Jeff Bezos cho rằng khi các công ty ngừng thử nghiệm và ngừng thất bại, cuối cùng họ sẽ rơi vào thế tuyệt vọng...
Jeff Bezos là người đã biến Amazon từ một gian hàng bán sách trực tuyến trở thành đế chế thương mại điện tử khổng lồ với vốn hóa vượt 1.000 tỷ USD, còn ông trở thành người giàu nhất hành tinh với tài sản vượt 150 tỷ USD. Trong 24 năm xây dựng Amazon, Bezos đã đưa ra nhiều quyết định đột phá giúp công ty phát triển, nhưng cũng vấp phải vô số sai lầm.
Dưới đây là những sai lầm khiến Amazon thiệt hại hàng tỷ USD của Jeff Bezos được trang MSN tổng hợp.
Ra mắt vào năm 2014, điện thoại thông minh Amazon Fire là lần thất bại lớn của Amazon. Chỉ trong vòng vài tháng, giá của điện thoại này đã giảm từ 199 USD xuống chỉ còn 99 xu cùng hợp đồng 2 năm với nhà mạng AT&T. Thất bại của sản phẩm này cũng khiến Bezos mất 170 tiệu USD.
"Nếu bạn nghĩ đây là thất bại lớn thì chúng ta đang gặp phải thất bại lớn hơn nhiều ngay bây giờ", Bezos trả lời phỏng vấn với Washington Post vào năm 2016. "Một vài trong số đó sẽ là biến Fire trông đỡ thất bại hơn".
"Tôi đã có những thất bại trị giá hàng tỷ USD tại Amazon.com", Bezos nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2014. "Có thể bạn còn nhớ Pets.com hay Kosmo.com".
Năm 1999, Amazon mua 50% cổ phần của Pets.com và tham gia vào một vòng gọi vốn 50 triệu USD của công ty thú cưng trực tuyến này, theo Newsweek. Tuy nhiên, 4 năm sau đó, công ty này phá sản.
Theo New York Times, Amazon đã đầu tư ít nhất 60 triệu USD vào Kozmo.com. Tuy nhiên, hãng bán lẻ trực tuyến giao hàng trong vòng một giờ này chỉ tồn tại được vài năm trước khi đóng cửa. Tuy nhiên, năm 2018, công ty này đã quay trở lại với chủ sở hữu mới cùng mô hình kinh doanh mới.
Ra mắt vào tháng 4/2015, Amazon Destinations là dịch vụ đặt du lịch tập trung vào các điểm tham quan tại địa phương. Tuy nhiên, chỉ 6 tháng sau đó, Amazon đã dừng dịch vụ này. Bezos chưa từng phát biểu công khai về việc đóng cửa Amazon Destinations, nhưng nếu so với những rủi ro ông từng chấp nhận trong sự nghiệp, vụ này khá nhỏ bé.
"Tôi không hối hận vì đã thử và thất bại", Bezos nói về việc thành lập Amazon trong bài phát biểu trước sinh viên Đại học Princeton vào năm 2010.
Ra mắt vào tháng 7/2014, Amazon Wallet là một dạng ví điện tử dùng để lưu trữ và quản lý các thẻ quà tặng và thẻ khách hàng thân thiết của khách hàng Amazon. Tuy nhiên, dự án này chỉ hoạt động vỏn vẹn 6 tháng, trước khi phá sản bởi Amazon Wallet không cho phép khách hàng giữ thẻ tín dụng hay thẻ ghi nợ.
Tuy nhiên, Bezos có vẻ không mấy căng thẳng về sự sụp đổ nhanh chóng của Amazon Wallet bởi ông thường rút ra được bào học từ những thất bại.
"Tôi cho rằng thứ chúng ta khác biệt nhau chính là thất bại. Tôi tin rằng chúng tôi (Amazon) là nơi tốt nhất trên thế giới để thất bại (chúng tôi đã thực hành rất nhiều). Thất bại và đổi mới là cặp song sinh không thể tách rời", Bezos nói trong thư gửi cổ đông năm 2015.
Được thiết kế dành cho các doanh nghiệp nhỏ, Amazon Local Register ra mắt vào tháng 8/2014. Máy đọc thẻ an toàn cùng ứng dụng di động này muốn cạnh tranh với Square và PayPal nhưng không mấy thành công. Amazon đã dừng bán thiết bị mới này cho các doanh nghiệp vào tháng 10/2015 và chấm dứt hoàn toàn chương trình này vào tháng 2/2016. Bezos không nói chi tiết về việc này nhưng có thể thấy ông vui mừng khi ít nhất Amazon đã thử lấn sân vào lĩnh vực xử lý thanh toán.
