Kiếm chác, rao bán tài khoản ChatGPT tràn lan tại Việt Nam

Hùa theo "cơn sốt" ChatGPT đang lan rộng tại Việt Nam, dịch vụ tạo, mua, bán tài khoản ChatGPT cũng được rao bán tràn lan trên các trang mạng xã hội.

ducthien-chatgpt-2read-only-1675437614356125869239-1675469053.jpeg

Dù đang rất "hot" nhưng ChatGPT mới chỉ cho phép người dùng tại một số quốc gia (Mỹ, Anh...) đăng ký sử dụng nên người dùng tại Việt Nam đã phải nhờ đến các thủ thuật công nghệ hay đơn giản hơn là mua tài khoản tạo sẵn hoặc nhờ người khác tạo giúp có tính phí. 

Từ đó, một thị trường mua bán tài khoản, cung cấp dịch vụ tạo tài khoản ChatGPT nhanh chóng hình thành và cực kỳ sôi động trên các nhóm mạng xã hội.

Nhốn nháo mua bán tài khoản ChatGPT

Với mức phí từ 10.000 đồng trở lên, người dùng sẽ được các dịch vụ hỗ trợ tạo mới hoặc kích hoạt tài khoản ChatGPT để có thể sử dụng được tại Việt Nam. Trong vai một người dùng đang muốn có tài khoản để sử dụng ChatGPT, tôi liên lạc với một bạn trẻ tên Huy - thành viên trong một nhóm chuyên về ChatGPT trên Facebook. 

"Bác muốn mua acc hay tôi chỉ cách tạo acc (account - tài khoản ChatGPT)", Huy đi nhanh vào vấn đề chính ngay khi tôi vừa "alô". Huy nói rõ thêm về phí dịch vụ: "Tôi chỉ tạo cho bác thì 10k, còn bác mua thì tôi làm hết từ A tới Z tôi lấy 15k nhé bác".

Huy cho biết mới chỉ rao cung cấp dịch vụ vài ngày nhưng số lượng tin nhắn chờ của "khách" đã lên đến hàng trăm lượt. 

"Dịch vụ này chỉ đơn giản là nhờ một số điện thoại ở nước ngoài như Anh, Mỹ để nhận mã xác thực OTP từ ChatGPT gửi đến và điền vào tài khoản đăng ký để kích hoạt và sử dụng được ở Việt Nam mà không bị chặn như cách đăng ký thông thường", Huy thoải mái cho biết. 

Bạn trẻ này cũng bộc bạch: "sẵn lợi thế có số điện thoại người nhà ở nước ngoài" nên cung cấp dịch vụ với giá rẻ cho vui chứ không như nhiều cá nhân khác hét giá hàng chục, thậm chí gần cả trăm nghìn cho một tài khoản ChatGPT.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, rất nhiều cá nhân khác cũng "sẵn lợi thế có số điện thoại người nhà ở nước ngoài" hoặc "có kỹ năng công nghệ thuê được số điện thoại ở nước ngoài nhằm lấy mã OTP" nhằm đua nhau cung cấp dịch vụ, thậm chí rao bán luôn các tài khoản đã được đăng ký và kích hoạt sẵn. Người mua chỉ việc trả tiền và lấy tài khoản về sử dụng thoải mái. 

Mức giá cho dịch vụ cũng dao động không nhỏ giữa các cá nhân, có người chỉ lấy phí cho vui bằng ly cà phê vỉa hè chừng 10.000 - 20.000 đồng, nhưng cũng có cá nhân "hét" đến 60.000 - 100.000 đồng.

Một nhóm về ChatGPT trên Facebook vừa chỉ mới thành lập được hơn một tháng nhưng số lượng thành viên đã nhanh chóng tăng lên hơn 10.000 người, trong đó phần lớn là những người dùng bình thường tò mò "hóng" chuyện. 

Ước tính chỉ cần 20% thành viên trong nhóm này nhờ đến dịch vụ tạo tài khoản hoặc mua tài khoản ChatGPT có sẵn thì doanh thu của các cá nhân cung cấp cũng đạt hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. 

Trong khi chỉ tính riêng trên Facebook hiện nay đã có đến hàng chục hội nhóm liên quan đến tài khoản ChatGPT: Mua bán trao đổi nick ChatGPT, Cộng đồng ChatGPT Việt Nam, Hội ChatGPT Việt Nam, Tạo TK ChatGPT, Cộng đồng ChatGPT- OpenAI Việt Nam...

Việc làm thời vụ mở tài khoản ChatGPT nhưng "làm chơi ăn thật" đã khiến số lượng cá nhân cung cấp dịch vụ "mọc lên như nấm", đua nhau quảng cáo tràn lan như spam, tạo thành một thị trường đầy sự nhốn nháo. 

Chỉ cần vào Facebook và tìm kiếm cụm từ "tài khoản ChatGPT", người dùng sẽ dễ dàng tìm thấy hàng trăm bài đăng quảng cáo dịch vụ tạo tài khoản xuất hiện khắp "cõi" thế giới ảo này. 

"Nhận mở tài khoản ChatGPT chỉ 25k tài khoản thường, 49k cho tài khoản vip. Bảo hành tài khoản nếu có vấn đề về tài khoản được cấp mới. Nhanh tay ib (inbox) em tham gia để không bị tuột lại phía sau nhé các bác", trích bài đăng quảng cáo của thành viên Thanh Tùng trên mạng.

