Người Thái tràn sang: Chiếm phần Việt Nam, 'đánh' lên tận Trung Quốc

Có thể nhận thấy người Thái đang tận dụng rất tốt thị trường Việt Nam để kiếm lời. Không chỉ nhận cả nghìn tỷ đồng cổ tức, người Thái còn mượn đường đánh hàng sang Trung Quốc, rồi 'mượn đặc sản' Việt để thu lợi lớn trên thị trường xuất khẩu.

Có thể nhận thấy người Thái đang tận dụng rất tốt thị trường Việt Nam để kiếm lời. Không chỉ nhận cả nghìn tỷ đồng cổ tức, người Thái còn mượn đường đánh hàng sang Trung Quốc, rồi 'mượn đặc sản' Việt để thu lợi lớn trên thị trường xuất khẩu.

Ung dung ngồi đếm tiền

Mới đây, hãng bia số một thị trường Sabeco dự kiến chia cổ tức đợt 2 trong năm nay với tỷ lệ 20% bằng tiền mặt (tương ứng với mỗi cổ động sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận thêm 2.000 đồng tiền mặt). Theo đó, ngày chốt danh sách cổ đông là 27/11 và ngày thanh toán dự kiến vào 12/12.

Chỉ trong vòng hai tháng, cổ đông Sabeco tiếp tục nhận cổ tức “khủng”. Đợt 1 trước đó diễn ra vào cuối tháng 10 qua, với tỷ lệ 15% bằng tiền mặt.

Hai cổ đông lớn nhất nhận số cổ tức “khủng” này là Bộ Công Thương và Vietnam Beverage, đại diện cho Tập đoàn Thaibev của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi. Cụ thể, với tỷ lệ sở hữu 53,59%, tỷ phú Thái sắp tới sẽ “bỏ túi” thêm 1.200 tỷ đồng “tiền tươi thóc thật” trong cả năm 2018.

Năm 2018, tỷ phú Thái thu về gần 2.400 tỷ đồng tiền tươi từ Sabeco

Điều đáng chú ý nữa là vào hồi đầu năm nay, khi mới nắm quyền kiểm soát công ty, vị tỷ phú Thái đã kịp lấy thêm 1.200 tỷ đồng cổ tức trong năm 2017 của Sabeco.

Cuối năm ngoái, tỉ phú Thái này vay gần 5 tỷ USD để mua lại Sabeco với mức giá cổ phiếu lên đến 320.000 đồng/cổ phiếu, hiện thị giá còn quanh mức 220.000 đồng/cổ phiếu.

Mới đây, Sabeco đã công bố kết quả kinh doanh quý III. Theo đó, doanh thu hợp nhất đạt 25.543 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm xuống còn 3.482 tỷ đồng, giảm 6,3%, mà theo lý giải của công ty là do chi phí đầu vào tăng.

Mặc dù lợi nhuận giảm, nhưng tỷ lệ chia thưởng cổ tức bằng tiền mặt năm nay vẫn là 35%, bằng với năm ngoái. Đáng chú ý là trong năm nay Sabeco chia cổ tức sớm hơn, trong bối cảnh công ty này có cổ đông lớn nắm quyền sở hữu là gia tộc tỷ phú Thái.

Trên thực tế, hưởng cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ cao, được chia đều đặn là “phần thưởng” cho các cổ đông lớn khi nhảy vào những doanh nghiệp “bò sữa” kiểu như Sabeco hay Vinamilk, vốn có cổ phần của SCIC với tỷ trọng lớn.

Hồi tháng 9, Vinamilk cũng đã tiến hành chia cổ tức đợt 1 trong năm nay với tỷ lệ 20%, tương ứng với việc chi 2.900 tỷ đồng chi trả cổ tức. Bên cạnh đó, công ty cũng tăng vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu thêm cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20%.

Tại Vinamilk đang diễn ra cuộc đua tăng tỷ lệ sở hữu của F&N (cũng là tỷ phú Thái sở hữu Sabeco) và Platinum Victory, trong khi đó, SCIC chưa có động thái muốn giảm bớt tỷ lệ sở hữu tại đây.

Bán trái cây, mượn danh phở Việt

Nếu như những tỷ phú Thái kiếm tiền từ những thương vụ triệu USD trên thị trường chứng khoán thì ở mặt trận xuất khẩu, các ông chủ người Thái cũng không kém phần tài tình và khéo léo khi tận dụng hết mức lợi thế của thị trường Việt Nam.

Có đến 80% lượng sầu riêng Thái mượn đường Việt để vào thị trường Trung Quốc

Điển hình là câu chuyện mới đây lại rộ lên về tình trạng trái cây Thái tạm nhập tái xuất ở Việt Nam. Theo đó, trái cây xuất xứ Thái Lan nhập khẩu chiếm kim ngạch đến gần 580 triệu USD trong 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, mức tiêu thụ tại thị trường Việt Nam được các chuyên gia ước chỉ khoảng 74 triệu USD. Điều này đồng nghĩa với việc lô hàng gần nửa tỷ USD không tiêu thụ ở Việt Nam, mà theo đường biên mậu chạy sang Trung Quốc, một quốc gia luôn “đói” trái cây.

Trên thực tế, với lợi thế về thuế quan và đường biên mậu với cả Thái Lan và Trung Quốc, trong khi Thái Lan có chính sách hạn chế xuất khẩu trực tiếp nên tình trạng hàng Thái “mượn đường” là khá phổ biến, theo nhận định của các chuyên gia.

Không chỉ kiếm tiền từ trái cây nhập khẩu, người Thái cũng khôn ngoan tìm kiếm đặc sản Việt để nhập ngược trở lại phục vụ cho người dân nước mình.

Mới đây, Mega Market (trước đây là Metro Cash & Carry, được tập đoàn TCC mua lại và đổi tên), cho biết trong quý I đã xuất đơn hàng hơn 100 tấn nông sản Việt Nam để phân phối trên khắp hệ thống siêu thị Big C. Tập đoàn này cũng không giấu diếm tham vọng mở rộng thị trường, tuyên bố tiềm năng xuất khẩu nông sản Việt sang thị trường Thái là rất lớn.

Không chỉ có khoai lang hay thanh long, nhiều “món ngon” khác cũng rớt vào tay người Thái, chẳng hạn như món Phở. Mới đây, tập đoàn Charoen Pokphan Foods Plc (CPF) chia sẻ thông tin về sản phẩm phở ăn liền của công ty này bán rất chạy tại châu Mỹ, được phân phối trên kệ hàng của các siêu thị lớn ở Walmart, Costco, Kroger, Amazon...

Trong vài năm trở lại đây, người Thái rất tích cực mua lại các công ty lớn ở Việt Nam, không chỉ là những công ty hàng tiêu dùng hàng đầu thị trường như Sabeco hay Vinamilk, mà còn là những chuỗi bán lẻ như Metro, Nguyễn Kim hay Big C.

Điều này dấy lên nỗi lo ngại về việc hàng Thái sẽ chi phối thị trường Việt, và những doanh nghiệp Việt có hàng hóa tương đồng sẽ ngày càng khó cạnh tranh hơn. Nhưng không chỉ có thế, rõ ràng, người Việt còn “để rơi” nhiều thứ khác vào tay người Thái, vốn rất nhanh nhạy hiểu thấu nhu cầu của thị trường.

Dũng Nguyễn

Theo Vietnamnet

Link nội dung: https://www.thuongtruong24h.vn/nguoi-thai-tran-sang-chiem-phan-viet-nam-danh-len-tan-trung-quoc-a52893.html