhà đầu tư mua vốn tại Vinaconex lại khiêm tốn hơn nhiều.
Trong quá khứ, nhiều thương vụ bán vốn diễn ra, nhà đầu tư mới vào điều hành, nhưng sau đó kết quả lại không được như ý muốn.
Năm 2016, hãng Phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa. Tổng công ty Vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại. Nhưng sau đó, nhiều nghệ sĩ bức xúc vì tình hình chậm lương, lương thấp và không có định hướng làm phim của ban lãnh đạo mới. Vivaso không đầu tư làm phim, để hãng phim tan hoang, xuống cấp nghiêm trọng nhưng lại đề ra các quy định trái khoáy.
Ngày 20/9/2018, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra Công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Kết luận chỉ rõ việc cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) còn một số tồn tại và khuyết điểm.
Ngoài việc để Tổng công ty Vận tải thủy rút vốn trước thời hạn, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm các bên liên quan trong quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Với thương vụ bán vốn tại Vinaconex cũng có nhiều câu hỏi được đặt ra với một nhà đầu tư nhỏ thâu tóm trở thành cổ đông lớn của DN đầu ngành.
Sau khi Nhà nước bán vốn thành công tại Sabeco, thì nhiều người đã nhận rõ đứng sau một công ty đấu giá quy mô nhỏ là có sự xuất hiện của tỉ phú Thái Lan. Còn cho đến bây giờ mọi người vẫn còn nhiều dấu hỏi về nhà đầu tư đã bỏ ra hơn 7.300 tỷ mua lượng vốn khủng tại Vinaconex.
Việc bán vốn và bán vốn thành công về số tiền thu được là quan trọng, nhưng mục tiêu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước còn là hiệu quả doanh nghiệp sau cổ phần hóa cũng quan trọng không kém.
Vì thế việc xem xét đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư mới là vô cùng cần thiết để đảm bảo đó thực sự là nhà đầu tư khát khao thúc đẩy hoạt động của DN.
Sức ép, 1 tuần lo 7.000 tỷ tiền tươi
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa có văn bản thông báo nộp tiền mua cổ phần của Nhà đầu tư trúng giá trong phiên đấu giá cả lô cổ phần của SCIC tại Tổng công ty Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex), gửi tới Công ty TNHH An Quý Hưng.
Theo thông báo của SCIC, công ty An Quý Hưng còn phải đóng 6.823 tỷ sau khi trừ tiền đặt cọc đấu giá. Theo quy chế đấu giá, hạn cuối để đóng tiền là ngày 4/12/2018. Như vậy, thời gian còn lại không quá 1 tuần để An Quý Hưng thu xếp đủ 6.823 tỷ đồng, nếu muốn thực sự trở thành cổ đông chi phối 57,7% vốn Vinaconex.
Giới chuyên gia M&A phân tích, thông thường, để thực hiện các cú M&A với quy mô lớn, nhà đầu tư thường sử dụng chiến lược leveraged buy out (LBO) - một hình thức mua lại và sáp nhập doanh nghiệp bằng nguồn tài chính đi vay.
Theo chiến lược này, nhà đầu tư phải có một lượng tiền nhất định để thanh toán trước một phần giá trị mua và cầm cố cổ phần vừa mua để có nguồn thanh toán cho các cổ đông cũ. Sau đó, dùng dòng tiền và tài sản của doanh nghiệp mua được cầm cố để trả lại khoản vay ban đầu.
Tuy nhiên, trong trường hợp của An Quý Hưng thì LBO không khả thi bởi: Lô đấu giá vừa qua là đấu giá nguyên lô, bắt buộc An Quý Hưng phải thanh toán dứt điểm một lần toàn bộ số tiền 6.823 tỷ đồng. Nếu có công ty chứng khoán lớn nào, có nguồn tiền mạnh chịu vượt rào đứng ra nhận cầm cố cổ phiếu VCG và chấp nhận giải ngân trước khi cổ phiếu VCG về tài khoản lưu ký chứng khoán của An Quý Hưng thì nếu căn cứ vào giá cổ phiếu đang giao dịch ngày 28/11/2019 là 18.600 đồng/cp, giá trị vay được tại công ty chứng khoán với giới hạn tối đa cấp margin cho 1 mã chứng khoán không vượt quá 5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành của VCG, thì số tiền vay được chỉ khoảng 200 tỷ đồng.
Trong bản đăng ký đấu giá gửi đến HNX trước phiên thoái vốn của SCIC, An Quý Hưng cho biết tổng tài sản của doanh nghiệp này - cập nhật đến 31/12/2017 - đạt chưa đầy 1.000 tỷ đồng (999,6 tỷ đồng), trong đó vốn chủ sở hữu là 456 tỷ đồng (vốn điều lệ 360 tỷ đồng). Năm 2017, doanh thu thuần của công ty này là khá ấn tượng: 956,5 tỷ đồng; với lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp là 62,4 tỷ đồng.
Nhìn vào thực lực của An Quý Hưng có thể thấy số tiền 7.366 tỷ là con số quá lớn đầy áp lực đối với quy mô của An Quý Hưng.
Vậy, “dòng tiền” từ đâu để An Quý Hưng có đủ trước ngày 4/12/2018.
Có 2 giả thiết được đặt ra: Một là vay ngân hàng thì liệu có ngân hàng hay bên tài trợ vốn nào cho vay, cầm cố cổ phiếu VCG với giá cao ngất ngưởng, cao hơn gần 60% so với giá trên sàn?
Thứ 2, An Quý Hưng sử dụng nguồn tiền mặt thông qua hợp tác đầu tư để huy động vốn thì “đại gia” giấu mặt là những ai mà có thực lực mạnh đến vậy và vì sao họ không trực tiếp tham gia đấu giá?
Cần lưu ý thêm rằng, thời điểm hiện tại, các ngân hàng cũng đang hạn chế cho vay đầu tư chứng khoán, do đó, nếu đơn vị nào hợp tác đầu tư với An Quý Hưng thì đơn vị đó cũng phải sẵn có nguồn tiền mặt, có tiềm lực tài chính mạnh. Và đây là điều giới đầu tư hết sức quan tâm.
Theo Vietnamnet
Link nội dung: https://www.thuongtruong24h.vn/ca-be-nuot-ca-lon-nhung-cu-thau-tom-doanh-nghiep-viet-chan-dong-a57654.html