Còn bài quảng cáo của thành viên Thế Toản: "Mình nhận tạo giúp tài khoản ChatGPT với giá chỉ #15.000. Các bạn chỉ cần cung cấp mail, mật khẩu bạn muốn đặt rồi gửi mình link xác thực gửi về mail. Sau đó các bạn có thể đăng nhập và sử dụng trực tiếp, không cần fake ip (giả mạo địa chỉ mạng ở nước ngoài), dùng được cả tiếng Việt"...

Nhiều rủi ro tiềm ẩn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia an ninh mạng đã lên tiếng cảnh báo người dùng cẩn trọng khi thực hiện các giao dịch liên quan đến mua bán tài khoản ChatGPT. Các chuyên gia đều cho rằng độ "hot" của ChatGPT chắc chắn sẽ làm xuất hiện những chiêu thức lừa đảo mới. 

Chúng có thể là lừa tiền trực tiếp người dùng bằng cách dụ người dùng gửi tiền trước nhưng không cung cấp tài khoản hoặc cho tài khoản sai, hoặc bán một tài khoản cho nhiều người dùng khác nhau... 

Một chiêu lừa khác là người dùng có thể bị dụ cung cấp các thông tin tài khoản email và mật khẩu đang sử dụng, từ đó bị kẻ xấu chiếm đoạt và tấn công sang nhiều tài khoản liên quan khác...

Ông Nguyễn Minh Đức, CEO CyRadar, cảnh báo: "Hiện nay một bước quan trọng để đăng ký sử dụng ChatGPT là cần một số điện thoại nước ngoài (một số quốc gia) để nhận SMS OTP. 

Do đó, người sử dụng ở Việt Nam cần phải nhờ người quen ở nước ngoài, hoặc thuê/mua các dịch vụ cung cấp số điện thoại ảo. Việc này có thể dẫn tới các nguy cơ có kẻ xấu lợi dụng lừa đảo trực tuyến, lấy mất thông tin hoặc tiền trong tài khoản. 

Bên cạnh đó, nếu sau này ChatGPT cho phép thiết lập lại mật khẩu qua SMS thì có thể sẽ bị cướp mất tài khoản do chúng ta không sở hữu số điện thoại dùng để đăng ký".

Cùng đưa ra các khuyến cáo, chuyên gia bảo mật Vũ Ngọc Sơn, giám đốc công nghệ Công ty Công nghệ an ninh mạng Việt Nam NCS, cho rằng việc mua các tài khoản có sẵn hoặc tạo tài khoản với số điện thoại của người nước ngoài có thể dẫn tới tình huống bị theo dõi, đọc trộm thông tin. 

Cụ thể khi sử dụng các tài khoản này chat nội dung gì với ChatGPT thì người tạo tài khoản ban đầu cũng có thể xem, theo dõi được nếu họ cũng đăng nhập vào bằng tài khoản đó. Vì về bản chất người tạo sẽ là người sở hữu toàn quyền với tài khoản. 

Ngoài ra, việc thử nghiệm mở dịch vụ ở các nước sẽ tuân theo lộ trình và tính toán của nhà cung cấp. "Nếu quá nhiều người sử dụng ở một nước chưa có dịch vụ có thể dẫn tới sai lệch tính toán của nhà sản xuất, hệ quả cũng sẽ khó lường", ông Sơn nhận định thêm.

Cũng theo ông Sơn, trước khi thực hiện theo các hướng dẫn trên mạng về thủ thuật đăng ký, kích hoạt tài khoản ChatGPT, người dùng nên cẩn thận kiểm tra lại độ tin cậy của nguồn hướng dẫn. 

Trước khi tiến hành các giao dịch nhờ tạo hoặc mua bán tài khoản ChatGPT với người khác trên mạng, người dùng nên kiểm tra lại độ an toàn trong giao dịch sắp thực hiện. Người dùng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, đặc biệt là các thông tin như thẻ tín dụng để tránh các nguy cơ bị lừa đảo.

ChatGPT len lỏi khắp các "ngõ mạng"

chat-gptjpg-ngay-3-2-5read-only-1675437614353112857199-1675469086.jpeg

Các quảng cáo cung cấp dịch vụ mở tài khoản ChatGPT không chỉ xuất hiện tràn lan trên các hội, nhóm, trang Facebook mà còn xuất hiện ở các bài viết riêng của các cá nhân cung cấp dịch vụ. Thậm chí chúng còn xuất hiện đầy rẫy trong các dòng bình luận dưới bài viết của những người khác, đặc biệt là những người nổi tiếng.

Ngay dưới một bài viết về ChatGPT trên Facebook của ông V., chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc một doanh nghiệp - và cũng là người nổi tiếng và uy tín trên mạng xã hội, là một loạt bình luận (comment) của nhiều cá nhân thi nhau quảng cáo dịch vụ tạo tài khoản ChatGPT.

"Lúc đầu tôi nghĩ là dịch vụ thị trường bình thường nhưng khi thấy quá nhiều người comment không khác gì spam nên tôi phải xóa. Rất mất thời gian với thể loại comment "rác" này", ông V. bức xúc.

Tương tự, quản trị viên một nhóm về ChatGPT đã ra quy định "cấm" tất cả các bài đăng, comment liên quan mua, bán tài khoản nhằm hạn chế sự nhốn nháo đang ngày càng tràn lan.

Theo Đức Thiện/Tuổi trẻ

Link nội dung: https://www.thuongtruong24h.vn/kiem-chac-rao-ban-tai-khoan-chatgpt-tran-lan-tai-viet-nam-a154317.html