"Điều thực sự quan trọng là, khi các công ty ngừng thử nghiệm và ngừng thất bại, cuối cùng họ sẽ rơi vào thế tuyệt vọng", Bezos nói trong một bài phòng vấn vào năm 2014.
"Những ngày đầu của Marketplace (nền tảng cho phép người bán thuộc bên thứ 3 đăng bán sản phẩm trực tiếp cho khách hàng) thật chẳng dễ dàng gì", Bezos nói trong thư gửi cổ đông năm 2014. "Đầu tiên, chúng ta ra mắt Amazon Auctions (nền tảng đấu giá). Tôi nghĩ là có khoảng 7 khách hàng, nếu tính cả bố mẹ và anh chị em của tôi. Auctions sau đó chuyển thành zShops, chủ yếu dựa trên phiên bản giá cố định của Auctions. Một lần nữa, chẳng có khách hàng nào".
Bezos và đội ngũ của mình đã rút ra bài học từ Amazon Auctions và zShops để thành lập nền tảng Marketplace. Trong thư gửi cổ đông năm 2017, ông tiết lộ rằng hơn một nửa sản phẩm bán trên Amazon toàn thế giới trong năm đó là từ người bán thuộc bên thứ 3 - lần đầu tiên trong lịch sử công ty.
Tháng 3/2011, Amazon triển khai tính năng TestDrive, cho phép người dùng thử các ứng dụng trước khi quyết định mua. Tuy nhiên, tới tháng 4/2015, Amazon chính thức gỡ bỏ tính năng này bởi nó gây ra sự sụt giảm đáng kể về lượng dùng và download của các ứng dụng miễn phí, theo TechCrunch.
Bezos không coi TestDrive là một thất bại nhưng ông từng nhấn mạnh cách tiếp cận với thất bại của mình trong lá thư đầu tiên gửi cổ đông vào năm 1997.
"Cúng ta sẽ tiếp tục đánh giá các chương trình và phân tích hiệu quả của các khoản đầu tư, để hủy bỏ những chương trình không mang lại lợi nhuận, và đẩy mạnh đầu tư vào những chương trình chúng ta làm tốt nhất", Bezos viết. "Chúng ta sẽ tiếp tục học hỏi từ cả thành công và thất bại của chính mình".
Ra mắt vào năm 2009 và chấm dứt vào năm 2014, Amazon WebPay là dịch vụ thanh toán trực tuyến trên máy tính. Dù không thích thất bại, Bezos tin rằng đây là một phần trong hành trình phát triển của Amazon. Trong thư gửi cổ đông năm 2015, ông chia sẻ suy nghĩ về việc xây dựng văn hóa công ty, trong đó có sự thất bại.
"Văn hóa được dần tạo nên theo thời gian bởi con người và các sự kiện - bởi những câu chuyện về thành công và thất bại trong quá khứ đã trở thành một phần cốt lõi của công ty", Bezos viết.
Năm 2007, Amazon ra mắt Askville.com, trang web chia sẻ thông tin cho phép người dùng đặt câu hỏi và nhận câu trả lời từ những người dùng khác. Trang web này đã xây dựng được kho thông tin khổng lồ, nhưng điều đó vẫn không đủ để giúp nó tồn tại. Askville chính thức dừng hoạt động vào năm 2013.
Có thể Bezos không coi Askville là một thất bại bởi nó phục vụ cho một mục đích. Ông chưa từng phát biểu về trang web này, nhưng tỏ ra khá cởi mở về việc thử những thứ mới.
"Rất hiếm khi bạn phải hối hận về thứ gì đó bạn đã làm nhưng thất bại", Bezos nói trong một cuộc phỏng vấn đầu năm 2018. "Và tôi cho rằng, khi bạn nghĩ về những thứ mà mình sẽ thấy hối tiếc năm 80 tuổi, hầu hết sẽ là những việc bạn không làm".
Amazon ra mắt trang bán hàng thời trang "ăn liền" MyHabit vào năm 2011 nhưng đóng cửa 5 năm sau đó. Trong một thông cáo gửi tới tờ Women's Wear Daily, Amazon nói rằng thời trang là một trong những danh mục hàng hóa tăng trưởng nhanh nhất của công ty và quyết định đóng cửa MyHabit nhằm đơn giản hóa các lựa chọn cho khách hàng của mình.
"Tôi là kiểu người luôn nhìn mọi thứ theo hướng để cải thiện chúng", Bezos nói trong một cuộc phỏng vấn đầu năm 2018. "Tôi luôn nhìn theo kiểu, xem nhà hàng này có thể cải thiện tốt hơn không? Vì vậy, tôi luôn có được những ý tưởng mang tính cải tiến".
Hoài Thu
* Nguồn: VN Economy
Link nội dung: https://www.thuongtruong24h.vn/10-lan-that-bai-ty-usd-cua-ong-chu-amazon-a42604.html