“Chúng tôi không bao giờ bảo vệ ý kiến cá nhân mà sẽ xem thử luận điểm của bên kia thế nào. Chúng tôi chỉ quan tâm tới 2 thứ: Logic có đúng không và có dữ liệu chứng minh không. Nếu không có dữ liệu và không có logic thì không thể đưa ra nhận định”, một trong hai đồng sáng lập của Ohana tiết lộ.
Trần Phan Thanh Thảo học chuyên ngành văn, đã từng làm việc cho một công ty quảng cáo có tên tuổi trong lĩnh vực tự động hóa, còn Võ Trần Bảo Tâm lại là kỹ sư công nghệ tại Thung lũng Silicon. Hai con người với chuyên môn khác nhau, những góc nhìn khác nhau nhưng đã cùng hợp tác để tạo nên ứng dụng tìm nhà Ohana, ứng dụng xuất hiện trong tập 13 của Shark Tank Việt Nam mùa 2 vừa qua.
Chia sẻ tại chương trình Café Khởi Nghiệp phát sóng cách đây không lâu, CEO Trần Phan Thanh Thảo và CTO Võ Trần Bảo Tâm cho biết trên thực tế, họ đã từng hợp tác kể từ thời còn là sinh viên du học bên Mỹ.
Theo đó, lần đầu tiên hai người làm chung là một dự án nhỏ, mà Thảo gọi là "bán vé chai" vì chủ yếu liên quan đến việc mua bán sách. Vào mùa hè sinh viên bên Mỹ thường thải ra nhiều sách trong khi sách có giá rất đắt, vào khoảng 100-500 USD/quyển, thậm chí với sách y khoa là 1.000 USD. Vì muốn mau chóng nghỉ hè nên nhiều sinh viên bán sách với giá chỉ còn 10-30 USD/quyển, và đây là cơ hội để 2 người bạn có thể kiếm tiền được. Họ cùng nhau in tờ rơi đi dán khắp các trường đại học ở Atlanta để thu mua sách cũ. Tuy nhiên dự án chỉ kéo dài trong khoảng 3 tháng mùa hè cộng thêm 3 tháng đầu năm học mới nữa thì kết thúc.
CEO Thảo Trần và CTO Tâm Võ trên sóng Cafe Khởi Nghiệp.
Sau này, Thảo và Tâm còn cùng nhau gây dựng một công ty về gia công phần mềm, kết nối các kỹ sư người Việt Nam với những khách hàng có nhu cầu bên Mỹ. Giữa lúc công ty đã có những thành công nhất định thì họ về Việt Nam, rẽ sang hướng khởi nghiệp với ứng dụng tìm nhà trọ Ohana.
"Chúng tôi đã từng sống qua nhiều thành phố khác nhau, và ở đâu cũng gặp vấn đề về nhà ở. Tôi nghĩ chưa có ai hứng thú giải quyết thì sao mình không làm, vậy là chúng tôi hình thành ý tưởng Ohana".
"Tôi xác định muốn tạo ra cái gì đó có tầm ảnh hưởng đến cộng đồng và chúng tôi bắt đầu đặt lên bàn cân. Với outsoucing phần mềm, mô hình tăng trưởng chậm vì phải lệ thuộc vào số lượng kỹ sư làm việc còn với một công ty làm về sản phẩm thì có thể phục vụ 10 nghìn, 100 nghìn, thậm chí 1 triệu người cùng lúc. Tôi nghĩ đến việc đi theo hướng này dù có thể rất thử thách", CEO Ohana cho biết.
Ban đầu giữa hai người bạn có sự tranh cãi về hướng đi nhưng họ quyết định phải thử nghiệm trước, còn các cuộc tranh cãi tạm gác lại. Họ đặt mục tiêu ra một bản thử nghiệm nhưng không đầu tư quá nhiều công sức mà chỉ để thử xem hướng đi này có đáng đi không. Cả 2 đặt ra giả thiết nếu ứng dụng là những gì người tiêu dùng thực sự cần thì họ phải có 500 user sau 4 tuần đầu tiên.
"Chúng tôi ra bản thử nghiệm, sau 1 tháng nhìn lại thấy đã có 2.000 người dùng, lúc ấy chúng tôi biết rõ ràng mình nên làm gì", CEO Thảo Trần nhớ lại.
Vì nhanh nhạy với những vấn đề liên quan đến tâm lý cảm xúc nên Thảo phụ trách mảng marketing, ngoại giao, đi xây dựng các mối quan hệ bên ngoài còn người có đầu óc phân tích, đam mê công nghệ như Tâm sẽ lo về sản phẩm, quy trình công ty. Tuy nhiên với những vấn đề quan trọng, họ vẫn ra quyết định cùng nhau.
Dù cả hai đều có cá tính mạnh, cái tôi lớn nhưng CTO Tâm Võ cho biết nếu có vấn đề xung đột, họ sẽ không nghĩ đến chuyện nhường nhau mà tiếp tục tranh luận để tìm ra cái gì đúng. Chỉ khi nào kết quả khiến cả hai bên đều đồng ý thì họ mới ra quyết định, còn không đồng ý nghĩa là còn có điều gì đó khúc mắc, và họ phải tiếp tục giải quyết khúc mắc đó.
"Chúng tôi không bao giờ bảo vệ ý kiến cá nhân mà sẽ xem thử bên kia luận điểm của họ thế nào. Chúng tôi chỉ quan tâm tới 2 thứ: Logic có đúng không và có dữ liệu chứng minh không. Nếu không có dữ liệu và không có logic thì không thể đưa ra nhận định", Tâm Võ tiết lộ.
Theo những người sáng lập Ohana, khi xảy ra xung đột, mỗi cá nhân có thể đưa ra một quan điểm khác nhau nhưng sự thật đôi khi nằm ở giữa câu chuyện đó. Có những cofounder sở hữu cái tôi lớn, quá trình tranh luận với người khác khiến họ không thể kiềm chế được, cố gắng tranh cãi tới mức không biết mình đang tranh cãi về vấn đề gì nữa thì thực sự rất tai hại.
"Cái khó là làm sao để quán xuyến bên trong mình, biết được mức độ cảm xúc của mình tăng lên đến đâu. Nếu cảm xúc đang lên quá cao, tốt nhất nên dừng lại giải lao, uống nước và sau đó hãy quay trở lại", CTO Tâm Võ khẳng định.
Nhật Anh
Theo Trí Thức Trẻ